Cứu dân trong dòng nước lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 17-9, giữa lằn ranh sinh tử, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) đã không quản hiểm nguy dầm mình trong lũ dữ để cứu dân.

Một ngày sau trận lũ quét, chị Rơ Châm H’Pinh (41 tuổi, trú tại làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) vẫn chưa hết sợ hãi. Chị kể, ngày 16-9, chị cùng chồng là anh Ksor Gao (44 tuổi) và 4 anh chị em đi làm rẫy rồi ở lại luôn tại chòi rẫy. Đến khoảng 2 giờ sáng 17-9, anh Gao tỉnh giấc giữa đêm khuya thì phát hiện nước lũ tại khu vực suối Đôi ùn ùn đổ về. Dòng nước lũ dâng lên rất nhanh khiến mọi người trên chòi rẫy đứng ngồi không yên. Thấy vậy, anh Gao liền gọi tất cả mọi người dậy và lội nước men theo doi đất cao bên cạnh để tìm đến gốc cây bằng lăng cách chòi rẫy khoảng 50 mét. Cả nhóm liền tìm cách đưa nhau lên cây để tránh nước lũ đang ngày một dâng cao.

 

Cán bộ chiến sĩ dầm mình trong nước đưa dân lên bờ an toàn.
Cán bộ chiến sĩ dầm mình trong nước đưa dân lên bờ an toàn.

“Mình sợ lắm, từ nhỏ tới giờ chưa lội nước lũ trong đêm lần nào. Cứ thấy nước cuốn mấy gốc cây bên bờ suối thì mình nghĩ sẽ bị cuốn theo thôi. Mình còn lo hơn khi bỏ lại 5 đứa con không ai nuôi, thế là mình khóc”-chị H’Pinh kể. Riêng anh Kpuih Nhoong một phần vì quá hoảng loạn, một phần không dám leo cây nên đành phải ôm gốc cây cho khỏi bị lũ cuốn. Nước dâng tới đâu, anh Nhoong bám thân cây tới đó.

Ngồi trên cây nhưng ai cũng hoảng sợ, lo lắng vì trời càng lúc càng mưa to hơn. Trong cơn tuyệt vọng hãi hùng, bất ngờ từ phía xa có ánh dèn pin nháy liên hồi về hướng mọi người đang chống lại với cơn lũ. “Mình sợ lắm chứ. Mưa cứ liên tục đổ xuống. Gió, nước chảy xiết dưới chân như muốn cuốn đổ cây, trời thì tối đen chẳng thấy gì. Bám trên cây hơn cả giờ đồng hồ vừa mệt, vừa đói nhưng không ai dám buông tay và nói chuyện với nhau”-anh Gao kể lại.

 

Cả khu vực bị nước lũ nhấn chìm.
Cả khu vực bị nước lũ nhấn chìm.
Thượng tá Lê Thuần Chất-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho biết: Từ năm 2009 tới nay, đơn vị đã 3 lần tổ chức ứng cứu khi người dân bị lũ cô lập. Năm 2013, các cán bộ, chiến sĩ đã cứu được 9 người dân bị cô lập do sự cố vỡ đập Ia Krêl 2. Năm 2014, thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ đê quai thêm lần nữa, 2 người dân bị lũ cuốn, trèo thoát lên cây cũng được bộ đội đưa về làng an toàn.

Trong lúc người dân đang cố thủ trên cây thì thông tin được báo về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ngay lập tức, Chỉ huy Đồn đã tổ chức lực lượng gồm 11 cán bộ, chiến sĩ do Thiếu tá Võ Hồng Thanh-Phó Đồn trưởng Quân sự, mang theo 15 phao cứu sinh, hơn 200 mét dây nhanh chóng cơ động đến hiện trường để tiến hành cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tá Võ Hồng Thanh nhớ lại: Chưa đầy 20 phút sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ đã được triển khai đến hiện trường với quyết tâm bằng mọi cách phải cứu được người dân, đưa họ đến nơi an toàn và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tổ ứng cứu. Khi đến nơi, trời còn tối như mực, phía trước mênh mông là nước không còn biết đâu là bờ. Lực lượng ứng cứu trấn an tinh thần bà con bằng ánh đèn pin chờ trời ló sáng rồi triển khai cứu hộ.

 

Theo kế hoạch, Trung úy Đào Công Tú-người có nhiều kinh nghiệm bơi lội được giao trọng trách cầm dây và áo phao vượt dòng nước lũ hướng về chòi rẫy để tìm cách giải cứu người dân. Việc tiếp cận mục tiêu rất khó khăn khi nước vẫn cuồn cuộn chảy. Sau khoảng 30 phút vật lộn với con nước, Trung úy Tú đã đến được nơi người dân đang bám trên cây và thuyết phục mọi người cùng bám theo dây để vào bờ.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung úy Đào Công Tú nói: "Lúc đầu, bà con vẫn còn hoảng loạn lắm, tôi phải động viên mãi mọi người mới bình tĩnh và chịu để chúng tôi dìu vào bờ. Tôi biết đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nguy hiểm, nhưng việc cứu dân là trách nhiệm. Đến được với người dân, thuyết phục và đưa dân lên bờ an toàn, lúc này tôi cùng đồng đội mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

 

Dòng nước chảy siết như muốn nuốt trọn cả nhóm người đang cố vượt qua dòng lũ.
Dòng nước chảy xiết như muốn nuốt trọn cả nhóm người đang cố vượt qua dòng lũ.

Sau hơn 3 giờ dầm mình trong nước lũ, 6 người dân bị cô lập đã được giải cứu và đưa đến khu vực an toàn. Sau đó, tổ ứng cứu tiếp tục triển khai lực lượng rà soát dọc theo suối Đôi để tìm kiếm cứu hộ. Khi xác định không còn trường hợp người dân nào bị mắc kẹt bởi lũ thì lực lượng ứng cứu mới triển khai đội hình đưa dân trở về làng.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.