(GLO)- Với mục tiêu xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, những năm qua, Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn tuyên truyền cho người dân biên giới. Ảnh: Anh Huy |
Trung tá Đàm Văn Chung-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Pnôn: Trong 10 năm trở lại đây, đơn vị đã xây dựng, bàn giao 7 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, 5 “Nhà tình nghĩa”, tặng 9 con bò giống cho đồng bào nghèo và tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.023 lượt người. Đơn vị còn xây dựng 2 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, gồm: trồng lúa nước và trồng tre lấy măng. |
Ông Rơ Châm Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn-cho biết: Toàn xã có 1.244 hộ/4.927 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Jrai chiếm khoảng 90%. Là xã biên giới nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; các thế lực thù địch vẫn ngấm ngầm lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, kích động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Pnôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”, Luật Biên giới Quốc gia, Nghị định 34/NĐ-CP, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế về biên giới, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng...
Theo số liệu tại hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019 vừa được tổ chức mới đây, từ năm 2009 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể trong xã đã phối hợp với Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Pnôn tổ chức tuyên truyền tập trung được 347 buổi/15.752 lượt người nghe, tuyên truyền nhỏ lẻ được 8.967 lần/13.625 lượt người nghe, tuyên truyền đặc biệt 379 lần/517 lượt người nghe; lồng ghép tuyên truyền thông qua thăm thân, chúc Tết được 475 lần/946 lượt nhân dân Campuchia. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chủ động phối hợp với Đồn khảo sát, lựa chọn, tổ chức kết nghĩa giữa làng Bua (xã Ia Pnôn) với làng Đo nhỏ (xã Ozatung, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định. “Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên mỗi người dân trong xã đều nêu cao tinh thần cảnh giác, trở thành “tai, mắt” của lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng-chống và tố giác tội phạm; tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Toàn xã hiện có 1.052 hộ tham gia ký kết tự quản an ninh trật tự thôn, làng và 37 hộ ký kết tham gia tự quản trên đoạn biên giới hiện quản”-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn thông tin.
Tổ an ninh trật tự thôn làng tổ chức tuần tra. Ảnh: Anh Huy |
Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Ia Pnôn đã tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; duy trì nền nếp, thường xuyên trao đổi tình hình với 4 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng và 2 tổ tự quản đường biên, cột mốc trên biên giới. Đồng thời, cũng tích cực vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa. Đến nay, xã Ia Pnôn đã có 3/4 làng được công nhận làng văn hóa, 517 hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Đặc biệt, Đồn Biên phòng Ia Pnôn đã trực tiếp tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế để cải thiện đời sống.
Anh Huy