Cô Phạm Thị Phương: Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cô Phạm Thị Phương-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đạt nhiều thành tích trong dạy học và các phong trào thi đua. Với phương pháp giảng dạy tích cực và tạo môi trường học tập mở, cô Phương đã khơi gợi niềm hứng thú giúp học sinh tiếp thu bài chủ động, dễ dàng.

Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học Trường Đại học Sư phạm Huế, cô Phạm Thị Phương trở về công tác tại Gia Lai. Năm 1999, cô nhận công tác tại Trường THCS Ia Ko (xã Ia Ko, huyện Chư Sê). Là xã đặc biệt khó khăn, người dân Ia Ko ngày ấy còn đói khổ nên ít quan tâm tới việc học hành của con cái. Nhiều hôm, cô giáo trẻ bật khóc ngay trước cổng trường khi thấy lớp học vắng hoe, quá nửa học trò không đến trường. Và rồi, hàng ngày, cô cùng đồng nghiệp không quản ngại vất vả đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em tới trường học chữ.

“Ngày chia tay ngôi trường nhiều kỷ niệm ấy, tôi đã rất ngậm ngùi. Bản thân tự hứa, dù công tác ở đâu thì vẫn luôn phải giữ được nhiệt huyết với nghề, yêu trường mến trẻ, gương mẫu, tận tụy, phấn đấu vì sự nghiệp phát triển giáo dục địa phương”-cô Phương chia sẻ.

Em Kpăh Bảo (học sinh lớp 2A1) trở nên hoạt bát, dạn dĩ hơn nhờ sự dạy dỗ ân cần của cô giáo Phạm Thị Phương. Ảnh: M.K

Em Kpăh Bảo (học sinh lớp 2A1) trở nên hoạt bát, dạn dĩ hơn nhờ sự dạy dỗ ân cần của cô giáo Phạm Thị Phương. Ảnh: M.K

Từ năm 2016 đến nay, cô Phương công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành. Trong quá trình giảng dạy, cô đã không ngừng sáng tạo. Cô tổ chức tiết dạy lấy học sinh làm trung tâm, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học trò. Không những thế, cô Phương còn đặc biệt quan tâm tới những học sinh nhút nhát, lực học yếu. Bằng tấm lòng yêu thương và sự nhẫn nại, cô đã quan tâm dìu dắt các trò trong từng tiết học.

Em Kpăh Bảo (lớp 2A1) vốn rụt rè, không chịu giao tiếp cùng cô và các bạn, thậm chí có khi em còn không chịu viết bài, đọc bài. Mỗi giờ lên lớp, ánh mắt e ngại của Bảo khiến cô Phương vừa lo vừa thương. Để Bảo có thể hòa nhập cùng các bạn, cô không bắt ép em học chữ mà đã dành nhiều thời gian ân cần hỏi han, trò chuyện; đồng thời, chọn một bạn học tốt giúp Bảo. Sau đó, Bảo trở nên hoạt bát, dạn dĩ và chịu khó học bài hơn. Bảo chia sẻ: “Cô Phương luôn nhẹ nhàng chỉ dạy em như một người mẹ. Em rất vui và thích được tới trường”.

Trong giảng dạy, cô Phương luôn có ý thức cải tiến phương pháp, xây dựng các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao chất lượng bài giảng như: “Biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và hiệu quả học 2 buổi/ngày ở lớp”; “Một số biện pháp tạo hứng thú khi học trực tuyến, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy cho học sinh lớp 2”; “Một số biện pháp rèn sự tự tin, nâng cao tinh thần đoàn kết cho học sinh”… Những đề tài, sáng kiến này đã được Hội đồng chấm sáng kiến cấp huyện công nhận là có khả năng ứng dụng, mang lại lợi ích thiết thực trong phạm vi giáo dục ở địa phương.

Cô Phương luôn tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh: Mai Ka

Cô Phương luôn tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh: Mai Ka

Nhờ có sự truyền thụ kiến thức đầy đủ, sát với thực tế, gần gũi với cuộc sống của học sinh, cô Phương đã giúp các em sôi nổi hơn trong giờ học, hiểu bài và tiếp thu bài tốt. Đặc biệt, cô đã góp phần giúp các em phát triển năng lực nói, tự tin trong giao tiếp, biết nói lên cảm xúc của bản thân. “Tôi tìm tòi và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, soạn giảng, đánh giá học sinh bằng phần mềm Smas và Cơ sở dữ liệu; hoàn thành các mô đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tôi cũng thường xuyên sử dụng giáo án điện tử, tìm tòi các tư liệu hình ảnh, thông tin góp phần nâng cao hiệu quả tiết dạy; tìm ra những biện pháp khắc phục sự nhàm chán, giúp học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, yêu thích các môn học”-cô Phương cho biết.

Cô Nguyễn Thị Oanh-Hiệu trưởng nhà trường-nhận xét: “Cô Phạm Thị Phương không ngừng học tập và làm theo gương Bác; luôn thực hiện đúng tác phong chuẩn mực của một nhà giáo, là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Đặc biệt, cô Phương thiết kế nhiều giáo án điện tử chất lượng và hiệu quả phục vụ công tác giảng dạy. Năm 2021, cô Phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận có sản phẩm tham gia cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning”.

Bằng tâm huyết và sáng tạo với nghề, nhiều năm liền, cô Phạm Thị Phương đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và vinh dự được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Chư Sê vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2022.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.