(GLO)- Những năm qua, nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trước đây, nông dân xã Ia Blang phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các khâu từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch lúa, hoa màu và cây công nghiệp. Hiện nay, những công đoạn này đã được đa số người dân cơ giới hóa nhằm rút ngắn thời gian, công sức lao động.
Chị Rơlan Phêng (làng Nhă) cho biết: “Gia đình tôi có gần 5 sào lúa và 5 sào cà phê. Trước đây, tôi phải mất rất nhiều công lao động để làm đất hoặc thu hoạch cho kịp thời vụ. Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, năm 2015, tôi quyết định mua máy làm đất phục vụ sản xuất. Trung bình một buổi, máy có thể cày được 2-3 sào đất, nhanh gấp 5 lần so với việc sử dụng sức kéo trâu, bò”.
Người dân xã Ia Blang (huyện Chư Sê) sử dụng máy xới đất để chuẩn bị gieo sạ lúa. Ảnh: Trần Dung |
Xã Ia Blang có hơn 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Khôi-Chủ tịch UBND xã, những năm qua, địa phương xác định việc cơ giới hóa sản xuất có ý nghĩa quan trọng, quyết định hiệu quả kinh tế. Vì vậy, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đa số máy móc do người dân tự đầu tư với trị giá khoảng 10-20 triệu đồng/chiếc.
“Cách đây hơn 5 năm, nhiều hộ dân, nhất là người dân tộc thiểu số vẫn làm theo phương pháp thủ công dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Được cán bộ xã vận động, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hiện nay, người dân đã áp dụng cơ giới hóa tới 60% các khâu sản xuất. Nhờ đó, bà con rút ngắn được thời gian làm đất, tiết kiệm công sức, gieo trồng kịp thời vụ. Ruộng lúa, hoa màu được cày sâu và kỹ nên cây trồng phát triển tốt”-ông Khôi thông tin.
Với gia đình chị Đinh Kreh (làng Quái, xã Bờ Ngoong), việc cơ giới hóa sản xuất đã giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và không phải vất vả tìm thuê công lao động khi đến mùa thu hoạch. Với 1 ha cà phê, hồ tiêu và 4 sào ruộng lúa, mỗi năm, gia đình chị thu nhập gần 300 triệu đồng.
Chị Kreh cho hay: “Có được kết quả như vậy là nhờ áp dụng máy móc vào từng khâu sản xuất. Trồng lúa thì sử dụng máy cày đất, máy gặt; trồng cà phê, hồ tiêu thì có máy đào hố, máy làm cỏ… Đầu tư máy móc có rất nhiều cái lợi, nhất là rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm thời gian để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập”.
Những năm qua, huyện Chư Sê tích cực tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, triển khai các chương trình khuyến nông… Từ đó, không chỉ cây lúa mà nhiều loại cây trồng khác cũng đã được nông dân từng bước cơ giới hóa sản xuất như: làm đất (đạt 87%), chăm sóc (trên 77%), bón phân, tưới nước (53%), thu hoạch (trên 50%), chế biến, bảo quản (trên 50%). Đa số nông dân trong huyện có đủ kỹ năng để vận hành, sử dụng và bảo quản máy móc thiết bị trong sản xuất nông nghiệp.
Gia đình chị Đinh Kreh (làng Quái, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) nâng cao thu nhập nhờ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: Trần Dung |
Qua thống kê, toàn huyện Chư Sê hiện có 29.343 máy móc thiết bị sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Số máy móc này đã góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo khung thời vụ. Cụ thể, khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích gieo trồng hàng năm của huyện đều vượt so với kế hoạch. Những xã điển hình trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là Ia Hlốp, Hbông, Ia Blang, Ia Tiêm…
Ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-thông tin: “Tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 70%, đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích người dân hình thành các tổ dịch vụ cơ giới ở nông thôn; lựa chọn các loại máy móc phù hợp với địa hình, cây trồng cụ thể; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, huyện khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ liên kết với doanh nghiệp chế biến để phát huy tối đa công suất máy móc trong các khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân”.
TRẦN DUNG