Tết này, khi cuộc chiến chống COVID-19 vẫn đang diễn ra vô cùng khốc liệt, rất nhiều y bác sĩ khắp cả nước phải nén lòng mình, tạm quên đi giây phút sum họp gia đình, quên đi những dự định cá nhân để cứu lấy những F0…
Cuộc "tiến quân" từ khu T30 qua Phước Lộc
(Ghi theo lời Đại tá, bác sĩ Tiền Thanh Liêm, Phó giám đốc Bệnh viện 30-4, kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phước Lộc, Bộ Công an)
Năm 2021 là năm khó quên nhất trong 34 năm công tác của tôi, khi tôi có 6 tháng liên tục ngồi "ghế nóng" làm giám đốc hai khu dã chiến điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) những ngày "rực lửa".
|
Đại tá, bác sĩ Tiền Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện dã chiến Phước Lộc đã trải qua 6 tháng ngồi "ghế nóng" |
Đợt COVID-19 bùng phát lần thứ 4, trong lúc TP. HCM đang truy vết F0 từ các quận, huyện thì xuất hiện ổ dịch ở Trại tạm giam Chí Hòa. Ngày 29-6-2021, tôi được cử lên Trại tạm giam T30 (từ đây gọi tắt là khu T30) ở huyện Củ Chi để khảo sát, thành lập khu điều trị bệnh nhân COVID-19 và tiếp nhận ngay những bệnh nhân F0 đầu tiên. Còn quyết định làm Giám đốc khu cách ly tập trung và khu dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại T30 được ký vào ngày 10-7-2021, vậy là sau gần 2 tuần làm việc tôi mới chính thức làm giám đốc. "Chiến trường" quá khốc liệt, 30 bác sĩ điều dưỡng của Bệnh viện 30-4 lúc "xuất quân" ban đầu không đủ nên đã phải huy động hàng trăm bác sĩ từ các bệnh viện hạng I của Bộ Công an và các địa phương.
Khu T30 thời điểm đó như một "lò lửa". Chúng tôi âm thầm mỗi ngày tiếp nhận, khám và điều trị hàng trăm bệnh nhân F0 đặc biệt - là các phạm nhân, trong những "phòng khám" đặc biệt - buồng giam giữ. Đó thực sự một "trận đánh" mà ở đó chúng tôi - những thầy thuốc công an nhân dân phải sử dụng chiến thuật đánh chặn và khoanh vùng hợp lý để giành chiến thắng. So với các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 khác, ở T30 khó khăn trăm bề. Nếu khó khăn chỉ là điều kiện sinh hoạt, ăn ở thì chúng tôi khắc phục và thích nghi được. Nhưng khó nhất là việc triển khai khu điều trị bệnh nhân COVID-19 trong buồng giam chật hẹp, môi trường khép kín, số lượng bệnh nhân đông. Dựa vào các khu trại có sẵn, chúng tôi tính toán để triển khai các vùng đỏ (khu điều trị), vùng đệm, vùng sạch để khám chữa bệnh sao cho an toàn nhất cho cán bộ chiến sĩ và bảo đảm công tác giam giữ của trại. Vì buồng giam không thiết kế ổ điện nên có loại trang thiết bị y tế chúng tôi không thể triển khai.
Suốt những ngày hè oi bức, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, cứ 3 tiếng/ ca, các cán bộ thay phiên nhau khám bệnh, chăm sóc cho một số lượng lớn bệnh nhân. Giai đoạn căng thẳng nhất chúng tôi phải bố trí phòng hồi sức cấp cứu tại các buồng hỏi cung, buồng giam kỷ luật để đảm bảo hài hòa công tác chuyên môn và giam giữ. Sau 55 ngày căng thẳng, từ vùng dịch đỏ rực, khu T30 đã được hơn 500 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng y tế, giám thị, quản giáo, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ chuyển hóa thành vùng xanh, sạch F0.
Nhiệm vụ ở T30 sắp hoàn thành thì ngày 23-8-2021, tôi nhận được quyết định mới làm Giám đốc Bệnh viện dã chiến (BVDC) Phước Lộc, Bộ Công an. Rời Củ Chi, tôi lập tức có mặt ở xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè ngay từ những ngày đầu thiết lập bệnh viện. Sau 7 ngày đêm thi công thần tốc, hai phân xưởng của Xí nghiệp X30 (Bộ Công an) đã trở thành BVDC điều trị bệnh nhân COVID-19. Giữa chảo lửa lớn TP. HCM, bệnh viện vừa mở cửa đón bệnh nhân đã lập tức tăng nhiệt. Mới đầu, lực lượng y bác sĩ, hậu cần đến từ các bệnh viện thuộc lực lượng Công an nhân dân được giao nhiệm vụ điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân COVID-19 mức độ từ nhẹ đến trung bình. Nhưng chỉ sau ngày tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên thì máy thở, máy HFNC đã đi vào hoạt động, bệnh viện nhanh chóng chuyển trạng thái điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
|
Các y bác sĩ Bệnh viện 30-4, Bộ Công an tập trung cứu chữa cho một bệnh nhân nặng tại BVDC Phước Lộc ngày 5-1-2022. |
Những kinh nghiệm ở khu T30 được chúng tôi áp dụng ở BVDC Phước Lộc với chiến thuật đánh chặn ngăn chuyển độ bất ngờ. Tất cả phải chủ động theo dõi và điều chỉnh cụ thể từng chỉ số trên máy đối với từng bệnh nhân. Đã 4 tháng bám trụ BVDC Phước Lộc, chúng tôi vẫn đang trên con thuyền "lên thác xuống ghềnh". Lần "vượt thác" đầu tiên là lúc bệnh viện mới thành lập cuối tháng 8-2021, số ca F0 tăng cao và trở nặng. Đến giữa tháng 10 có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng giữa tháng 11 dịch bùng trở lại. Nửa đầu tháng 12-2021, bệnh viện có công suất 300 giường mà có ngày lên tới gần 400 bệnh nhân. Hiện tại, chảo lửa Phước Lộc đã hạ nhiệt, còn khoảng 60 bệnh nhân, trong đó 20 bệnh nhân nặng và 40 bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên chúng tôi vẫn xác định đây sẽ là một trong những bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 trụ lại cuối cùng trong cuộc chiến này. Khi các bệnh viện chuyển công năng về trạng thái bình thường mới, khi các khu cách ly tập trung trả lại cơ sở trường học, chung cư thì dự báo con số bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng sẽ tiếp tục duy trì tại BVDC Phước Lộc.
Đã có ba đợt "đổi quân" tại BVDC, ba đợt y bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện công an nhân dân trong cả nước đã đến đây, kề vai sát cánh trong cuộc chiến đấu âm thầm giành lấy sinh mạng cho các bệnh nhân trong cơn bão COVID-19. Duy chỉ có vị trí giám đốc là chưa thay đổi, thời điểm cuối tháng 12-2021 tôi vẫn đang ngồi "ghế nóng". Gia đình tôi ở huyện Bình Chánh, cũng là một vùng dịch đỏ rực. Sáu tháng nay tôi chỉ liên lạc về nhà bằng zalo video để hỏi thăm "hậu phương vững chắc" là vợ và con gái tôi. Chính nhờ họ luôn dõi theo và động viên mà tôi yên tâm công tác cho đến nay. Ba má tôi ở quê dù lớn tuổi nhưng vẫn dõi theo hành trình chống dịch COVID-19 của tôi. Đại gia đình Bệnh viện 30-4 đã luôn quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Năm cũ sắp qua đi, khép lại quãng thời gian căng thẳng, hiểm nguy, đau thương và mất mát vì bệnh tật chưa từng có trong lịch sử ngành y tế. Hiện tại 95 y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Bệnh viện 30-4 vẫn đang tận tâm điều trị cho bệnh nhân ở đây và xác định tư tưởng cùng người bệnh đón tết ở BVDC. Trong khuôn viên nhà lưu trú, trên những khoảng đất trống, anh chị em tranh thủ cuốc đất, nhổ cỏ để trồng rau… đón tết. Những vạt rau xanh non trong khu điều trị như bật lên màu xanh hy vọng tất cả người bệnh sẽ chiến thắng COVID-19 để trở về nhà đón năm mới bình an.
"Các F0 đã cuốn chúng tôi vào cuộc"
"Nhà em ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa, có 5 F0 trong đó có bà nội em đã 90 tuổi nhiều bệnh nền. Em gọi y tế phường nhưng đã quá tải. Bác sĩ hỗ trợ gia đình em với", một tin nhắn đầy căng thẳng hiện lên trong "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà". Ít phút sau, lại một lời cầu cứu: "Nhà em con nhỏ 8 tháng có tiếp xúc với F0, hôm nay có biểu hiện ho, sốt, test nhanh lên 2 vạch. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Gia đình gọi điện báo y tế phường nhưng không ai nhấc máy. Em hoang mang quá". Nhiều ngày nay, khi các ca F0 tăng cao, dồn dập những các gia đình F0 xin tư vấn online khiến các bác sĩ tất bật suốt đêm ngày. Dù là hỗ trợ online, nhưng cũng hối hả, khẩn trương, căng thẳng chẳng kém ở ngoài thực tế.
|
Bác sĩ Trần Quang Phú - Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác lên đường đi cấp cứu F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh |
Giây phút giải lao giữa hai ca mổ cuối ngày 17-12-2021, Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn thuộc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y mở điện thoại. Một vài cuộc gọi nhỡ, tin nhắn của người quen liên lạc với anh. Họ đang là F0, họ biết anh từng là trưởng đoàn bác sĩ vào TP.HCM chống dịch nên cần anh giúp đỡ. Anh vội vàng gọi lại và chỉ dẫn. Rồi anh nghĩ với tình hình F0 tăng chóng mặt như hiện nay, làm sao có thể tư vấn nhanh gọn, hiệu quả cho nhiều người? Những ý nghĩ đó thôi thúc bác sĩ Tuấn triển khai ngay mạng lưới các bác sĩ hỗ trợ miễn phí cho người dân. 17 giờ 30 phút ngày hôm đó "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà" được thành lập. Người đầu tiên bác sĩ Tuấn kết nối là bác sĩ Trần Quang Phú cùng công tác tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Ngay lập tức, bác sĩ Phú trở thành thành viên thứ 2 tình nguyện tham gia nhóm. Quá bất ngờ khi chỉ qua một đêm đã có cả chục ngàn người tham gia, trong đó có khoảng 30 bác sĩ đều đã có kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh và TP. HCM.
"Chúng tôi đã từng tham gia chống dịch tại các "vùng đỏ", có thể dự liệu được tình hình nên rất sốt ruột khi hiện tại số ca F0 tăng nhanh tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội với hơn 20 nghìn ca F0 điều trị tại nhà. Dù quỹ thời gian làm việc trong ngày gần như kín, dù năm đã gần hết, tết gần đến, nhưng khi công khai danh tính, số điện thoại cá nhân trên nhóm, chúng tôi không nghĩ đến điều gì khác. Chính các F0 đã cuốn chúng tôi vào cuộc một lần nữa", bác sĩ Phú chia sẻ. 60 ngàn thành viên, 4.000 F0 thể nhẹ điều trị tại nhà khắp cả nước được hỗ trợ, đó là những con số mang dấu ấn chỉ sau 10 ngày thành lập nhóm. Ca bệnh đầu tiên cầu cứu online là gia đình anh Nguyễn Việt Phong ở Hà Nội có 3 người lớn, 2 trẻ em đều là F0 với các biểu hiện ho, sốt giống cảm cúm. Lo nhất là mẹ của anh Phong tuổi cao và có bệnh nền, cả gia đình rối bời lo lắng. Nhóm bác sĩ đã nhanh chóng nắm bắt thông tin và đưa ra phác đồ điều trị cho từng người trong từng ngày.
"Sau 5 ngày, cả nhà em xét nghiệm đã âm tính. Mừng quá anh ơi", tin nhắn của anh Phong như trút đi một phần âu lo đè nặng trong tâm lý các bác sĩ. Đó cũng là động lực để họ tập trung "giải quyết" các ca F0 một cách nhanh chóng và rốt ráo. Việc tư vấn, hỗ trợ online không hề đơn giản, bởi tất cả các thông tin F0 đều chỉ nắm bắt được từ xa. Nhưng với bác sĩ Tuấn, bác sĩ Phú và nhiều bác sĩ trong nhóm, kinh nghiệm trong thời gian họ tham gia tổ quân y cơ động điều trị F0 tại khắp các ngõ hẻm ở TP. HCM giờ đây đã phát huy tác dụng.
"Nếu bạn gọi điện thoại không được thì hãy để lại tin nhắn qua zalo, sms, messenger. Dù bận công việc nhưng các bác sĩ sẽ tận dụng thời gian rảnh để kiểm tra và trả lời ngay. Cả nhà hãy luôn yên tâm, chúng tôi không để ai ở lại phía sau", đó là lời nhắn gửi của nhóm bác sĩ dành cho các F0. Để không bỏ sót người bệnh, những cuộc họp online thường xuyên diễn ra để phân chia khung giờ "trực chiến". Bác sĩ Phú chia sẻ rằng từ ngày tham gia nhóm, anh "ôm" điện thoại suốt đêm ngày, giờ ăn, giờ ngủ vẫn nghĩ về các F0. Sau ca mổ, mở điện thoại ra là hàng loạt cuộc gọi nhỡ, tin nhắn của người nhiễm COVID-19 đang chờ nên không thể chậm chạp, lơ là.
Từ kinh nghiệm chống dịch, bác sĩ Tuấn thấy rằng mặc dù dịch COVID-19 đã diễn ra 2 năm nay nhưng phần lớn người dân chỉ quan tâm đến số ca mắc, số người tử vong chứ ít khi tìm hiểu xem nếu bị bệnh phải theo dõi, điều trị thế nào, máy SPO2 là gì, sử dụng ra sao. Ở ngay trong tâm dịch nhưng người dân vẫn "đói" thông tin về COVID-19. Vì thế khi trở thành F0 họ hoang mang lo lắng và hoảng loạn. Hiểu rõ điều đó, những bài viết phổ biến kiến thức về COVID-19, các clip, file PDF, hình ảnh hướng dẫn cách tự lấy mẫu, tập thở được nhóm bác sĩ tạo sẵn để hỗ trợ bệnh nhân. Những hastag tiện ích và khoa học như “Trị Covid-19 tại nhà”, “Bà bầu chiến thắng Covid”, “Covid trẻ em”, “Covid bệnh nền”,… ghim trên đầu nhóm sẽ giúp người bệnh dễ dàng tìm đúng bác sĩ hỗ trợ chuyên sâu. Danh sách điện thoại của y tế cơ sở, số điện thoại gọi cấp cứu khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng cũng được cập nhật trong nhóm. Cách vệ sinh khử khuẩn không gian trong nhà khi có F0, cách chăm sóc F0 ở phòng riêng, cách xử lý rác thải của F0 là những thông tin kịp thời mà nhóm các bác sĩ đưa ra.
Thuốc này dùng trong trường hợp nào, thuốc kia dùng liều lượng ra sao, sao hàng xóm được phát thuốc mà tôi cũng là F0 lại không được cấp…, những câu hỏi hoang mang liên tục gửi đến các bác sĩ. Đối với từng trường hợp cụ thể, bác sỹ sẽ tư vấn chuyên môn, đưa ra đơn thuốc phổ biến, dễ mua tại bất kỳ hiệu thuốc nào.
Hiện tại nhóm bác sĩ mới chỉ hoạt động trên zalo, facebook. Thời gian tới, một phần mềm quản lý theo dõi các F0 tại nhà sẽ được nhóm bác sĩ nỗ lực triển khai. Những cuộc gọi lúc nửa đêm vẫn dồn dập đổ về, có cuộc gọi kéo dài cả nửa giờ đồng hồ. Không chỉ là những ca bệnh có triệu chứng nhẹ, mà đã nhiều ca nặng gọi cho bác sĩ xin tư vấn khi chỉ số SPO2 xuống dưới 90%. Dù số ca F0 cần hỗ trợ mỗi ngày đã quá tải, nhưng nhóm bác sĩ đã chuẩn bị tinh thần đồng hành hỗ trợ các ca F0 xuyên tết.
"Con ở nhà ngoan, mẹ đi chăm các em"
1 giờ 45 phút đêm cuối năm rét buốt và lất phất mưa. Nghĩ đến điều dưỡng Lê Thị Dung đang tăng cường tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tôi liền nhắn: "Đêm nay em có trực không?". "Em đang trực, lại một ca sản phụ mắc COVID-19 sinh non. Cả mẹ và con đều nguy kịch. Em đang chăm con, lo quá chị ạ". Đọc tin nhắn, tôi cũng căng thẳng theo, chỉ biết nhắn lại: "Em cố gắng chăm con, mong con vượt qua".
Đó là trường hợp sản phụ N.T.M. ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh có thai theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ngày 23-12-2021, chị M. được phát hiện nhiễm COVID-19, thai được 35 tuần tuổi và mẹ chưa tiêm vaccine COVID-19. Khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng sản phụ ngày càng nguy kịch nên được chỉ định mổ cấp cứu. Bé gái 2,5kg ra đời, tình trạng sức khỏe yếu, được chuyển lên khoa Nhi để nằm lồng kính. Ca trực đêm ấy chỉ có mình điều dưỡng Dung nên cô thức trắng. Chẳng phải một mình con của sản phụ M., mà trong căn phòng đặc biệt đêm ấy, Dung còn chăm sóc hai bé đang chiếu đèn và một bé đang thở máy, tất cả các bé đều chào đời sau ca mổ cấp cứu do mẹ nhiễm COVID-19.
Đã hơn một tháng nay điều dưỡng Dung ở viện chăm các bé sơ sinh. Ngày 7-12-2021, Dung tổ chức sinh nhật con trai tròn một tuổi thì sáng sớm hôm sau mẹ con tạm biệt nhau. Ôm con vào lòng, Dung thì thầm: "Con về quê ngoan nhé, mẹ đi chăm các em". Khi con theo bà ngoại về quê thì mẹ cũng khăn gói vào viện, bắt đầu một đợt công tác chỉ biết ngày bắt đầu mà chưa có ngày kết thúc. Hai năm nay, chẳng phải mình Dung mà với các điều dưỡng, y bác sĩ ở đây, những đợt ở viện dài ngày đã quá đỗi bình thường. Thời gian ở nhà sinh con, thấy các đồng nghiệp căng mình chống dịch, bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, Dung phấp phỏng không yên. Con trai chưa được một tuổi, cô đã xung phong vào viện. Lãnh đạo bệnh viện biết Dung có con nhỏ, nên "hẹn" khi con tròn một tuổi sẽ sắp xếp Dung ở lại dài ngày. Ở khoa Nhi, Dung cùng một đồng nghiệp nữa phụ trách chăm sóc trẻ sơ sinh là con của những sản phụ F0. Công việc áp lực, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao nhưng điều dưỡng sinh năm 1996 này không nề hà điều đó.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết hiện tại số ca F0 tăng cao, trong đó số lượng thai phụ mắc COVID-19 cũng tăng nhanh. Thai phụ nhập viện có nguy cơ chuyển dạ đẻ non hoặc suy hô hấp, buộc phải mổ cấp cứu. Trẻ sơ sinh sau mổ phải tách mẹ hoàn toàn, được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc riêng tại khoa Nhi, công việc rất vất vả.
Ngày 25-12, sản phụ N.T.T. ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có dấu hiệu chuyển dạ, đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đăng kí sinh. Khi xét nghiệm sàng lọc COVID-19 thì phát hiện dương tính nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ca mổ cấp cứu lấy thai nhanh chóng được tiến hành. Bé gái 37 tuần tuổi chào đời, nặng 2,5kg được cách li ngay sau khi mổ đẻ và chăm sóc tại khoa Nhi. "Đàn con" của Dung đông dần lên. Các con sinh ra chưa kịp có tên, lại không có người thân bên cạnh nên kênh thông tin duy nhất Dung dựa vào là chiếc vòng xanh ghi thông tin đeo ở chân các con.
Cứ cách một đêm Dung trực một đêm, còn ban ngày làm việc bình thường. Chăm trẻ đã khó, lại là đứa trẻ vừa lọt lòng, lại là trẻ sinh non nhỏ bé, yếu ớt nên càng khó hơn. Quần áo tã bỉm của các con hoàn toàn do các điều dưỡng đặt mua, thuê người ship đến và giặt sạch, phơi khô trước khi cho các con mặc. Bộ bảo hộ kín mít Dung mặc trên người càng khiến việc bế ẵm, cho các con ăn, tắm rửa, thay tã trở nên khó khăn, gượng nhẹ hơn. Trong phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, mọi âm thanh của sự sống ồn ã ngoài kia đều ngưng bặt. Chỉ có những đứa trẻ nhỏ bé nằm trên những chiếc giường nhỏ bé với nhiều dây nhợ và các thiết bị máy móc xung quanh.
|
Bác sĩ, điều dưỡng thuộc Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ tích cực cho con của sản phụ F0 |
Trong không gian ấy, cả ngày chỉ có tiếng các con khóc và tín hiệu máy móc vang lên đầy căng thẳng, Dung phải ghi lịch lấy mẫu xét nghiệm của từng con. Rồi căn giờ pha sữa cho các con vì mỗi con một giờ ăn, một loại sữa khác nhau, khác cả giờ ngủ, giờ thay tã bỉm. Chỉ có một sự đồng điệu là cùng khóc, một bé khóc là các bé khác khóc theo. Những lúc các con sặc sữa hoặc bị trớ thì cô Dung lo cuống và xót xa lắm. Cho các con lần lượt ăn xong, Dung lại đi cọ bình, hấp bình, việc nối việc, tỉ mỉ và tất bật nên nhanh hết đêm. Cả ngày chăm các con, Dung hạn chế tối đa những nhu cầu cá nhân, thậm chí đến cả việc ăn uống cũng vội vàng. Ba tuần đầu ở viện, Dung sút 3kg. Vừa tiêm mũi vaccine thứ ba cách đây hai ngày, dù người sốt và mệt nhưng Dung vẫn nhủ lòng phải thay các mẹ để chăm các con thật tốt.
Có những đêm, bất chợt gặp nét cười mụ dạy trên môi các con mà lòng Dung ấm áp, vội chụp một tấm hình gửi qua bác sĩ đến mẹ của các con. Dung muốn đó là sợi dây kết nối mẹ con họ với nhau, là lời động viên những bà mẹ nhiễm COVID-19 hãy kiên cường vượt qua hiểm nguy để được đón các con trở về nhà. Có những đêm, bế bé trên tay, Dung bất giác nghĩ đến con trai bé bỏng của mình. Chẳng biết giờ này con có ngủ ngoan không, có khóc đòi mẹ không, nghĩ thế mà nước mắt Dung cứ thế trào ra. Tối ngày 7-12 Dung còn cho con bú, vậy mà tối 8-12 hai mẹ con đã xa nhau. Dung đã cai sữa cho con một cách đột ngột và bất đắc dĩ như thế. Những ngày đầu càng nghĩ đến con thì sữa càng cương lên đau nhức, Dung phải vắt bỏ sữa và uống thuốc. Mang theo chiếc áo của con vào viện, Dung để dưới gối. Trong những giấc ngủ chập chờn, người mẹ vơi bớt nỗi nhớ con.
Ở trong viện, Dung không còn để ý đến ngày tháng, sáng chiều. Những lúc các con được xuất viện về với gia đình, Dung vừa mừng vừa nhớ, cứ bịn rịn mãi. Với Dung, các con thực sự là những chiến binh tí hon. "Tết này em có được về quê ăn tết với con không", tôi hỏi. Dung cười: "Bọn em chỉ có lịch vào viện thôi, chưa có lịch về nhà đâu chị. Khi số bà bầu là F0 tăng nhanh, khi nhiều đứa trẻ sinh ra đã bị dịch bệnh bủa vây thì chúng em chẳng ai nghĩ đến việc về nhà. Hai vợ chồng em thống nhất rồi, Tết này, chồng em sẽ về quê chăm con. Còn em nếu phải ở viện thì điều đó cũng là bình thường chị ạ". Lời Dung nhẹ bẫng, như thể, Tết này cô đã thực sự quên.
Huyền Châm (cand.com.vn)