Mọi việc bắt đầu từ một công văn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đề nghị Công ty TNHH Tập đoàn An Nông (TP.HCM) kiểm kê chi tiết và có phương án kinh doanh đến hết ngày 30/9/2019 đối với hai loại thuốc bảo vệ thực vật là Cỏ cháy 20SL và Lagoote 210SL đã đóng gói không thể xuất khẩu được nhưng còn hạn sử dụng đang lưu trữ trong kho hoặc lưu thông trên thị trường. Trong khi, những loại thuốc có chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat đã bị cấm tại Việt Nam.
Theo Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV ngày 8/2/2017 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ký thì những loại thuốc BVTV có chứa hai hoạt chất 2.4D và Paraquat sẽ loại bỏ ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Những loại thuốc có tên trong danh sách tại Phụ lục 1 và 2 theo Quyết định số 278 chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm; được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.
Thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Paraquat đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam. Ảnh: I.T
Ngừng toàn bộ các thủ tục đưa vào danh mục đối với các hồ sơ đăng ký thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.
Việc Bộ NNPTNT cho thời hạn 2 năm mới quyết định dừng hẳn là để các doanh nghiệp tiêu thụ hết số thuốc đã sản xuất, nhập khẩu.
Như vậy, theo đúng lộ trình, ngày 8/2/2019, các loại thuốc trừ có chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat sẽ bị cấm vĩnh viễn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày 15/3/2019, Cục Bảo vệ thực vật lại có văn bản số 613/BVTV- QLT yêu cầu Công ty TNHH Tập đoàn An Nông thống kê lượng thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm chưa đóng gói đã bị loại bỏ khỏi danh mục xây dựng kế hoạch chi tiết xuất khẩu 100% các loại thuốc bảo vệ thực vật còn tồn kho tại công ty ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đến hết ngày 30/3/2019.
Riêng đối với hai loại thuốc bảo vệ thực vật là Cỏ cháy 20SL và Lagoote 210SL đã đóng gói không thể xuất khẩu được nhưng còn hạn sử dụng đang lưu trữ trong kho hoặc lưu thông trên thị trường đề nghị công ty kiểm kê chi tiết và có phương án kinh doanh đến hết ngày 30/9/2019 để báo cáo Cục Bảo vệ thực vật.
Hai loại thuốc Cỏ cháy 20SL và Lagoote 210SL đều có tên trong danh sách những loại thuốc bị loại khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo Quyết định số 278.
Công văn của Bộ NNPTNT yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật làm rõ thông tin báo chí nêu.
Đây chính là lý do khiến báo chí, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi có hay không việc Cục BVTV "nới tay" cho Công ty TNHH Tập đoàn An Nông kinh doanh loại thuốc BVTV đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Và tất cả sản phẩm đều là của Công ty TNHH Tập đoàn An Nông.
Thậm chí, doanh nghiệp này còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi (chiết khấu cao, đi du lịch) để khuyến khích khách hàng mua các loại thuốc trừ cỏ này. Trên trang web của công ty tại địa chỉ: www.annong.com.vn vẫn quảng cáo sản phẩm thuốc trừ cỏ Cỏ cháy 20SL.
Trước những thông tin báo chí nêu, ngày 2/7/2019, Bộ NNPTNT đã có văn bản 4624/BNN-VP gửi Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh.
Theo Công văn này, ngày 2/7/2019, Báo Tuổi trẻ đăng bài:Bộ NN&PTNT "nới tay" cho doanh nghiệp bán chất cấm, phản ánh, theo đúng lộ trình, tới ngày 8/2/2019, việc kinh doanh thuốc trừ cỏ hoạt chất 2.4D và Paraquat đã bị cấm, tuy nhiên, trên thực tế, sau tháng 2/2019, các loại thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Paraquat vẫn được bày bán công khai ở nhiều đại lý và trên mạng.
Điều đặc biệt là tất cả sản phẩm thuộc nhóm bị cấm có gốc Paraquat được bán trên thị trường đều thuộc về một nhà sản xuất là Công ty TNHH Tập đoàn An Nông(TP.HCM).
Bộ NNPTNT giao Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định, báo cáo Bộ trước ngày 10/7/2019.
Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất Paraquat có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người. Paraquat có khả năng gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim. Người bị phơi nhiễm trực tiếp Paraquat qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc. Paraquat bị xếp vào nhóm rất độc với thủy sinh, để lại hậu quả lâu dài cho môi trường và đã bị cấm sử dụng ở trên 30 quốc gia. |
Khánh Nguyên (Dân Việt)