Việc Công Phượng sang Nhật Bản và sắp tới là Văn Toàn sang Hàn Quốc chơi bóng cho thấy giá trị của cầu thủ Việt Nam trong mắt những nền bóng đá mạnh hàng đầu châu Á là không nhỏ.
|
Văn Toàn đi bóng trong trận gặp Jeonbuk Hyundai Motors tại AFC Champions League. Ảnh: Độc Lập |
Tính đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam đã có không ít cái tên ra nước ngoài chơi bóng, từ Huỳnh Đức, Công Vinh đến sau này là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu, Quang Hải, Văn Lâm… Ngoài nữ cầu thủ Huỳnh Như đang tỏa sáng ở Bồ Đào Nha, thì các đồng nghiệp nam lại lận đận hơn nhiều.
Lý do đầu tiên, có thể đến từ vấn đề thời điểm. Không tính thuở "sơ khai" của Huỳnh Đức, Công Vinh thì đến đợt xuất khẩu ồ ạt của HAGL năm 2016 bộ 3 Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chỉ mới 20, 21 tuổi. Ở lần đầu đó, cả 3 đều không thành công với lý do đến từ nền tảng thể lực, sức mạnh không đủ và non kinh nghiệm trận mạc.
Xuân Trường sau thất bại ở Hàn Quốc đã khá mờ nhạt trong lần thử sức ở CLB Buriram, có thông tin CĐV của nhà cựu vô địch Thái Lan không thực sự thích ngôi sao người Việt. Đến trường hợp của Văn Lâm khi chuyên môn được khẳng định thì Muangthong United lại muốn gạt anh ra để ưu tiên cho gà nhà là thủ môn người Thái Samporn Yos.
|
Văn Lâm khẳng định trình độ tại Thai League, nhưng J-League 1 là câu chuyện khác. Ảnh: Độc Lập |
Thậm chí, Muangthong United từng khiến Văn Lâm thất vọng khi ngỏ ý muốn gia hạn hợp đồng nhưng để sau đó bán anh cho các đội bóng khác, trong đó có các ông lớn V-League! Chính vì thế sau trường hợp Văn Lâm không còn nhiều cầu thủ Việt Nam hào hứng sang Thai League.
Khó khăn ở thị trường châu Á, các trường hợp xuất khẩu sang châu Âu cũng ảm đạm khi Công Phượng (Bỉ), Văn Hậu (Hà Lan) và nay là Quang Hải (Pháp) đều mờ nhạt, thường xuyên không được đăng ký vào danh sách thi đấu.
Từ những thất bại trên việc xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Việt Nam được ví như "ném đá vượt sông", mỗi bước đi đều là dò đường thử nghiệm, khả năng thất bại thường chiếm nhiều hơn thành công. Nhưng chắc chắn, mỗi thất bại sẽ để lại những bài học để người sau có được những kinh nghiệm quý giá.
|
Công Phượng hy sinh AFF Cup 2022 để tập trung tốt nhất cho Yokohama FC. Ảnh: Độc Lập |
Bóng đá Việt Nam đang dần thử nghiệm phương thức mới với việc Văn Toàn sẽ gia nhập Seoul E-Land (K-League 2) và Công Phượng đến với Yokohama FC (J-League 1) với những bản hợp đồng chuyển nhượng chính thức.
Ở ngưỡng tuổi trưởng thành, cả Văn Toàn và Công Phượng đều đang tiệm cận độ chín về chuyên môn lẫn kinh nghiệm trận mạc. Việc hòa nhập và thích ứng với môi trường mới sẽ rất khác so với khi họ còn trẻ, nên chắc chắn chuyến đi này họ đã chuẩn bị kỹ càng.
Dẫu biết rằng, Công Phượng và Văn Toàn sẽ gặp nhiều khó khăn khi quyết tâm thử sức mình ở môi trường bóng đá đẳng cấp cao hơn V-League, nhưng đường không tự nhiên có sẵn mà luôn cần những người dũng cảm khám phá. Bóng đá Việt Nam đang phát triển và muốn vươn lên nữa sẽ cần những quyết tâm không sợ thất bại, như Công Phượng và Văn Toàn đang thử sức mình, để mở ra cơ hội được thừa nhận từ các nền bóng đá hàng đầu, cho những lứa cầu thủ mai sau.
Theo Tiểu Bảo (TNO)