Cục Thuế tỉnh Gia Lai “tiếp sức” để phục hồi kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếp nối các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022, Cục Thuế tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai các chính sách giảm thuế, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp thuế. Mặc dù ngân sách nhà nước bị chậm thu hoặc giảm thu trong ngắn hạn nhưng đổi lại, nền kinh tế được “tiếp sức” kịp thời để lấy đà phục hồi tăng trưởng theo hướng bền vững.

Giảm, giãn thu là chìa khóa để phục hồi nền kinh tế

Theo ước tính của Cục Thuế tỉnh, năm 2022, tổng giá trị chính sách thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 700 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 551 người nộp thuế với số thuế được giảm 9,6 tỷ đồng; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho 40 người nộp thuế với số tiền 16,7 tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ cho 1.133 người nộp thuế với số tiền 49,3 tỷ đồng; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với 5.181 người nộp thuế với số tiền 274 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường với số tiền 144 tỷ đồng...

Bước vào năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gắn với tiến trình phục hồi kinh tế. Mở đầu cho chính sách hỗ trợ năm nay là thực hiện Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30-12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2023. Theo ước tính của Cục Thuế tỉnh, việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 340 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phát biểu tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2022. Ảnh: Đức Thụy

Ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phát biểu tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2022. Ảnh: Đức Thụy

Tiếp theo đó là Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối tượng được áp dụng chính sách này là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trực tiếp theo quyết định hoặc theo hợp đồng, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất, thuê mặt nước hàng năm. Các đối tượng được hỗ trợ sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2022, dự ước số tiền thực hiện giảm khoảng 29 tỷ đồng.

Liên quan đến việc triển khai chính sách này, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-nhấn mạnh: “Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách giảm tiền thuê đất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trên tinh thần đưa chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Thuế khẩn trương đối chiếu rà soát, lập hồ sơ theo quy định, gửi về Cục Thuế tỉnh để xem xét, kịp thời ban hành quyết định giảm tiền thuê đất năm 2022”.

Có thể thấy, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được thực thi đồng bộ trong 3 năm gần đây đã tác động rất rõ nét đối với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc tiếp nối thực hiện chính sách hỗ trợ qua các năm là vô cùng cần thiết nhằm tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp ổn định đời sống, cân đối nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá thêm về tác động của chính sách tài khóa đối với cộng đồng doanh nghiệp địa phương, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho rằng: “Các chính sách hỗ trợ về thuế luôn đi tiên phong trong việc tháo gỡ khó khăn và áp lực về tài chính cho doanh nghiệp. Từ thực tế triển khai các chính sách hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ xem xét điều chuyển nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ khác sang thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế trực tiếp cho doanh nghiệp vì tính thiết thực, kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả”.

Thu nội địa giữ nhịp tăng trưởng khá

Thu nội địa là khoản thu phản ánh đúng thực lực và diễn biến nội tại của nền kinh tế. Kết thúc quý I-2023, thu nội địa toàn tỉnh từ hoạt động sản xuất kinh doanh (trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện gần 1.459 tỷ đồng, đạt 35,9% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 35,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 10/14 khu vực, sắc thuế đạt và vượt trên 25% so với tiến độ dự toán giao; 14/18 địa bàn đạt và vượt trên 25% so với tiến độ dự toán giao.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh trao bằng khen của Bộ Tài chính cho 2 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Ảnh: Sơn Ca

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh trao bằng khen của Bộ Tài chính cho 2 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Ảnh: Sơn Ca

Một trong những đơn vị đạt và vượt tiến độ cao về thu ngân sách là Chi cục Thuế TP. Pleiku. Tính đến hết quý I, thu cân đối ngân sách (trừ tiền sử dụng đất) của Chi cục thực hiện được 219,59 tỷ đồng, đạt 36% dự toán giao và bằng 117,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích sơ bộ về tình hình thu ngân sách các tháng vừa qua, bà Phạm Thị Bích-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-cho biết: “Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng từ các yếu tố thị trường bất động sản trầm lắng, thu lệ phí trước bạ phát sinh ít, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm... Chi cục đã bám sát tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý nguồn thu từ địa bàn, chống thất thu, đôn đốc một số doanh nghiệp phát sinh số thuế phải nộp lớn vào ngân sách nhà nước kịp thời nên nhiều khoản thuế đạt và vượt so với cùng kỳ. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng đạt 40,5% dự toán giao và bằng 110,16% so với cùng kỳ năm 2022; thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 69,6% dự toán giao và bằng 166,92% so với cùng kỳ năm ngoái; thuế tài nguyên đạt 38,2% dự toán giao và bằng 104,6% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Theo đánh giá từ Cục Thuế tỉnh, bức tranh thu ngân sách nhà nước có nhiều điểm sáng là bởi nền kinh tế địa phương vẫn đang duy trì đà tăng trưởng ổn định. Đây cũng là yếu tố tác động tăng thu ở nhiều khoản thu, sắc thuế. Cụ thể, số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhà nước trung ương tăng 43 tỷ đồng (tăng 155% so với cùng kỳ năm trước); thuế thu nhập doanh nghiệp từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 51,5 tỷ đồng (tăng 162,7% so với cùng kỳ năm trước); phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài xây dựng, cung cấp, lắp ráp máy móc thiết bị cho các nhà máy điện gió và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán năm 2022.

Thu từ khu vực công thương nghiệp tăng chủ yếu từ các đơn vị kinh doanh, chế biến nông sản, cá nhân hộ kinh doanh phát sinh số nộp trong tháng tăng và nộp số thuế giá trị gia tăng được gia hạn theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP: Số nộp từ gia hạn thuế giá trị gia tăng và nộp nợ lũy kế tháng 3-2023 trên 110 tỷ đồng. Thu từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh tăng 44 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các chuyên đề chống thất thu được triển khai đồng bộ từ Cục Thuế tỉnh đến các Chi cục Thuế trong lĩnh vực giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại, khoáng sản, xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân, thanh tra, kiểm tra tiền thuê đất đã phát huy hiệu quả tích cực.

Từ kết quả thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm 2023, ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-đánh giá: “Thu nội địa do cơ quan Thuế quản lý đạt và vượt tiến độ so với dự toán giao là tín hiệu rất đáng ghi nhận, là tiền đề quan trọng để Cục Thuế tỉnh phấn đấu thu ngân sách hết quý II đạt từ 55% trở lên so với kế hoạch. Trong tổng thể bức tranh thu ngân sách nhà nước có sự đan xen giữa các yếu tố tăng thu, giảm thu từ tình hình phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực thi các chính sách hỗ trợ những năm trước, chúng tôi tin tưởng rằng dù nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, người dân, doanh nghiệp có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, tiếp tục đóng góp trở lại vào ngân sách nhà nước. Cục Thuế tỉnh cũng chủ động khai thác các khoản thu khác, lĩnh vực khác để bù đắp các khoản giảm thu, hụt thu do thực hiện chính sách hỗ trợ người nộp thuế”.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.