(GLO)- Vùng rừng nguyên sinh của K7 (huyện Kông Chro và Đak Pơ ngày nay) từng là những nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương, cả các cơ quan dân chính thuộc K8 (An Khê ngày nay) những năm trước giải phóng-1975. Thời ấy, vùng này có rất nhiều thú rừng, có đàn voi ở khu vực A9 (K7), máy bay của Mỹ khi phát hiện cứ ngỡ là voi vận tải của cách mạng, chúng thậm chí có lúc dành cả ngày để oanh tạc, truy sát. Ngoài ra, các loài hổ, nai, heo rừng, khỉ vượn, voọc... nhiều vô kể. Một số loài thú là nguồn thực phẩm và món quà quý của rừng dành cho chúng tôi, nhất là khi cả đơn vị, cơ quan tập trung về phía sau học tập, chỉnh huấn, dưỡng quân kết hợp tăng gia sản xuất tự túc...
Ảnh minh họa |
Đơn vị, cơ quan nào cũng có vài ba tay súng khá thiện xạ. Huyện đội K8 (An Khê) cũng thế. Một trong những tay súng ấy là đồng chí Quờn (tôi và một số lính “tý hon” thì đặc cách được gọi là chú); chú Quờn bắn vô cùng chính xác, chính xác đến từng cen-ti-mét, kể cả khi mục tiêu di động, với chú cũng là chuyện nhỏ. Một buổi trưa nọ, mùa tháng 3, trong giờ nghỉ giữa 2 buổi làm rẫy, trời chuyển mưa, đứng gió, không khí oi bức, người thì khó chịu vô cùng, nhưng với loài ó thì hình như đó là lúc kiếm mồi tốt nhất. Vút trên cao một chú ó cứ quay tròn, ngó nghiêng về phía mặt đất, dưới tán rừng già. Một người trong nhóm thách chú Quờn hạ được con ó, chỉ bằng một phát súng cac-bin. Đám lính tý hon chúng tôi có cơ hội đồng thanh cổ vũ chú. Và đúng, chỉ một phát súng thôi, con ó vụt lên cao và rơi thẳng xuống đất.
Nhưng đi săn với người “có nghề” thì còn nhiều chuyện để nói, không hẳn chỉ mỗi tài thiện xạ. Họ rất chú trọng chuyện thời tiết, giờ xuất hành, hướng đi, kiêng cữ từ lời nói, quần áo mặc, giày dép và quan trọng nữa là người theo phụ việc... Kể ra thì nhiều, có vẻ “huyền thoại” lắm nhưng đại thể là để “hoàn thành nhiệm vụ” được giao thì phải làm sao đi là có kết quả, đó là những món tươi cải thiện cho đơn vị sau những ngày vất vả với những công việc của người lính. Một trong những người trẻ được coi là nhẹ... vía, hay được các xạ thủ chọn đi theo “phục vụ” khi cần cho cuộc đi săn là tôi. Có lần mới tờ mờ sáng, rừng già còn trắng sương mù trên cây và khói đá phủ dày mặt đất, chú Quờn đã gọi tôi dậy, chuẩn bị lên đường cùng chú ấy. Đi lòng vòng dưới những tán rừng già đẫm sương, ướt sũng, đôi chân là món mồi ngon cho loài đỉa cạn. Ước chừng được vài cây số, chú Quờn ra hiệu dừng, nghe ngóng...
Cách chừng trăm mét, phía thung lũng hố Đak, dưới cánh rừng thưa là dày đặc những ụ lá, có ụ to như một đống rơm nhỏ dành cho bò vào mùa khô ở quê, trong số đó, nhiều ụ lá bốc lên những đám khói trắng ngà như mây vờn nơi ngọn núi xa. Chú Quờn bảo, những ụ lá không có hơi bốc lên là những ụ không có heo rừng nằm, chúng lừa những loài ăn thịt đấy. Chú Quờn nói rất nhỏ, rằng hãy chờ cho nắng lên, chúng ra khỏi ổ, chọn con lớn nhất bắn. Và hôm đó cả đơn vị được mấy ngày liền “cải thiện”.
Những lần đi săn như thế là dịp tôi học được nhiều điều từ các chú “thợ săn”, dần dà rồi đôi khi bất chợt gặp thú rừng trên đường công tác tôi cũng có thể là một tay “xạ thủ” có số má. Có một lần về tỉnh, ở Ban Binh vận, gần khu vực thị trấn Dân Chủ-Krong (huyện Kbang ngày nay). Ban này do chú Hoàng Thanh Hà (sau 1975 làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai thời gian khá lâu, ông đã mất vì căn bệnh hiểm nghèo vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước) làm Trưởng ban. Cuối buổi chiều, chú bảo tôi đi công chuyện ra ngoài một lúc, vừa đi chừng nửa cây số, may mắn tôi nhìn thấy chú heo một (heo độc) đang cặm cụi ủi gốc le, có lẽ tìm giun. Rất bình tĩnh, tôi nhắm thẳng “quân thù mà bắn”, một phát một bằng khẩu AR-15M16. Từ trên dốc chú heo nọ cũng nhằm thẳng vào tôi mà lao xuống, phản xạ tự nhiên, tôi nép mình qua một bên, đưa khóa chỉnh súng qua chế độ liên thanh, cứ thế tôi nhả đạn...
Con heo to hơn một tạ nằm chình ình trước mặt tôi. Để cho chắc và đảm bảo an toàn, tôi bồi thêm một phát đạn vào vai nó. Biết tin, chú Hoàng Thanh Hà vừa vui vừa khen “thằng nhỏ bắn khá đấy”. Còn chú Lê Tiến Hồng (sau giải phóng, có thời gian dài làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, rồi về nghỉ hưu và cũng đã mất hồi năm 2011) thì bảo do con heo chửa, không chạy nổi nên mới bắn được. Đúng là con heo chửa tới 7 con nằm trong bụng, chắc còn mấy hôm nữa sẽ sinh con. Từ lần đó, tôi không bao giờ tự mình hạ sát bất cứ một con thú rừng nào nữa, bất đắc dĩ gặp hổ, một trong những loài thú ăn thịt mà tôi ghét nhất thì cũng chỉ bắn dọa cho chúng chạy thoát.
Những năm sau này, thỉnh thoảng tôi quay lại vùng chiến khu xưa, nơi từng là cái “vựa”, cái “kho” thực phẩm sống của chúng tôi một thời gian khổ, thiếu thốn, nhưng nay còn đâu nữa. Bạt ngàn rừng già, nơi đã là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, giờ biến thành rẫy, thành nương, thành vườn, thành trang trại ngút ngàn lúa, bắp, mía và thành... đồi trọc. Đi đâu cho xa, chúng ta chỉ đứng ở bất kỳ vị trí nào tại thị xã An Khê, nhìn ra tứ hướng, trước mắt chúng ta những điều tôi nói sẽ hiện ra mồn một. Cũng biết rằng muốn được cái này thì sẽ mất cái kia, là quy luật vậy, nhưng cái quy luật đổi rừng cho cuộc sống sao mà đắt thế?
Mỗi khi có dịp trở lại An Khê, tôi cũng như nhiều đồng đội của tôi, của chú Quờn, đều đến nhà của chú thắp nén hương cầu cho linh hồn của người cựu chiến binh, người được mệnh danh là “ông già sát thú” của đơn vị chúng tôi năm nào thuở còn vác súng đi săn, luôn bình an nơi chín suối!
Bích Hà