Công ty 74 mở rộng quy mô chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) đã triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đơn vị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.

Thượng tá Nguyễn Văn Quang-Phó Giám đốc Công ty 74-cho biết: Năm 2015, Công ty bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên diện tích hơn 15 ha với hơn 500 con bò giống BBB và kem Pháp. Các giống bò này thích ứng với khí hậu và điều kiện chăn nuôi ở đây nên sinh trưởng, phát triển tốt, nguồn thịt đạt chất lượng cao. Thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đơn vị đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, Xí nghiệp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Công ty có diện tích 45 ha, trong đó, khu vực trồng cỏ rộng hơn 30 ha, còn lại là khu vực chuồng trại, nhà chỉ huy, điều hành.

Để đảm bảo đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, nguồn thịt đạt chất lượng cao, Công ty nhập một số thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao để cho bò ăn bổ sung. Công ty cũng đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại để gia công, chế biến, ủ chua thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Đại diện Xí nghiệp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (Công ty 74) giới thiệu mô hình chăn nuôi bò của đơn vị. Ảnh: V.H

Đại diện Xí nghiệp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (Công ty 74) giới thiệu mô hình chăn nuôi bò của đơn vị. Ảnh: V.H

Thiếu tá Nguyễn Tiến Thọ-Quản đốc Xí nghiệp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao-cho biết: Với quy mô hơn 1.100 con bò như hiện nay, mỗi ngày, Xí nghiệp sử dụng hết 22 tấn thức ăn. Chính vì thế, đơn vị bố trí 2 máy trộn, rải thức ăn, 1 máy cắt cỏ liên hoàn và 2 máy cắt, băm, nghiền nát cỏ. Điều đặc biệt là các loại máy cắt cỏ đều được đơn vị cải tiến, lắp thêm lồng, hệ thống máy băm. Khi hoạt động, máy không chỉ thực hiện chức năng cắt cỏ mà còn có thể băm nát cỏ. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp thức ăn cho bò cũng được tự động hóa nên đã tiết giảm được nhiều nhân công lao động. Trước đây, chúng tôi có hơn 30 lao động, nhưng nhờ trang bị máy móc tự động nên hiện nay chỉ có 17 người.

Ngoài ra, để nguồn thịt đạt chất lượng cao, Công ty 74 đã nhập các giống bò từ nước ngoài, có nguồn gốc rõ ràng. Bò giống nhập về đảm bảo có trọng lượng 180-200 kg/con, khi bò xuất chuồng phải đạt trọng lượng 600-650 kg. Trong quá trình chăn nuôi, đơn vị chú trọng công tác thú y nên tỷ lệ bò sống đạt 100%.

Bên cạnh đó, để phát huy hết công năng sử dụng của 11 chuồng trại chăn nuôi bò, đơn vị đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Nguồn điện này không chỉ đủ cung cấp điện cho Xí nghiệp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao mà còn bán ra thị trường, góp phần tăng thu nhập cho đơn vị. Cùng với đó, phân bò được bán lại cho người dân trên địa bàn để bón cho cây trồng với khối lượng bình quân hơn 250 m3/tháng cũng mang lại nguồn lợi nhuận cho đơn vị.

Thức ăn của bò được cung cấp qua hệ thống xe tự động rải vào bể chứa. Ảnh: V.H

Thức ăn của bò được cung cấp qua hệ thống xe tự động rải vào bể chứa. Ảnh: V.H

Thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, sáng 4-12, Công ty 74 đã cấp 60 con bò giống sinh sản cho 60 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở các xã: Ia Kla, Ia Dơk (huyện Đức Cơ), Ia Chía (huyện Ia Grai). Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ thức ăn tinh tháng đầu tiên, cấp thuốc phòng bệnh, sát trùng cho các hộ gia đình. Tổng số tiền thực hiện dự án gần 1 tỷ đồng.

Chị Lô Thị Tình-công nhân Xí nghiệp chăn nuôi bò thịt chất lượng cao-chia sẻ: Làm công nhân tại Xí nghiệp trước đây hơi vất vả, nhưng giờ đã có hệ thống máy móc thay thế sức lao động nên giảm nhiều áp lực. Hiện nay, công nhân chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi sức khỏe đàn bò, kiểm tra hệ thống cấp nước uống cho bò, hệ thống nước tưới cỏ, còn những việc nặng nhọc đều có máy móc thực hiện. Thu nhập bình quân của tôi khi làm ở đây đạt 9,2 triệu đồng/tháng.

Thượng tá Nguyễn Văn Quang thông tin thêm: Trong điều kiện giá mủ cao su giảm, các mặt hàng phân bón tăng cao, việc sản xuất kinh doanh của ngành cao su gặp nhiều khó khăn. Mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty.

Ngoài ra, mô hình này không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho công nhân mà còn cung cấp một nguồn thịt chất lượng cao, an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, người dân cũng có thể mua được phân bón có nguồn gốc rõ ràng để chăm sóc cây trồng.


Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.