Đa dạng hóa tuyên truyền pháp luật về giao thông trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với hình thức tuyên truyền đa dạng, nội dung phong phú, các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Giờ học “Chúng em với an toàn giao thông” của lớp Lá 5 (Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Hội Thương, TP. Pleiku) diễn ra rất hào hứng. Cô giáo Trần Thị Thanh Hải hóa thân thành nữ Cảnh sát Giao thông, hòa mình cùng các trò nhỏ trong bài hát “Bạn ơi có biết?”.

Thông qua ca khúc này, cô Hải giúp trẻ nhận biết một số phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không; đồng thời, giới thiệu để trẻ phân biệt được các biển báo giao thông đơn giản trên đường.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) thực hành kỹ năng qua ngã tư đường phố đảm bảo ATGT. Ảnh: Mộc Trà

Học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) thực hành kỹ năng qua ngã tư đường phố đảm bảo ATGT. Ảnh: Mộc Trà

“Đối với học sinh mầm non, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền pháp luật về giao thông qua những bài hát, vần thơ, truyện kể, tranh vẽ hay hoạt động khám phá, thực hành để các bé vừa học vừa chơi, tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng. Thông thường, trẻ 5 tuổi sẽ có 3 tuần học về an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn được chúng tôi lồng ghép xuyên suốt năm học thông qua nhiều hoạt động khác nhau”-cô Hải cho hay.

Trường Mầm non Hoa Hồng vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lựa chọn để khảo sát việc thực hiện chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong bậc học mầm non năm học 2022-2023. Trước đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn về nội dung chương trình cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên và các nhóm lớp mầm non tư thục trực thuộc. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hỗ trợ, tư vấn giáo viên triển khai thực hiện. Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Đến nay, các giáo viên đã biết cách khai thác, sử dụng 26 tập phim hoạt hình cùng 20 tập truyện tranh vui giao thông từ chương trình cung cấp để sử dụng và lồng ghép trong các hoạt động giáo dục nhằm củng cố và bổ sung cho trẻ 3-5 tuổi các kiến thức, kỹ năng về ATGT. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp lực lượng Công an tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền về ATGT, cho trẻ thực hành đội mũ bảo hiểm, di chuyển qua ngã tư đường phố; bố trí tranh ảnh trực quan về ATGT tại góc lớp, sân trường và phối hợp với phụ huynh hình thành thói quen chấp hành pháp luật về ATGT cho trẻ.

Nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, từng bước nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa giao thông cho học sinh, từ đầu năm học 2022-2023, Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành, huyện Đak Pơ) đã xây dựng và duy trì mô hình “Cổng trường ATGT”. Thầy Trương Công Hương-giáo viên Tổng phụ trách Đội-cho biết: Trường có 2 bậc học, lượng học sinh mỗi lúc tan trường khá đông. Thêm vào đó, trường lại nằm sát quốc lộ 19 nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Được sự thống nhất của Ban Giám hiệu, Liên Đội đã triển khai mô hình với sự kết hợp giữa Đoàn xã và giáo viên trong việc tham gia hướng dẫn, hỗ trợ trật tự ATGT tại khu vực cổng trường; đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền ATGT thông qua hình thức phát thanh măng non đến toàn thể học sinh.

Mô hình "Cổng trường ATGT" của Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành, huyện Đak Pơ) nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo phụ huynh, học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Mô hình "Cổng trường ATGT" của Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành, huyện Đak Pơ) nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo phụ huynh, học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Anh Nguyễn Thái Quốc (thôn 5, xã An Thành) chia sẻ: “Tôi có con gái đang học lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng. Qua theo dõi, tôi thấy mô hình “Cổng trường ATGT” khá thiết thực và hiệu quả. Bởi lẽ, trường nằm ngay bên đường quốc lộ, thường xuyên có xe cộ qua lại rất nguy hiểm. Khi được thầy-cô giáo và đoàn viên, thanh niên phân luồng, học sinh ra về đảm bảo trật tự, tránh ùa ra cùng một lúc gây ùn tắc và mất ATGT”.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) có 1.768 học sinh, trong đó có 848 em điều khiển xe gắn máy 50 phân khối, 17 em sử dụng xe đạp điện và xe đạp để đến trường. Theo Phó Hiệu trưởng Đào Thủy Hậu, những năm qua, nhà trường luôn chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, nhất là pháp luật về ATGT thông qua các tiết học, giờ chào cờ, sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm và các trang mạng xã hội; kiểm soát phương tiện, hỗ trợ phân luồng cho học sinh khi đến trường và lúc ra về; phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh; tổ chức cho phụ huynh ký cam kết về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và không giao xe phân khối lớn cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

“Thông qua việc tham gia các hoạt động trải nghiệm, em đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích để tham gia giao thông một cách an toàn. Em đặc biệt hứng thú khi nghe các cô chú Cảnh sát Giao thông trực tiếp hướng dẫn, tuyên truyền về một số quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ và được thực hành lái xe an toàn ngay tại sân trường”-em Nguyễn Hồng Nhật Thiên (lớp 10A2) bày tỏ.

Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) thực hiện phân luồng cho học sinh di chuyển lúc tan trường. Ảnh: Mộc Trà

Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) thực hiện phân luồng cho học sinh di chuyển lúc tan trường. Ảnh: Mộc Trà

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi, bên cạnh tuyên truyền pháp luật về ATGT, các trường phổ thông nghiêm túc thực hiện việc tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông và không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, dùng làm tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại thi đua cuối năm; có biện pháp kiểm soát không để học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trái quy định.

“Các trường sẽ tiếp nhận thông tin học sinh vi phạm quy định ATGT do cơ quan Công an gửi và thông báo tới các trường học để xem xét giáo dục, nhắc nhở theo quy định và phối hợp với phụ huynh nhắc nhở, giáo dục học sinh; giao cho giáo viên chủ nhiệm có hình thức kiểm tra, giám sát, nhắc nhở hàng ngày đối với học sinh vi phạm. Ngoài ra, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, sử dụng, chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ xe đưa đón học sinh; vận động, khuyến khích học sinh đi học bằng phương tiện giao thông công cộng, xe đưa đón học sinh, xe đạp”-bà Nghi cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.