Chung tay giữ gìn bình yên buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những cách làm sáng tạo, các thôn, làng trên địa bàn huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh trật tự (ANTT) địa bàn.

Làng Greo Sek (xã Dun) có 261 hộ với 1.063 khẩu. Trước đây, tình hình ANTT trong làng diễn biến khá phức tạp, nhất là nạn trộm cắp tài sản, tình trạng thanh-thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông thường xuyên xảy ra. Để ngăn chặn tình trạng này, năm 2020, Chi hội Cựu chiến binh làng đã thành lập mô hình “Tiếng kẻng an ninh trật tự” với 53 thành viên.

Sau khi thành lập, các thành viên đã tiến hành tuần tra, kiểm soát; phối hợp với lực lượng Công an xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ tài sản cho người dân; phân công các thành viên phụ trách từng nhóm hộ gia đình liền kề để kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý các vụ việc phát sinh.

Từ ngày thành lập đến nay, các thành viên mô hình “Tiếng kẻng an ninh trật tự” làng Greo Sek đã tuần tra, kiểm soát hàng trăm lượt; phát hiện, phối hợp xử lý 6 vụ trộm cắp tài sản; giải tán hàng chục vụ thanh-thiếu niên tụ tập đi xe máy nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự.

Cán bộ Công an huyện Chư Sê trao đổi công việc với dân làng Greo Sek, xã Dun. Ảnh: R'Ô HOK

Cán bộ Công an huyện Chư Sê trao đổi công việc với dân làng Greo Sek, xã Dun. Ảnh: R'Ô HOK

Ông Trần Xuân Mộc-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Greo Sek-cho biết: “Phần lớn thành viên tham gia mô hình đều là người uy tín và có tiếng nói trong cộng đồng nên công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân đã phát huy được hiệu quả. Số ít trường hợp chưa chấp hành tốt, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng Công an xã tiến hành gọi hỏi, răn đe và cùng gia đình theo dõi quản lý”.

Còn ông Lê Hải Đăng-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Greo Sek thì cho hay: Công tác đảm bảo ANTT, an toàn giao thông được Chi bộ đưa vào nghị quyết hàng tháng. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, Chi bộ thường xuyên triển khai đến toàn bộ đảng viên, đồng thời, phổ biến sâu rộng đến quần chúng nhân dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự chung.

Mặt khác, Chi bộ chỉ đạo các chi hội đoàn thể trong làng thành lập các mô hình ANTT, tổ tự quản; chủ động phối hợp với lực lượng Công an xã quản lý chặt chẽ các trường hợp thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm pháp luật. Nhờ vậy, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ được kiềm chế, nạn trộm cắp tài sản không còn xảy ra.

Tương tự, tại thôn Vinh Hà (xã Ia Blang), phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm triển khai với nhiều cách làm mới. Ông Bùi Hưởng-Công an viên kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn-thông tin: Trước đây, lợi dụng sự chủ quan, lơ là trong việc trông coi, bảo vệ tài sản của người dân, kẻ gian ở nơi khác thường xuyên đến địa bàn để trộm cắp tài sản. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn khiến người dân trong thôn vô cùng hoang mang, bức xúc. Tháng 1-2021, thôn Vinh Hà đã vận động người dân đóng góp kinh phí để đầu tư lắp đặt hệ thống camera an ninh phục vụ công tác phòng-chống tội phạm, giám sát địa bàn nhằm bảo vệ tài sản cho người dân. Việc làm này nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Thôn Vinh Hà lắp đặt các mắt camera an ninh tại các vị trí đông người qua lại. Ảnh: R'Ô HOK

Thôn Vinh Hà lắp đặt các mắt camera an ninh tại các vị trí đông người qua lại. Ảnh: R'Ô HOK

“Đến nay, thôn đã lắp đặt 10 mắt camera (1,8 triệu đồng/mắt) tại các tuyến đường liên thôn, khu vực giao lộ có nhiều phương tiện di chuyển qua lại. Tại các vị trí camera an ninh, chúng tôi cũng lắp đặt thêm bóng đèn chiếu sáng. Dữ liệu và thông tin do camera an ninh ghi lại được truyền trực tiếp về hệ thống giám sát qua điện thoại thông minh của cán bộ thôn để lưu trữ phục vụ công tác nắm tình hình và bảo đảm ANTT trên địa bàn. Từ khi lắp đặt đến nay, chúng tôi đã cung cấp cho lực lượng Công an 3 nguồn tin có giá trị về ANTT; cung cấp hình ảnh để lực lượng Công an xác định, làm rõ nguyên nhân 3 vụ tai nạn giao thông”-ông Hưởng cho biết thêm.

Trao đổi với P.V, Thiếu tá Nguyễn Thái Bình-Đội trưởng Đội xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Chư Sê) cho hay: Toàn huyện có 14 mô hình ANTT, 105 tổ tự quản ANTT với 887 thành viên. Thời gian qua, Công an huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn các mô hình, tổ tự quản ANTT kết hợp với tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho các thành viên. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động các mô hình, tổ tự quản ANTT ngày càng nâng cao.

“Từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã tổ chức 19 buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho thành viên tổ tự quản ANTT ở các thôn, làng, tổ dân phố. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên tổ tự quản ANTT, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quản lý, nắm vững tình hình địa bàn và đảm bảo ANTT tại địa phương”-Thiếu tá Bình thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

(GLO)- Chiều 17-12, đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI) và Công ty TNHH Chăn nuôi bò Trung Nguyên (thuộc Tập đoàn THACO AGRI) để tìm hiểu các dự án triển khai tại huyện Chư Prông.

HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất

HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất

(GLO)-Chiều 16-12, tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Đoàn giám sát HĐND thực hiện giám sát Sở TN-MT, Ban Dân tộc tỉnh về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.