Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Y tế vừa xây dựng kế hoạch triển khai chương trình “Chuyển đổi số (CĐS) của ngành Y tế Gia Lai” và Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu là triển khai có hiệu quả hoạt động CĐS hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành, giúp dự báo và xây dựng chiến lược y tế góp phần nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân.

Nhiều lợi ích

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động CĐS hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, lập hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành, ưu tiên dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu khám-chữa bệnh (KCB), dữ liệu phòng-chống dịch bệnh; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin tăng thêm các tiện ích cho người bệnh.

Quang cảnh hội nghị giới thiệu giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực y tế ngày 8-6-2023. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh hội nghị giới thiệu giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực y tế ngày 8-6-2023. Ảnh: Như Nguyện

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lý Minh Thái khẳng định: Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống y tế và cộng đồng, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Bằng cách sử dụng công nghệ, chúng ta có thể thu thập và chia sẻ thông tin y tế nhanh chóng, đồng thời cải thiện quy trình chẩn đoán và điều trị. Hồ sơ điện tử và hệ thống quản lý thông tin y tế giúp đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế truy cập dễ dàng vào lịch sử bệnh án của bệnh nhân, từ đó tăng khả năng chẩn đoán chính xác và đưa ra liệu pháp phù hợp.

Cùng với đó, CĐS cũng mang lại sự tiện lợi cho bệnh nhân như có thể đặt lịch khám, nhận kết quả xét nghiệm và tương tác với bác sĩ từ xa. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc tăng cường quản lý và giám sát sức khỏe cộng đồng. Hệ thống thông tin y tế kỹ thuật số cho phép các cơ quan y tế cập nhật dữ liệu về dịch bệnh, theo dõi tiến độ tiêm chủng và phân tích xu hướng dịch tễ giúp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời trong thực hiện chính sách y tế và phòng-chống dịch.

Đến nay, Sở Y tế đã triển khai 1 cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh) tại 3 cơ quan trực thuộc là: Văn phòng Sở Y tế, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Các đơn vị điều trị cũng đang triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Viettel đã tài trợ cho 4 trung tâm y tế tuyến huyện các thiết bị đầu cuối và đang cung cấp miễn phí dịch vụ kết nối. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố còn lại đã được Sở Y tế đầu tư trang-thiết bị để tham gia hội chẩn, KCB từ xa với các bệnh viện tuyến trên.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã triển khai Hệ thống tư vấn, KCB từ xa (Telehealth) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế và tại Bệnh viện Nhi tỉnh với Bệnh viện Nhi đồng I và Bệnh viện Nhi đồng II (TP. Hồ Chí Minh).

Đối với việc liên thông đơn thuốc quốc gia, ngành đã cấp mã cho 965 bác sĩ, y sĩ; cấp mã cho 194 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổng số đơn thuốc được liên thông trên hệ thống quốc gia là 498.895 đơn. Hiện đã có 15 cơ sở y tế thực hiện liên thông dữ liệu khám sức khỏe phục vụ Đề án 06. Đến nay, tất cả 26 cơ sở y tế (23 cơ sở y tế công lập, 3 bệnh viện tư nhân) đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

Chú trọng chuyển đổi số

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Tấn Phúc chia sẻ: Chuyển đổi số là việc phải làm của các bệnh viện. Như với bệnh án điện tử (EMR), đây không chỉ là việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ số, mà điều quan trọng hơn là tích hợp nhiều tiện ích cho bác sĩ, điều dưỡng viên và cả nhà quản lý nhằm tăng hiệu quả điều trị và tăng an toàn cho người bệnh.

“Muốn CĐS tốt cần có nguồn lực nhưng hiện Bệnh viện chưa có đủ nguồn lực nên gặp nhiều khó khăn, cần có sự hỗ trợ của ngành và các cơ quan liên quan”-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói.

Chuyển đổi số lĩnh vực y tế góp phần phục vụ công tác chuyên môn và chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: Như Nguyện

Chuyển đổi số lĩnh vực y tế góp phần phục vụ công tác chuyên môn và chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: Như Nguyện

Còn ông Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê thì thông tin: Đơn vị tích cực đầu tư, cải tiến chất lượng hoạt động, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng số y tế hướng tới CĐS y tế trong hoạt động quản lý, KCB tại đơn vị. Từ cuối năm 2022, đơn vị xây dựng phần mềm quản lý nhân lực; từ đầu năm 2023 xây dựng và triển khai thí điểm số hóa hồ sơ bệnh án bằng việc lưu trữ dữ liệu quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án Khoa Y học cổ truyền vào kho dữ liệu chung của đơn vị, đồng thời ứng dụng di động, máy tính bảng trong việc theo dõi điều trị, chăm sóc bệnh nhân y học cổ truyền giúp cho việc quản lý quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân được thuận lợi, hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ sở ban đầu cho việc tiến tới triển khai bệnh án điện tử tại đơn vị.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã ký số trên dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe cho các trường hợp đủ điều kiện sức khỏe, trên hệ thống giấy chứng sinh, giấy báo tử từ bệnh viện huyện đến các trạm y tế xã, thị trấn và trích chuyển toàn bộ dữ liệu lên hệ thống dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, triển khai kê đơn thuốc điện tử và đăng tải đơn thuốc điện tử lên hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, công tác CĐS cũng được quan tâm. Giám đốc Bệnh viện Đặng Hữu Chiến cho hay: Đơn vị đưa nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin vào kế hoạch nhiệm vụ từng năm và dự toán kinh phí trong kế hoạch hàng năm để làm cơ sở thực hiện. Phấn đấu đầu tư Hệ thống chuông gọi y tá tại khu điều trị nội trú trong năm 2023; giai đoạn 2024-2025 xây dựng Hệ thống KCB từ xa, hội họp trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; đầu tư phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; đăng ký khám bệnh online. Ngoài ra, nâng cấp phần mềm Quản lý Bệnh viện tiến đến Bệnh án điện tử và sử dụng Bệnh án điện tử trước năm 2025.

Theo ông Lý Minh Thái, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin. Phấn đấu 100% hồ sơ nhân sự của công chức, viên chức và người lao động trong ngành được cập nhật thường xuyên và định kỳ tại địa chỉ https://gialai.vnerp.vn/.

Phấn đấu trong năm 2023, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt từ 30% trở lên; các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phấn đấu đạt trên 10%; 100% cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh bao gồm cả công lập lẫn tư nhân thực hiện kết nối với Cổng quản lý dược quốc gia; các bệnh viện đẩy nhanh quá trình xây dựng bệnh án điện tử.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.