Chư Sê đẩy mạnh sản xuất vụ Đông xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để hướng đến vụ sản xuất Đông Xuân 2017-2018 nhiều thắng lợi, ngành nông nghiệp huyện Chư Sê đã và đang tập trung nhiều giải pháp nhằm giúp người dân đẩy mạnh sản xuất. 
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện Chư Sê sẽ gieo trồng trên 2.200 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước sẽ gieo trồng, diện tích bắp là 215 ha,  rau màu 350 ha, mía trên 150 ha, cây trồng khác khoảng 25 ha… Đến thời điểm này, nông dân đã xuống giống được khoảng 800 ha cây trồng các loại, đạt khoảng 40% kế hoạch. 
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Chư Sê nói riêng trong những năm qua, đặc biệt là tình trạng thiếu nước vào cuối vụ thường xuyên xảy ra. Do đó, ngành chức năng huyện Chư Sê đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thấp nhất nguy cơ hạn vào cuối vụ Đông Xuân 2017-2018. 
Người dân đang tập trung làm đất để gieo sạ kịp thời vụ. Ảnh: Q.T
Người dân đang tập trung làm đất để gieo sạ kịp thời vụ. Ảnh: Q.T
Một trong những giải pháp căn cơ được ngành nông nghiệp huyện Chư Sê triển khai thực hiện ngay từ đầu vụ, đó là việc tuyên truyền người dân tập trung làm đất, xuống giống theo đúng lịch thời vụ. Cụ thể, những vùng không chủ động được nguồn nước, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ (mùa khô) thì tập trung xuống giống đại trà và kết thúc gieo sạ trước ngày 20-12-2017; những vùng chủ động được nguồn nước thì tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ ngày 20-12-2017 đến 20-1-2018 đối với lúa Đông Xuân. 
Cùng với đó, ngành chức năng của huyện cũng đã khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng tốt, ngon cơm, có thời gian thu hoạch ngắn, đặc biệt chống chịu hạn và sâu bệnh tốt. Theo đó, các giống lúa được ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo sử dụng như giống lúa HT, OM4900, IR64, Nhị ưu 838; các giống bắp lai như CP999, CP919, CCP898; các giống mía LK92-11, KK3, KK6…
Hơn 6 sào ruộng của ông Siu Lơ thuộc cánh đồng xã Dun (làng Greo Sek, xã Dun) thường xuyên xảy ra hạn vào cuối vụ Đông Xuân do việc tranh chấp nguồn nước với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu… Do đó, vụ Đông Xuân này ông Lơ đã quyết định làm đất, xuống giống sớm hơn mọi năm nhằm tránh hạn. “Rút kinh nghiệm từ những vụ Đông Xuân trước, vụ này gia đình tôi đã quyết định gieo sạ sớm hơn khoảng nửa tháng so với vụ trước. Đồng thời, mình cũng quyết định chuyển sang sử dụng giống lúa IR64 theo khuyến cáo của huyện nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch, cũng như hạn chế tình trạng hạn vào cuối vụ”-ông Lơ cho biết. 
Ông Siu Lơ đang lấy nước vào ruộng ủa mình. Ảnh: Q.T
Ông Siu Lơ đang lấy nước vào ruộng của mình. Ảnh: Q.T
Tương tự, hộ gia đình ông Rmah Thinh (làng Ia Hlong, xã Dun) cũng nghe theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện tập trung làm đất, chọn giống có thời gian thu hoạch ngắn ngày và xuống giống sớm hơn so với vụ Đông Xuân năm trước khoảng gần 1 tháng để tránh hạn vào cuối vụ. 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết, bên cạnh tập trung tuyên truyền người dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ cũng như sử dụng các giống lúa chất lượng, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và hạn tốt thì công tác thủy lợi cũng được phòng tập trung thực hiện. Theo đó, trong năm 2017, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi và nguồn vốn Bảo vệ đất trồng lúa, phòng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi và kiên cố hóa hệ thống kênh mương ở một số cánh đồng trên địa bàn. 
Đồng thời, kiện toàn lại các tổ điều tiết nước ở các xã, thị trấn nhằm phân chia lịch tưới nước hợp lý, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới giữa các loại cây trồng như cà phê, tiêu và lúa, rau. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân không triển khai gieo trồng lúa Đông Xuân trên diện tích 233 ha không chủ động được nguồn nước và thường xuyên để chuyển sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác như rau, đậu các loại… 
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.