Cựu Tổng Giám đốc VEC bị đề nghị mức án cao nhất là 7 năm tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công tố viên đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại tại 5 gói thầu tổng trị giá 460 tỷ đồng, được xác định là thiệt hại của vụ án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi giai đoạn 2.
Bị cáo Trần Văn Tám (SN 1963), cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bị cáo Trần Văn Tám (SN 1963), cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau 4 ngày xét hỏi, chiều tối 19/10, tại phiên xử 22 bị cáo trong vụ án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi giai đoạn 2, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát đề xuất không yêu cầu các nhà thầu bồi thường thiệt hại 460 tỷ đồng của vụ án mà chính các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám từ 3 năm tù đến 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng," từ 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng." Tổng hợp hình phạt chung từ 5 năm 6 tháng tù đến 7 năm tù.

Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh bị đề nghị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Các bị cáo còn lại bị đề nghị tuyên phạt từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 7 năm 6 tháng tù.

Đáng lưu ý, mặc dù trước đó, đại diện VEC và các nhà thầu đều có quan điểm không buộc các bị cáo bồi thường, song đại diện Viện Kiểm sát vẫn đề nghị buộc các bị cáo bồi thường trong vụ án này.

Công tố viên đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại tại 5 gói thầu, tổng trị giá 460 tỷ đồng, được xác định là thiệt hại của vụ án.

Bị cáo Hoàng Việt Hưng (sinh năm 1974), cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bị cáo Hoàng Việt Hưng (sinh năm 1974), cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Về các quan hệ dân sự kinh tế khác, các bị cáo có nghĩa vụ phải bồi thường, có quyền yêu cầu các cá nhân, pháp nhân có liên quan trong việc gây thiệt hại bồi hoàn số tiền đã bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu được giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Bản luận tội của Viện Kiểm sát đánh giá, suốt quá trình thực hiện dự án, từ Tổng Giám đốc đến các Phó Tổng Giám đốc VEC đã "buông lỏng công tác chỉ đạo điều hành, quản lý thi công dự án, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng," dẫn đến các gói thầu được thi công, nghiệm thu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế; chất lượng công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo.

Đặc biệt, tháng 5/2016, sau khi kiểm tra thực tế dự án, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi yêu cầu VEC tăng cường kiểm tra chất lượng vật liệu nguồn các loại dùng cho dự án, song yêu cầu này đã không được hai bị cáo nguyên là Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh và Trần Văn Tám nghiêm túc thực hiện.

Ngày 20/10, Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư, bị cáo đối với quan điểm buộc tội của đại diện Viện Kiểm sát.

Có thể bạn quan tâm