Cựu chủ tịch Vinashin khai gì khi hầu tòa vụ đại án Oceanbank?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Ngọc Sự cùng 3 đồng phạm từng là thuộc cấp bị cáo buộc đã nhận hơn 100 tỷ đồng lãi ngoài của Oceanbank. Tại tòa, các bị cáo đưa ra những thông tin trái chiều nhau.
Ngày 10/6, TAND Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (62 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
3 bị cáo khác có liên quan vụ án gồm: Trần Đức Chính (43 tuổi), cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin; Trương Văn Tuyến (69 tuổi), cựu Tổng giám đốc Vinashin và Phạm Thanh Sơn (47 tuổi), cựu Phó tổng giám đốc Vinashin.
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 12/6. Thẩm phán Vũ Quang Huy chủ tọa, 8 luật sư tham gia tranh tụng.
Bốn cựu sếp Vinashin chiếm đoạt bao nhiêu tiền?
Trước phiên xử, tòa triệu tập 3 cựu sếp Oceanbank gồm: Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT, đang thụ án tù chung thân), Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc, người mang án tử hình) và Nguyễn Thị Minh Phương (cựu Phó tổng giám đốc, thụ án 22 năm tù).
Tuy nhiên, 3 bị án cùng có đơn xin xét xử vắng mặt. Riêng ông Hà Văn Thắm ủy quyền cho người đại diện đến tham gia phiên tòa.
 
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự. Ảnh: Hoàng Lam.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Sự khai trước năm 2011 không hề biết Vinashin gửi tiền vào ngân hàng nơi Hà Văn Thắm làm chủ tịch. Năm 2012, ông ta biết việc gửi tiền khi cấp dưới nhắc đến khoản lãi ngoài do nhà băng "chăm sóc" dịp lễ, Tết.
Sau thời gian này, Nguyễn Ngọc Sự đã có 3 lần nhận tổng số tiền 8 tỷ đồng do nhà băng "chăm sóc khách hàng". Cựu chủ tịch Vinashin khai tiền do ngân hàng chi lãi ngoài được Trần Đức Chính quản lý.
"Ban đầu, bị cáo thống nhất gửi tiền chỉ để quay vòng vốn nhằm thu lãi cho Vinashin. Bị cáo không có mục đích chiếm đoạt", bị cáo Sự trình bày.
Tiếp đó, Trương Văn Tuyến bước đến bục khai báo. Là người nhiều tuổi nhất trong 4 bị cáo, cựu tổng giám đốc Vinashin có mái tóc bạc trắng.
Ông khai bản thân biết Trần Đức Chính quản lý một nguồn tiền nào đó để ngoài sổ sách nhưng không biết rõ đó là tiền gì. Khi được Chính đưa tiền, Tuyến vẫn đồng ý nhận 3,5 tỷ đồng.
Đối với Phạm Thanh Sơn, cựu Phó tổng giám đốc Vinashin khai ông ta đã nhận 1,2 tỷ đồng do Trần Đức Chính đưa. Bị cáo nói bản thân chỉ lờ mờ đoán nguồn gốc tiền có thể xuất phát từ việc đơn vị hợp tác với Oceanbank nhưng không tìm hiểu cụ thể.
Là người cuối cùng được xét hỏi, Trần Đức Chính lại nói rằng 3 đồng phạm biết rất rõ nguồn gốc số tiền lãi ngoài do Oceanbank chi để "chăm sóc" khách hàng.
Trong đó, Chính khai bị cáo Trần Văn Tuyến đã chỉ đạo ông ta đến ngân hàng để nhận và quản lý tiền. Còn ông Sự và ông Sơn là những người phê duyệt việc sử dụng tiền cho các dịp lễ, Tết.
"Mong HĐXX làm rõ bị cáo đã chia tiền thế nào cho các bị cáo khác. Bị cáo chỉ được anh Sự chia cho 10 tỷ đồng", Trần Đức Chính phân bua.
Cố tình gửi tiền vào nhà băng để lấy lãi ngoài
Theo cáo buộc, năm 2010, Vinashin được Tập đoàn dầu khí (PVN) chi 2.200 tỷ đồng và Chính phủ tạm ứng 4.190 tỷ đồng để tái cơ cấu, sản xuất kinh doanh.
 
Từ trái qua: Trần Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn. Ảnh: Hoàng Lam.
Dù không được Chính phủ đồng ý nhưng Nguyễn Ngọc Sự cùng 3 đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền trên để gửi có kỳ hạn vào Oceanbank nhằm chiếm đoạt khoản lãi ngoài của nhà băng.
Giai đoạn 2011-2014, Vinashin gửi 109.900 tỷ đồng và trên 180 triệu USD vào Oceanbank chi nhánh Thăng Long. Theo hợp đồng, tiền lãi hưởng gần 1.100 tỷ và khoảng 30.000 USD.
Đáp lại, Hà Văn Thắm và cấp dưới đã chi hơn 105 tỷ đồng lãi ngoài hợp đồng để "chăm sóc" dàn lãnh đạo Vinashin.
VKSND cáo buộc, từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng từ nhà băng. Chính không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin mà để ngoài sổ sách rồi cùng các bị cáo chiếm đoạt.
Trong đó, Nguyễn Ngọc Sự chiếm hưởng 8 tỷ; Trương Văn Tuyến chiếm đoạt 3,5 tỷ; Phạm Thanh Sơn hưởng 1,2 tỷ. Riêng Trần Đức Chính chiếm hưởng 10 tỷ. Số tiền còn lại là hơn 80 tỷ Chính đã sử dụng cá nhân và chi cho các cuộc họp, ngoại giao, đi công tác nước ngoài.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, Trần Đức Chính khai đã đưa cho ông Sự hơn 50 tỷ, đưa cho ông Sơn trên 7 tỷ và đưa cho ông Tuyến 15 tỷ.
Hoàng Lam (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

(GLO)- Sáng 6-1, tại lễ chào cờ đầu năm 2025, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã đọc thư chúc mừng năm mới của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc liên quan đến vụ án Phan Thị Thảo.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.