Chuyện về những vọng phu kiên cường...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

.

(GLO)- Chuyện hòn vọng phu đã có trong truyền thuyết dân gian. Đó là hình tượng người vợ trông chồng đến hóa đá. Còn những vọng phu ở làng chài Mỹ Tân xã Bình Chánh huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phải nén nỗi đau vào lòng, kiên cường vượt lên bão giông cuộc đời để thay chồng nuôi con...
    
Chỉ trong một đêm đông cách đây hơn 20 năm trước, 55 đàn ông ở làng chài thôn Mỹ Tân xã Bình Chánh từng là trụ cột của gia đình ra đi vĩnh viễn trong trận cuồng phong của biển. Họ để lại một khoảng trống mênh mông cho những người vợ đang ở độ tuổi xuân thì, cùng những đứa con thơ...

Nhớ mãi đêm đông giông bão...  
    
Chúng tôi về làng Mỹ Tân trong mùa khai thác hải sản. Những con tàu câu mực đang ở xa tít ngàn khơi. Trên dòng sông Trà Bồng chỉ còn những chiếc ghe máy đông phong. Đó là phương tiện mưu sinh của một bộ phận dân nghèo, những người phụ nữ góa chồng. Vào sâu bên trong làng dấu tích của đợt cuồng phong năm xưa như chưa thể xóa nhòa. Những đứa con thơ dại ngày nào giờ đã trưởng thành, những phụ nữ góa chồng giờ tóc đã bạc. Nhịp sống ở làng chài đang lặng lẽ trôi. Chúng tôi không dám khơi lại chuyện đã cách đây hơn 20 năm trước. Thế rồi,...

 

 Chị Bùi Thị Vân - hàng ngày phải quay máy đưa ghe trên dòng sông để chở hàng. Ảnh: Trường An
Chị Bùi Thị Vân - hàng ngày phải quay máy đưa ghe trên dòng sông để chở hàng. Ảnh: Trường An

Chị Bùi Thị Vân đã vỡ òa trước câu chuyện chúng tôi gạn hỏi, khi chị đang quay máy đông phong để đưa ghe đi lấy hàng. "Việc làm này đáng lẽ của đàn ông nhưng ảnh đi rồi, mình phải rán sức nuôi con"- Chị nói.

Chồng chị Vân nằm lại ở lòng biển sâu trong một đêm đông 23-11-1991. Chị Vân nhớ lại: "Ngày đó, chị vừa tròn 24 tuổi, dạ đang mang bầu 6 tháng và cùng đứa con thơ hơn 2 năm tuổi. Như những chuyến đi trước, đêm đó trời đầy sao, chồng chị đã chuẩn bị tay lưới, cần câu, đèn pin, nước uống, mì tôm đến 12 giờ đêm thì dong thuyền máy ra lộng đánh bắt. Chị ở nhà trông con. Chưa kịp chợp mắt thì trời trở gió, thổi ào ạt trong đêm. Chị choàng dậy, mở toang cửa, nhìn về phía biển thấy những ngọn phi lao, hàng tre chắn gió cong vít, giật từng hồi. Chị linh cảm chuyện chẳng lành. Trời chưa kịp sáng chị cùng những người phụ nữ khác lao về phía biển. Sóng bủa ầm ào. Cát bay mịt mờ. Trời và biển như hòa chung một màu đen sẫm. Chạy dọc theo mép bờ, thỉnh thoảng chị bắt gặp vài tấm ván bị vỡ của con thuyền trôi tấp. Những người phụ nữ mất chồng, mất con trong đêm đó chỉ biết gào thét. Tiếng hét như át cả tiếng sóng trong nỗi đau tuyệt vọng... Một ngày, hai ngày, ba tháng trôi qua, chị cùng những người thân của 55 người đàn ông xấu số khác, lập bàn thờ, xây mộ gió. Cả làng tràn ngập trong nhang khói và nước mắt của cảnh tan thương...

Gồng gánh nuôi con

Như bao làng chài khác, những người vợ, người mẹ ở làng chài Mỹ Tân chỉ biết ở nhà trông con, gánh nặng mưu sinh dồn cả về vai chồng, con đi biển. 55 người đàn ông xấu số ra đi đột ngột để lại nỗi đau hụt hẫng, chơi vơi cho những người phụ nữ này ... "Nhìn hai con thơ, đứa mới cắp sách đến trường đứa vừa tròn 1 tuổi, cứ khóc hoài đòi cha. Mình đã lặng người, nuốt nỗi đau, ôm con vào lòng và thầm hứa sẽ nuôi con nên người để thoát khỏi đời cơ cực" - Chị Nguyễn Thị Hơn có chồng, anh, em và cha chồng mất chung trên một con thuyền trong đợt bão biển năm đó, chia sẻ.

Họ mất chồng còn chú, còn anh chia sẻ miếng cơm, manh áo. Còn chị Hơn mất cùng lúc 4 người thân, không biết nương dựa vào đâu, cái ăn đè nặng lên vai, chị phải gạt nước mắt để làm việc nuôi con, lo cho gia đình chồng. Chị nghĩ tay vá lưới là đi bán mắm, xăng dầu dạo, đến bán hàng tạp hóa... Tay xách, nách mang chị bán đủ thứ để nuôi hai người con trưởng thành.
 
Còn chị Vân, sau khi chồng mất chị cũng làm đủ nghề: xuống bến mua cá rồi quãy gánh đi cùng làng để bán. Lên chợ Châu Ổ mua dầu, lương thực thồ về cung cấp cho những con tàu câu mực khơi xa. Bước chân chị đã in mòn trên các ngõ ngách của làng chài mà cuộc sống cứ bấp bênh. Thế rồi, chị tích góp và vay mượn được 10 triệu đồng quyết định đóng ghe máy đông phong để tận dụng dòng sông Trà Bồng chở các nhu yếu phẩm, nhiên liệu cung cấp cho các con tàu câu mực xa bờ. Chị xót xa, nói: Đàn bà lái ghe chở hàng trên sông nhọc lắm. Nhọc khi vận chuyển lương thực, nhiên liệu lên ghe, khi gặp những luồng gió chướng thổi ngược dòng sông mà nước lớn đang đổ về. Tất cả chuyện đó đã quen rồi nhưng ngại nhất là lúc quay máy đông phong. Đàn ông quay 2 vòng, còn mình đôi lúc phải quay 7-9 lần máy mới nổ để đưa ghe đi". Nói rồi chị vội vàng lấy nón ra ghe quay máy để kịp chở hàng cung cấp cho các chuyến tàu. Chiếc ghe chòng chạnh theo sóng nước xuôi đi.
    
Ở làng chài Mỹ Tân, những người phụ nữ góa chồng hầu như không tái giá. Tất cả đều gắng gượng vượt lên nỗi cơ cực đời thường, nỗi khát khao của hạnh phúc lứa đôi để vun vén tương lai cho các con. 

 

Một góc làng chài Mỹ Tân trong hôm nay. Ảnh: Trường An
Một góc làng chài Mỹ Tân trong hôm nay. Ảnh: Trường An

Thay cha làm trụ cột gia đình
    
Nhìn những gương mặt can trường và đôi bàn tay nhăn nheo của những vọng phu làng chài Mỹ Tân cứ ngỡ họ mạnh mẽ, kiên cường như chai đi cảm xúc. Ít ai ngờ được chỉ có một đợt gió đông thổi về là họ giật mình nhớ lại năm xưa. Hay như nhà dột, bóng điện hỏng, các con vắng nhà, những bữa cơm ngồi sao cũng lệch... họ lại chạch lòng nhớ đến người chồng - trụ cột của gia đình. "Mỗi khi đêm đông về, sau những việc làm vất vả, mẹ ngã lưng nghĩ sớm nhưng sáng nào dậy cũng thấy mắt mẹ sưng. Rồi có lúc bất chợt mẹ lại buồn hiu, lại bỏ cơm...Hai anh em hiểu mẹ đã nhớ cha nên thường khuyên nhau học tốt để sớm đem niềm vui, chỗ dựa cho mẹ" – Em Nguyễn Thế Danh con của chị Nguyễn Thị Hơn bộc bạch.
    

Ông Nguyễn Hữu Ngọt- Trưởng hội khuyến học thôn Mỹ Tân xã Bình Chánh huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết: “Sau trận bão biển năm 1991, con em của 55 người đàn ông xấu số đều đến trường kiếm chữ học nghề. Mặc dù làng nằm ở vùng trũng như xóm cù lao, mùa mưa ngập nước lại cách xa trường xã 3-4 km, trường huyện cả gần 10 km. Năm nào ở làng cũng có từ 5-7 học sinh vào các trường chuyên nghiệp cao đẳng, đại học”.

Những đồng tiền chị Hơn bươn chãi chắc chiu đều nuôi con. Các con của chị giờ đã trưởng thành. Con trai đầu Nguyễn Thế Danh - sau khi học xong đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh đã xin được việc làm ở Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí miền trung - Nhà máy nhiên liệu Bio-ethanol Dung Quất. Còn con gái là Nguyễn Thị Oanh đang theo học cao đẳng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi. Chị Hơn đỡ vất vả hơn nhiều.  
    
3 người con của chị Vân cũng đang theo học các trường chuyên nghiệp và phổ thông. Con đầu của chị là Nguyễn Thị Quý đã học xong trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, con kế Nguyễn Thị Bích Châu cũng đang học cao đẳng. "Thấy mẹ nhọc quá. Em cứ ước nguyện học thật giỏi mai này xin được việc làm để giúp mẹ"- Quý chia sẻ.
    
Ở làng còn có những tấm gương như chị Bùi Thị Cải, Đặng Thị Lan ...sau khi chồng mất trong những trận bão biển, các chị đều vượt lên số phận. Người bán ve chai, người lái ghe chở hàng, người khuân, phân loại cá …để kiếm tiền nuôi con. Chị Đặng Thị Lan lo xa: "Giờ làm để con học kiếm chữ, mai sau mình già yếu thì bọn nó lo cúng giỗ, sửa sang nhà cửa thay cha nó". Đó cũng là lý do mà những vọng phu làng chài Mỹ Tân có sức mạnh kiên cường vượt lên nỗi đau thương, những cơ cực đời thường để cho con đến lớp.

***

Hơn 20 năm kể từ ngày 55 người đàn ông của làng chài Mỹ Tân nằm lại với biển, những người phụ nữ ở tuổi xuân thùy giờ có người đã lên chức  bà nội, bà ngoại. Những người con của họ giờ đã trưởng thành, người đang học hành thực hiện ước mơ, người đã đảm nhiệm được công việc của xã hội. Dù bất cứ ở nơi đâu, làm gì, cứ đến ngày 23-11 họ lại trở về quần tụ bên người mẹ, người bà thân yêu để thắp nén hương tưởng nhớ người cha quá cố. Đó là niềm an ủi là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho những người mẹ tuổi đã xế chiều.

Trường An

Có thể bạn quan tâm

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.