Công ty Bình Dương phát huy vai trò người có uy tín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong những năm qua, Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) thường xuyên quan tâm đến đời sống và phát huy vai trò của người có uy tín tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số của 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).



Ông Rơ Châm Bái có gần 10 năm làm Trưởng thôn Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông. Ông luôn tâm niệm: Để dân hiểu, dân tin và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bản thân mình phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, phong trào ở địa phương. Trước hết là công tác giảm nghèo, định canh, định cư, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con. Ông Bái đã cùng với lãnh đạo Công ty Bình Dương “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân vào làm công nhân cho đơn vị; hướng dẫn kỹ thuật, kiến thức phát triển kinh tế gia đình; xóa bỏ tập tục lạc hậu, không tổ chức lễ cưới, đám tang lâu ngày tốn kém…

Ông Rơ Châm Bái (bìa trái) và cán bộ Công ty Bình Dương nói chuyện với người dân làng Blu. Ảnh: Sơn Tùng
Ông Rơ Châm Bái (bìa trái) và cán bộ Công ty Bình Dương nói chuyện với người dân làng Blu. Ảnh: Sơn Tùng

Cùng chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch đẹp và tham quan nhà văn hóa, ông Bái vui mừng cho biết: Để làng Blu khang trang như ngày nay, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và Công ty Bình Dương thì đều từ sức dân mà ra. Với phương châm “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn đã huy động cán bộ, đảng viên và người dân, ai có của góp của, ai có công góp công để xây dựng quê hương.

Hiện nay, đời sống của dân làng được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,62%, nhiều hộ đã làm được nhà kiên cố, mua sắm các vật dụng gia đình, cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp.

Những năm qua, ông Rơ Châm Mít-già làng Hle-Ngo (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục bà con chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội. Trong đó, người lớn tuổi phải gương mẫu cho con cháu làm theo.

Già làng cùng với Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thôn xây dựng hương ước, quy ước và ai vi phạm sẽ đưa ra kiểm điểm trước dân. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, làng Hle-Ngo không có người vi phạm pháp luật, an ninh trật tự luôn ổn định và được công nhận làng văn hóa cấp huyện; tình làng nghĩa xóm gắn bó bền chặt; bà con hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Trên địa bàn Công ty Bình Dương đứng chân có 32 già làng, trưởng thôn và người có uy tín. Đây là những người có kiến thức, kinh nghiệm, cống hiến và uy tín trong cộng đồng. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty Bình Dương luôn xác định phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín là một “mắt xích” và giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ.

Từ đó, Công ty phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, phát triển kinh tế và kỹ năng tuyên truyền cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Cùng với đó, Công ty thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên để già làng, trưởng thôn, người có uy tín phấn khởi, yên tâm cống hiến cho cộng đồng.   

Ngoài việc vận động người dân vào làm công nhân thì Công ty Bình Dương còn triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế-xã hội, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiên phong thực hiện trước để làm gương, rồi vận động bà con làm theo.

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất chủ yếu dựa vào điều kiện thời tiết, tự cung, tự cấp, thu nhập bấp bênh. Còn bây giờ, họ đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Tỷ lệ hộ nghèo của làng Blu trong những năm qua giảm nhanh nhờ sự hỗ trợ của Công ty Bình Dương đấy”-ông Rơ Châm Bái cho biết.

Trong xây dựng địa bàn, Công ty Bình Dương đã động viên, hướng dẫn các già làng, trưởng thôn, người có uy tín thường xuyên nắm bắt mọi tâm tư, nguyện vọng của người dân và các vấn đề mới phát sinh. Đội ngũ này tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, dòng tộc, gia đình thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Thượng tá Lưu Văn Đoàn-Bí thư Đảng ủy Công ty Bình Dương-khẳng định: “Nếu phát huy được vai trò của già làng, trưởng thôn và người có uy tín trong cộng đồng thì những vấn đề về an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản sẽ được giải quyết triệt để từ cơ sở. Tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân cũng sẽ được củng cố, tăng cường”.

SƠN TÙNG-NGUYỄN PHONG

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.