Thước phim ký ức đưa chúng tôi trở lại thời điểm hơn nửa thế kỷ trước, nơi rừng núi Kon Jrang, “thăm lại” đại bản doanh của Trại điều dưỡng cán bộ tỉnh Gia Lai do Ban Tổ chức Tỉnh ủy quản lý.
Tháng 2-1972, ông Kiều Đức Hận chuyển từ Huyện đội Khu 8 (An Khê) vào căn cứ tỉnh để nhận nhiệm vụ tại Trại điều dưỡng. Giữa mênh mông rừng núi, cơ quan mới hiện ra trước mắt ông với khoảng mươi căn nhà tranh, vách lồ ô, nằm nép mình bên một triền núi của xã Hơnưng, Khu 1 (nay thuộc xã Sơn Lang, huyện Kbang). Từ trên cao xuống, lần lượt là nhà của lãnh đạo và những ngôi nhà dành cho cán bộ các cơ quan về điều dưỡng, còn gần sát mép suối là nhà của bộ phận phục vụ.
Thời chiến, Trại điều dưỡng có nhiệm vụ chăm sóc cán bộ (từ bậc trung cấp trở lên) khi ốm đau... để sức khỏe ổn định (còn chức năng chữa bệnh là của Trạm xá tỉnh); bồi dưỡng thể lực cho những cán bộ ốm yếu, thuộc diện được đưa ra miền Bắc chữa bệnh.
Nhưng để họ đủ sức hành quân trên chặng đường dài, trước khi ra Bắc, họ cần được bồi dưỡng, nghỉ ngơi; chuẩn bị lương thực, thực phẩm khô (cơm nắm, chà bông…) phục vụ những chuyến đi công tác xa của các đồng chí lãnh đạo tỉnh hoặc các đoàn cán bộ cấp trên ghé qua căn cứ Gia Lai, trên đường hành lang Bắc-Nam. Số cán bộ hưởng chế độ điều dưỡng mỗi ngày khoảng 10 người. Riêng năm 1974, Trại điều dưỡng cho 36 cán bộ, gửi 50 đồng chí có bệnh nặng ra miền Bắc điều trị.
Năm 1972, Trại điều dưỡng có 16 cán bộ, nhân viên. Trưởng trại lúc ấy là ông Trần Cửu, quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đối với Trại điều dưỡng, lực lượng không thể thiếu là cán bộ y tế. Ban đầu, Trại chỉ có một số y tá như: chị Lý, chị Hương (quê Quảng Ngãi), chị Hoa (quê An Khê).
Về sau, đơn vị được tăng cường 2 nữ y sĩ từ miền Bắc vào là Nông Thị Thọ và Lương Thị Thu. Trại điều dưỡng chỉ cách Trạm xá tỉnh khoảng 1 km. Nếu cán bộ điều dưỡng tại Trại chuyển bệnh nặng, có thể nhờ bác sĩ Chánh, bác sĩ Thanh... từ Trạm xá tỉnh sang hỗ trợ.
Về với Trại điều dưỡng, ông Kiều Đức Hận trẻ, khỏe, nhanh nhẹn, thông thuộc đường xuống đồng bằng… được Trưởng trại phân công làm Đội trưởng đội tiếp liệu. Đội thường xuyên có mặt khoảng 7-8 người, hầu hết là anh chị em người Bahnar, Jrai có sức khỏe, quen gùi cõng hàng như: Đinh Quy (Khu 7), Đinh Huơ (Khu 7), Kpă Loon (Khu 5), Rơmăh Lit (Khu 5)...
Nhiệm vụ chính của đội là xuống đồng bằng gùi hàng về phục vụ Trại điều dưỡng. Mỗi chuyến đi thường mất khoảng 15-20 ngày. Mỗi địa điểm trên đều nhằm hướng đến những món hàng riêng.
Nếu đi cõng hàng tiếp viện từ miền Bắc vào thì hướng chính là Quảng Nam. Những mặt hàng mà Trại điều dưỡng được nhận thường là dầu ăn, mỡ ăn… của Liên Xô. Hàng thường được đóng thành thùng phuy 200 lít. Sau khi nhận hàng từ kho, anh chị em xúc dầu, mỡ… chia ra thành những bao 30-50 kg để cõng về.
Ở Quảng Ngãi, đội tiếp liệu thường đi Sa Huỳnh cõng muối. Con đường mà anh em đi là xuống Hoài Ân, rồi rẽ trái ra Sa Huỳnh; cũng có thể đi đường Vĩnh Thạnh (Bình Định) xuống dốc Bò Bơi… nhưng anh em ít đi vì không có cơ sở.
Địa chỉ quen thuộc nhất của đội là chợ Trường (Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định). Vì đây là vùng tranh chấp giữa ta và địch nên chợ cũng phải họp bí mật từ khoảng 19-21 giờ. Ở chợ Trường, cán bộ của đội tiếp liệu thường hẹn sẵn các món hàng mình cần để người bán (là cơ sở cách mạng) mang ra như: đài, pin, chỉ…
Khi tôi hỏi: “Trại điều dưỡng mà mua đài, pin, chỉ… làm gì nhiều thế?”, ông Hận bật cười: “Ồ, mua về rồi mang vào làng đổi heo, gà”. Thì ra, đội tiếp liệu không chỉ có việc đi mua hàng, gùi cõng hàng từ đồng bằng lên, mà sau khi mua về, tùy nhu cầu của Trại điều dưỡng, anh chị em sẽ được phân công mang hàng vào các làng Bahnar trong vùng để đổi heo, gà… về làm thực phẩm nuôi cán bộ điều dưỡng.
Chế độ của cán bộ đi điều dưỡng là được ăn “cơm không” (tức là cơm không độn củ mì) với thịt, cá, rau, canh có mỡ… và thuốc bổ. Đối với cán bộ, nhân viên Trại điều dưỡng, ngoài nhiệm vụ chính được giao, các anh chị em đều tham gia tăng gia sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc.
Hơn 50 năm đã qua, với những người trong cuộc, ký ức vẫn đong đầy, nguyên vẹn!