(GLO)- Ngày 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại tổ để đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì buổi thảo luận tổ tại điểm cầu Gia Lai.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn bày tỏ sự nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh. Việc sửa đổi nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành và đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập của nền điện ảnh Việt Nam.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu khách mời tham gia kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn, dự án Luật cần quan tâm đến giới trẻ, đặc biệt là trong xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Việc phổ biến văn hóa, điện ảnh rất đa dạng, linh hoạt, do đó, Nhà nước có vai trò tạo cơ chế, tạo “sân chơi” cởi mở để kiến tạo, phát triển thị trường điện ảnh, phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân. Để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam ngày một phát triển và đáp ứng hội nhập quốc tế thì phải có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, dự án Luật chưa thể hiện sâu sắc và cụ thể những điều này, theo đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm để có những bước đi đột phá hơn.
Đối với quy định về phổ biến phim trên không gian mạng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn cho rằng, đây là việc cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn và tất yếu trong xu thế 4.0. “Chính vì vậy, rút kinh nghiệm của khá nhiều lĩnh vực khác, tôi ủng hộ quan điểm “hậu kiểm”. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng tổ chức, cá nhân thực hiện phổ biến phim phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế “hậu kiểm” nội dung phim để đảm bảo hiệu quả, kịp thời kết hợp với chế tài nghiêm khắc xử lý vi phạm. Đối với một số nội dung về chính trị, quốc phòng-an ninh... thì cần quy định “tiền kiểm” và giao Chính phủ quy định chi tiết việc triển khai thực hiện. Đồng thời, tôi ủng hộ quan điểm ngân sách Nhà nước phải bảo đảm là chủ lực, chi phối để phổ biến điện ảnh đến với đồng bào các dân tộc, nhất là ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang... Tuy nhiên, cũng vẫn phải lưu ý về tính phù hợp, khả thi đối với từng vùng, miền, địa bàn cụ thể chứ không dàn trải”-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tham gia góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Quang Tấn |
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Theo đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Dự thảo Luật đã bỏ tiêu chuẩn khen thưởng thành tích đột xuất đối với các hình thức khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhất tại Điều 39, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất tại Điều 42. Quy định này chưa phù hợp với chủ trương là coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. “Do vậy, tôi đề nghị giữ nguyên quy định về khen thưởng đột xuất đối với các hình thức khen thưởng như: Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất như Luật hiện hành”-đại biểu Đinh Văn Thê nêu ý kiến.
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: Quang Tấn |
Cũng trong chương trình làm việc ngày 23-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã nghe các báo cáo: công tác phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án năm 2021; công tác phòng-chống tham nhũng năm 2021. Đồng thời, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về các báo cáo nêu trên và Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
QUANG TẤN