Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh ra viện không chỉ nhờ sự chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, mà còn nhờ sự chăm sóc tận tụy của các điều dưỡng. Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Sự hi sinh thầm lặng của điều dưỡng được ngành Y tế, bệnh nhân và người dân ghi nhận; trong đó ngày 12-5 hàng năm là Ngày Điều dưỡng Quốc tế để tôn vinh những lặng thầm cống hiến trong chăm sóc người bệnh của các điều dưỡng.

Những hi sinh thầm lặng

Điều dưỡng là những người thực hiện y lệnh của bác sĩ trong chăm sóc người bệnh và luôn sẵn sàng khi bệnh nhân cần giúp đỡ. Ở những khoa bệnh nặng, điều kiện không cho phép người nhà vào chăm sóc thì điều dưỡng sẽ đảm nhiệm chăm sóc bệnh nhân từ chăm sóc sức khỏe đến vệ sinh cá nhân…Công việc vất vả, nhưng sự yêu nghề, yêu bệnh nhân là động lực để họ gắn bó với nghề đã chọn.

Điều dưỡng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho trẻ sinh non. Ảnh: Như Nguyện

Điều dưỡng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho trẻ sinh non. Ảnh: Như Nguyện

Công tác trong ngành Y đã 17 năm, điều dưỡng Phạm Thị Thiện-Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chưa từng hối tiếc vì chọn nghề điều dưỡng. Chia sẻ công việc của mình, điều dưỡng Thiện nói: “Các bé vào Khoa Sơ sinh đa phần là sinh non, nhiều cháu sinh non cực nhẹ cân nên việc chăm sóc rất vất vả. Các điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện từ chăm sóc y tế đến vệ sinh cá nhân. Một người mẹ chăm sóc một con đã rất vất vả, trong khi một điều dưỡng phải chăm sóc 10 cháu, mà các cháu lại rất non nớt nên sự vất vả nhân lên gấp bội. Tuy vậy, với những người công tác trong ngành Y nói chung, điều dưỡng nói riêng khi đã chọn nghề Y là phải quyết tâm, nhiệt huyết với nghề và hết lòng vì người bệnh. Có như vậy sẽ vượt qua những khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc.

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Gia Lai tiếp nhận thăm khám ngoại trú cho trên 400 bệnh nhi; số bệnh nhi điều trị nội trú hàng ngày trên 400 bệnh nhi. “Bệnh viện Nhi Gia Lai có 120 điều dưỡng, tùy theo đặc thù từng khoa mà tính chất công việc nặng-nhẹ khác nhau; trong đó các Khoa: Sơ sinh, Hồi sức tích cực chống độc là những khoa mà công việc vất vả và áp lực nhất”- điều dưỡng Chu Thị Kim Thanh- Phó Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhi Gia Lai cho hay.

Gắn bó với nghề điều dưỡng 23 năm, Đại úy Nguyễn Như Bình-Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực-Bệnh viện Quân y 211) luôn tâm huyết với nghề đã chọn. “Đặc thù của Khoa Hồi sức tích cực là tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân nặng. Chúng tôi bắt đầu một tua trực từ 7 giờ sáng hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau, thường trực 24/24 giờ. Đặc biệt, tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân luôn có những diễn biến bệnh tật bất ngờ buộc người điều dưỡng phải theo dõi chăm sóc sát sao để kịp thời có mặt khi bệnh nhân cần. Vì vậy, hầu như trong tua trực, điều dưỡng không thể có giấc ngủ trọn vẹn. Công việc nhọc nhằn, áp lực nhưng với tinh thần yêu nghề, vì người bệnh mà chúng tôi đã vượt qua để chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh xuất việc là động lực, là niềm vui để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề”-điều dưỡng Bình tâm sự.

Đại úy Nguyễn Như Bình (bên trái)- Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Quân y 211) chăm sóc cho một bệnh nhân nặng. Ảnh: Như Nguyện

Đại úy Nguyễn Như Bình (bên trái)- Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Quân y 211) chăm sóc cho một bệnh nhân nặng. Ảnh: Như Nguyện

Tất cả vì người bệnh

Chăm sóc 2 cháu ngoại sinh đôi sinh non điều trị tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai), bà Đoàn Thị Hương (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: 3 tháng các cháu nằm viện điều trị đều nhờ công chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng mà đến nay sức khỏe các cháu đã ổn định. Lúc mới sinh, các cháu cân nặng dưới 1kg, nay đã tăng lên gần 4 kg/mỗi cháu và chuẩn bị được xuất viện. Gia đình xin cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã tận tình chăm sóc các cháu thời gian qua.

Điều dưỡng là những người nhẫn nại, tận tụy trong chăm sóc cho người bệnh, biết lắng nghe, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp, đặc biệt luôn bình tĩnh trong thăm khám, xử lý các tình huống. Không chỉ lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông nỗi đau bệnh tật của người bệnh, điều dưỡng còn chia sẻ với những mất mát, lo lắng của người nhà khi bệnh nhân trong cơn bệnh nặng, nguy kịch để từ đó kịp thời động viên giúp họ vững tâm và hợp tác điều trị.

Thiếu tá, thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Nam Giang-Chủ nhiệm Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Quân y 211) cho hay: Khối lượng công việc ở Khoa Hồi sức tích cực rất nhiều nên bác sĩ, điều dưỡng rất áp lực, vất vả trong công việc. Tuy vậy, với tinh thần phục vụ quân và dân một cách tốt nhất, mọi người đều nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân chóng hồi phục sức khỏe. Ảnh: Như Nguyện

Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân chóng hồi phục sức khỏe. Ảnh: Như Nguyện

Đánh giá về vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, thạc sĩ, bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai nhận xét: Đằng sau một bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện ngoài vai trò điều trị của bác sĩ còn có sự đồng hành của người điều dưỡng. Điều dưỡng là người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, điều trị và dành thời gian nhiều nhất cho bệnh nhân. Đặc biệt với đặc thù là Bệnh viện Nhi, các bé chưa thể diễn tả được tình hình bệnh tật, chưa thể khống chế cảm xúc những lúc đau ốm và có khi thiếu hợp tác nên các điều dưỡng gặp không ít khó khăn trong công việc. Để làm tốt nhiệm vụ, các điều dưỡng phải hết sức nhẫn nại, tận tụy, yêu nghề và tất cả vì người bệnh. Công việc vất vả nhưng hiện nay chế độ đãi ngộ đối với điều dưỡng vẫn chưa thật sự tương xứng với cống hiến mà họ đã và đang làm. Tôi mong muốn thời gian tới, các cấp, ngành sẽ quan tâm nâng cao chế độ đãi ngộ cho ngành Y nói chung, các điều dưỡng nói riêng để động viên mọi người yên tâm công tác.

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.