Rơ Mâm- một tộc người thiểu số sống hoang dã giữa đại ngàn Tây Nguyên có nguy cơ “tuyệt chủng” đã cùng nhau xuống núi lập làng, trồng lúa nước, mì, cao su... nay là làng Le, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum)... Đặc biệt họ đã bỏ được các hủ tục lạc hậu, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, trở thành điểm sáng của sự phát triển về văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh... Đây là “chuyện cổ tích” ở vùng biên giới mà Bí thư chi bộ A Giói, người đã dẫn dắt tộc người Rơ Mâm “bước qua lời nguyền” viết nên.
Xuống núi lập làng
Ngày thứ ba “lang thang” vượt qua nhiều đỉnh núi, ngầm suối, cuối cùng khi ông mặt trời vừa trốn núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray để tìm về giấc ngủ, cũng là lúc tôi tìm đến được với làng Le- làng dân tộc thiểu số Rơ Mâm còn sót lại duy nhất ở cực Bắc Tây Nguyên. Cùng thưởng thức món cá sông kẹp lá nướng than và cơm lam ống nứa, rượu cần ủ lâu ngày nồng nàn ấm ngọt... thân mật, cởi mở, cười nói, trò chuyện... không có ranh giới chủ-khách, lạ-quen, tôi như một đứa con của làng đi xa lâu ngày trở về gặp mặt.
Người Rơ Mâm ngày nay. Ảnh: N.T |
Sau mấy cang rượu, gương mặt già làng Blong ửng đỏ, ông vỗ vai A Giói rồi giới thiệu với tôi: “Đến nay, tộc người Rơ Mâm của mình còn tồn tại và có được cuộc sống ổn định, phát triển như bây giờ là nhờ công sức của Bí thư chi bộ A Giói đó”.
Ngày trước, cuộc sống của người Rơ Mâm hết sức đơn giản. Họ mặc khố làm bằng sợi của vỏ cây loong ptô. Sau khi chặt về, đập nhỏ, ngâm nước, tuốt lấy sợi rồi dệt khố. Chặt, đốt, chọc, tỉa là phương thức canh tác chủ yếu và “săn, bắt, hái, lượm” để duy trì cuộc sống. Một cặp vợ chồng có thể sinh tới 7 đến 9 đứa con, nhưng do cuộc sống thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật phát sinh không có thuốc chữa trị, nên may lắm chỉ còn 1, 2 đứa sống sót, là những trụ cột của gia đình trong phát nương, làm rẫy…
A Giói cho biết: Trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Mâm chỉ có 159 người với 26 hộ, còn bây giờ đã tăng lên tới 397 người với 97 hộ. Ngày đó, dân làng đói khổ lắm. Chưa đến mùa mà nhiều chòi lúa đã hết sạch, người già đói ăn, trẻ em đói sữa, còi cọc… Thương bà con, nhiều đêm anh không ngủ được, ý nghĩ phải làm một việc gì đó để cứu lấy người Rơ Mâm của mình cứ thôi thúc anh. Cuối cùng anh quyết định động viên bà con “xuống núi”. Đây là một quyết định rất khó khăn, bởi người Rơ Mâm thường sống trên lưng chừng núi cao và họ quan niệm rằng: Một ngọn núi, thì phía trên là địa phận của trời, linh thiêng để vươn tới… còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối… là của ma, nên người Rơ Mâm không ở và không bao giờ sinh sống được ở những nơi đó. Đây cũng là “lời nguyền” để lại của bao đời ông bà đi qua…
Hôm A Giói thông báo ý định vận động bà con “xuống núi” để trồng lúa nước, trồng cây mì… nhằm ổn định cuộc sống, nhiều người Rơ Mâm giật mình, hoảng hốt: “Thằng A Giói điên rồi, bởi cái đầu của nó nghĩ bậy, vi phạm lời nguyền từ bao đời nay của ông bà tổ tiên, nên đã bị Yàng phạt. Phải phạt nó một con bò, chục ghè rượu để cúng Yàng tạ tội thôi…”. Phạt thì cứ phạt, mà làm thì cứ làm, A Giói tìm cách tiếp cận với những người nhiều tuổi, có uy tín để vận động thuyết phục. Đầu năm 1976, A Giói quyết định đưa gia đình mình cùng gia đình 3 đảng viên trong tộc người Rơ Mâm rời khỏi ngọn núi Yang Sít xuống lập làng Le ở xã Mo Ray, huyện Sa Thầy bây giờ.
A Giói nhớ lại lời Bác dạy: “Đảng viên phải tiên phong đi trước, gương mẫu nói điều hay, làm việc tốt…”. Công việc đầu tiên khi xuống núi là làm nhà, khai hoang đất trồng lúa nước, trồng củ mì để kiếm cái ăn. Gia đình mình no đủ, có cái ăn, cái để, con cái được học cái chữ, ốm đau có thuốc chữa bệnh… thì mọi người chắc sẽ cùng anh về làng mới. Nói thì vậy nhưng làm thì khó lắm, không quen với địa hình, thời tiết “chân núi”, không biết trồng cây lúa vào thời gian nào cho phù hợp, nên buổi đầu trồng gần 3 sào lúa nhưng hiệu quả không đáng kể. Buồn cái bụng và cũng lo “sáng kiến” của mình bị thất bại, A Giói tìm đến Bộ đội Biên phòng, bộ đội địa phương nhờ giúp đỡ. Cuối cùng thì những ruộng lúa của anh cũng xanh tốt, bội thu. Ông tiếp tục băng rừng, lội sông về tận “vùng xuôi” mua gà, heo, bò giống về nuôi. Đất rộng, cỏ tốt, heo, gà, bò lớn nhanh, béo mập và phát triển rất nhanh. Mô hình “làng mới” của A Giói bước đầu đã thành công. Thấy mô hình “làng mới” của A Giói thành công, thế là cả tộc người Rơ Mâm cùng kéo về làng Le dựng nhà, khai hoang đất trồng lúa, bắp, mì...
Từ bỏ hủ tục...
Người Rơ Mâm xuống núi, lập làng và từ bỏ lối sống du canh, du cư, săn, bắt, hái, lượm để trồng lúa nước, bắp lai... đã là một chuyện lạ xưa nay hiếm ở đại ngàn Tây Nguyên, nhưng chuyện người Rơ Mâm bỏ đi hủ tục “ăn sống, uống tươi”, người chết chôn chung, ốm đau tại Yàng... được coi là chuyện hiếm đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
A Giói đi làm. Ảnh: N.T |
Nhiều người Rơ Mâm đến nay vẫn chưa quên được trận dịch lịch sử hơn 80 năm về trước đã làm chết trên 100 người. A Giói biết, bệnh dịch lan truyền từ ăn uống không hợp vệ sinh. Khi trong làng có người chết thì bà con cứ bật nắp “quan tài” để đưa xác người chết sau đè lên người chết trước... làm vi trùng khuếch tán và lây lan nhanh. Nhớ lại, nước mắt A Giói đã ướt gối nhiều đêm. Không cứ tiếp tục thế này được, phải cứu lấy dân tộc mình, cứu lấy người Rơ Mâm. Ý nghĩ này đã thôi thúc ông vượt qua những khó khăn để quyết tâm vận động thuyết phục bà con lúc đầu dùng ống lồ ô, ống nứa nấu chín thức ăn, sau đó chuyển dần sang dùng xoong, nồi để nấu và ăn thức ăn đã được rửa sạch, nấu chín. Trong làng có người chết thì đưa lên nghĩa địa và chôn từng người một cách xa nhau 3 mét...
Thời gian đi theo từng con trăng và bóng núi ngả lưng theo ông mặt trời mọc rồi lặn bao lần. Hạt cuội trong ché sứ ngày một nhiều hơn. Lúa, bắp vẫn liên tiếp được mùa. Gà, heo, bò lớn nhanh và đẻ nhiều con giống. Người trong làng không có ai chết vì đói, rét và bệnh tật... Yàng thương A Giói rồi vì A Giói làm đúng, thế là tất cả tộc người Rơ Mâm đều nghe và bắt đầu làm theo...
Đến nay làng Le đã có một chi bộ với 10 đảng viên, đứng đầu là Bí thư A Giói. Người Rơ Mâm đã khai hoang và trồng được 90 ha cây mì, 80 ha lúa nước, 11 ha cây cao su tiểu điền cùng với hàng trăm con heo, bò, dê các loại. Trẻ em đến tuổi đều được đi học. Cháu A Hương đã vào đại học, 10 thanh niên đã tự nguyện vào làm công nhân ở Đoàn Kinh tế 78, trên 97% số hộ có xe máy, 100% số hộ có ti vi. Cuộc sống du canh, du cư với phương thức “chặt, đốt, chọc, tỉa”; hủ tục “ăn sống, uống tươi” và người chết chôn chung đã không còn. Tất cả các gia đình đều treo ảnh và thờ Bác Hồ, làng Le được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. “Điện, đường, trường, trạm” đã hội tụ đầy đủ, là cơ sở để đưa cuộc sống của bà con Rơ Mâm ngày một ổn định, phát triển và thực sự đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng-an ninh ở vùng biên giới cực Bắc Tây Nguyên.
Nguyễn Thúy