(GLO)- Lời Tòa soạn: Trải qua hơn 23 năm thành lập, với nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa thiết thực, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu gương sáng, chung tay góp sức vào sự phát triển của tỉnh. Nhân Đại hội đại biểu Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh lần thứ VI nhiệm kỳ 2018-2023), P.V Báo Gia Lai Điện tử có cuộc phỏng vấn ông TRẦN MINH SƠN-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua cũng như định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới.
Các cựu tù chính trị yêu nước tỉnh thăm Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Thủy Bình |
* P.V: Nhiệm kỳ qua, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh để lại những dấu ấn đáng nhớ nào, thưa ông?
Ông Trần Minh Sơn. Ảnh: P.L |
* P.V: Giáo dục truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và hết sức quan trọng của Hội. Xin ông cho biết, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
- Ông TRẦN MINH SƠN: Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và hết sức quan trọng. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cấp Hội, Ban Liên lạc Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đã cung cấp tài liệu, bài viết cho Viện Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan truyền thông về các nhà tù, trại giam, công tác xây dựng tổ chức Đảng trong các nhà tù, trại giam của địch. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản 5 tập sách “Giữa nanh vuốt kẻ thù”, thể hiện một cách trung thực về ngục tù máu lửa, những man rợ, xảo trá, âm mưu thâm độc của kẻ thù; trên hết là sự ngoan cường, dũng cảm chịu đựng mất mát đau thương và ý chí căm thù giặc sâu sắc của các chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh chống lại kẻ thù. Các cấp Hội còn tham gia cùng với ngành chức năng phục dựng Nhà lao Pleiku, Bia tưởng niệm các chiến sĩ anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972). Đây là những địa chỉ quen thuộc cho “bạn tù” trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm; các thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng của cha ông.
* P.V: Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong tổ chức các hoạt động của Hội?
- Ông TRẦN MINH SƠN: Thuận lợi lớn nhất là bản thân hội viên Hội Cựu tù chính trị yêu nước đã thực sự nêu gương sáng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; một lòng trọn nghĩa với Đảng, vẹn tình với đồng đội; nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chế độ đãi ngộ của Nhà nước; tham gia và cùng con cháu vận động thực hiện các phong trào do Mặt trận và chính quyền phát động… Chúng tôi luôn tâm niệm: “Quá khứ chỉ vinh quang khi hiện tại và tương lai biết làm đẹp cho đời”. Hội cũng nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của toàn xã hội, sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành khi hàng năm đều hỗ trợ kinh phí cho Hội duy trì hoạt động.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các cấp Hội cũng còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là ở cấp huyện. Việc thực hiện Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 1-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội còn vướng mắc. Nhiều Huyện hội chưa được công nhận là Hội có tính chất đặc thù nên không được cấp ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định. Nhiều hội viên tuổi cao, sức yếu do những năm tháng sống lao khổ tù đày nên không thể đóng góp nhiều cho hoạt động của Hội. Địa bàn quá rộng nên các hoạt động của Hội và hội viên cũng hạn chế.
* P.V: Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, định hướng của Hội trong nhiệm kỳ tới là gì, thưa ông?
- Ông TRẦN MINH SƠN: Trong thời gian đến, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh xác định sẽ tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2018-2023) đến các cấp Hội, tập trung vào những nội dung trọng tâm như: xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; học tập, triển khai đầy đủ các nghị quyết của Đảng và cấp ủy địa phương; giáo dục hội viên không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đồng thời đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, các cấp Hội tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Mỗi hội viên giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào tại cơ sở; thực hiện đầy đủ điều lệ, nhiệm vụ của hội viên. Tổ chức Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh luôn cố gắng để xứng đáng với 8 chữ vàng đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trao tặng: “Kiên trung-Bất khuất-Nghĩa tình-Thủy chung”.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Phương Linh (thực hiện)