(GLO)- Người Việt có quan niệm, người đã khuất có linh hồn và linh hồn cũng cần sự quan tâm, chăm sóc của người sống. Việc khói hương, giỗ chạp, tu tảo mộ phần hàng năm chính là mối giao thoa giữa tâm linh và thực tại; giữa người mất kẻ còn; giữa tổ tiên ông bà và lớp cháu con hậu thế. Mở rộng ra, điều này còn có ý nghĩa gợi nhắc truyền thống gia đình, họ tộc; ý thức cội nguồn tổ tiên giống nòi, dân tộc để mà yêu thương, đùm bọc, tự tôn...
Người đã khuất, tất nhiên không hẳn đều mồ yên mả đẹp, khói hương ấm cúng, chăm sóc quanh năm mà vì nhiều lý do nắm xương gửi lại không người biết đến, linh hồn vưởng vất không chốn tựa tìm, như trong bài “Văn tế Thập loại chúng sinh” mà cụ Nguyễn Du đã liệt kê. “Thanh minh trong tiết tháng ba”, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền đời của cộng đồng cư dân Việt trên suốt dải đất cong cong hình chữ S tự thuở “mang gươm đi mở cõi” cho đến khi làng mạc định hình, trù phú sinh sôi là hình thức tưởng niệm, khấn cầu cho những vong linh như vậy sớm siêu thoát, có chốn nương về.
Cúng thanh minh ở một khu dân cư trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Đ.P |
Ở vùng quê, hàng năm, từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng, việc chạp mả ở mỗi gia đình, dòng họ hầu như đã hoàn tất. Nơi gò hoang, nghĩa địa, những ngôi mộ vô chủ hiện ra. Lo việc khói hương, “lễ là tảo mộ” dành cho những nấm mồ này diễn ra trong ngày Thanh minh. Trong nội dung “lễ”, các cụ già đi cùng lớp người trẻ thắp hương, khấn thỉnh linh hồn người nằm đó về sân đình hay bãi đất trống trung tâm xóm nơi tổ chức “hội”, có đặt bàn thờ hương án dự mâm cỗ bà con xóm làng chung tay, góp sức dâng tưởng. “Lễ” trang nghiêm cùng khói hương trầm mặc; trong nếp áo dài đen, đầu đội khăn đóng của cụ già giữ vai chủ tế cùng giọng đọc văn tế chậm đều, ngân nga trầm bổng, xung quanh lớp trong vòng ngoài cư dân của xóm quỳ lạy.
Phần lớn cư dân đô thị ở nước ta xuất thân từ vùng nông thôn nên có chung tín ngưỡng thờ cúng. Khi đời sống vật chất được nâng lên, kéo theo nhu cầu đời sống tinh thần, “người nhà quê” trong tâm thức trỗi dậy. Họ tìm một hình thức sinh hoạt cộng đồng nào đấy ngoài hình thức sinh hoạt của chính quyền để mà gần nhau, để mà “làng hóa” cung đường, khu phố. Thế là, cúng Thanh minh được tái xác lập, được đại đa số nhiệt thành ủng hộ. Cứ theo truyền thống, hàng năm vào tháng cuối xuân tiết trời còn mát mẻ, dấu xuân “Cỏ non xanh rợn chân trời” còn vương vấn, khắp nẻo phố phường người dân tổ chức cúng Thanh minh.
Từ khi Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch) được Nhà nước quy định là ngày quốc lễ thì nhiều nơi đã tổ chức cúng thanh minh cùng với Giỗ Tổ Hùng Vương. Ấy là dịp thành viên mỗi gia đình nơi xa trở về nhà, xóm làng đông đủ, tổ chức cúng sẽ đông vui hơn. Trước bàn thờ trầm mặc khói hương, người khấn không chỉ cầu cho những linh hồn không nơi thờ tự cùng về thượng hưởng, “chung tay góp sức” phù hộ độ trì cho xóm làng yên vui, tất thảy đều an lành khỏe mạnh, ăn nên làm ra, người già được trường thọ, trẻ con hay ăn chóng lớn, gặp điều lành lánh xa điều dữ... mà còn cầu cho quốc thái dân an, mọi con dân nước Việt người trong một nhà đùm bọc, yêu thương.
Thiêng thiêng, cao đẹp biết bao!
Tuy thế, có nơi tổ chức nghi lễ cúng bái quá rườm rà, mời thầy cúng ê a câu kinh tiếng kệ kéo dài trong suốt nhiều giờ đồng hồ với lớp lớp người ngồi sau đầu đội sớ, chốc chốc lại thì thụp quỳ lạy như “lên đồng” giữa thanh thiên bạch nhật trông rất phản cảm. Lại còn hóa vàng hàng mã đủ cả những nhà cao tầng, ô tô đời mới, vàng thẻ, đô la... tốn kém.
Cúng Thanh minh có ý nghĩa thiết thực, được mọi người ghi nhận với sự chung góp chi phí để có buổi lễ và hội trang nghiêm, ấm áp, vui vẻ với đủ nam, phụ, lão, ấu trong xóm phố. Quanh bàn tiệc, người già được tôn xưng, trẻ em được chiều chuộng, phụ nữ được ngợi ca, cánh đàn ông... cạn chén. Nhờ đó mà biết nhau, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt...
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ