Chư Sê: Ẩn họa từ những cây cầu xuống cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Như Gia Lai Điện tử tin đã đưa, ngày 8-8, trong lúc cố vượt dòng nước tràn qua cầu Ia Blin (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê), anh Lê Văn Sơn (SN 1985, trú tại thị trấn Chư Sê, Gia Lai) đã bị nước cuốn trôi và tử vong. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu an toàn của những cây cầu cũ trên địa bàn huyện Chư Sê.
Khoảng 0 giờ 15 phút ngày 8-8, anh Lê Văn Sơn điều khiển xe máy chở theo anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1990, trú tại thôn Vườn Ươm, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) từ thị trấn Chư Sê về xã Ia Hlốp. Khi đi qua cầu Ia Blin (nằm giữa địa bàn thôn 1 và làng Tel Yốt, xã Ia Hlốp), cả 2 người và chiếc xe đều bị nước lớn cuốn trôi. Do mắc vào cành cây gần đó nên anh Dũng may mắn thoát chết; còn anh Sơn tử vong, thi thể được tìm thấy cách cầu Ia Blin khoảng 1,5 km.
 Mặt cầu Ia Hlốp được gia cố bằng những tấm ván gỗ. Ảnh: H.L
Mặt cầu Ia Hlốp được gia cố bằng những tấm ván gỗ. Ảnh: H.L
Theo ông Nguyễn Văn Đương-Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp, ngay sau khi nhận được tin báo về trường hợp 2 người dân gặp nạn khi qua cầu Ia Blin, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xuống hiện trường nắm tình hình và hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mất tích. Sáng 9-8, sau khi tìm được thi thể nạn nhân, địa phương đã thực hiện các thủ tục liên quan để người thân đưa về nhà lo hậu sự. “Sau vụ việc này, chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi lưu thông qua cầu phải cẩn trọng và đặc biệt không nên cố vượt qua cầu khi nước lớn để tránh xảy ra các sự việc tương tự”-ông Đương nhấn mạnh.
Sau khi sự việc xảy ra, P.V Báo Gia Lai Điện tử cũng đã có mặt tại cầu Ia Blin. Theo quan sát của P.V, mặc dù nằm trên tuyến đường liên xã với lưu lượng người và phương tiện qua lại khá lớn nhưng cầu Ia Blin lại đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Cầu nhỏ hẹp, bề mặt gần như đã hư hỏng. Hai bên thành cầu không có lan can bảo vệ mà chỉ có gờ cao chừng 20 cm ở mép thành cầu. Ông Trần Văn Chín (xã Ia Hlốp) cho biết: “Cầu đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Hai bên đầu cầu đều là dốc khá cao và ôm cua, nếu lái xe chạy nhanh rất dễ lao xuống ruộng. Khi trời mưa, đất từ các nơi theo dòng nước đổ về đóng lớp trên bề mặt cầu khiến cầu trơn trượt. Đã vậy, những chiếc ô tô tải lớn chở gỗ cao su vẫn qua lại mỗi ngày càng làm cầu thêm hư hỏng”.
Ngoài cầu Ia Blin, trên tuyến đường này còn có cầu Ia Hlốp cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Anh Lê Văn Hưng (tổ dân phố 2, thị trấn Chư Sê) nói: “Tôi sống cách cầu Ia Hlốp chừng 200 m. Khoảng 1 năm trở lại đây, cây cầu này xuống cấp nghiêm trọng. Hồi trước, khi bề mặt cầu bị thủng tạo thành những lỗ to, người dân đã vá tạm lại nhưng không được bao lâu lại hỏng. Sau đó, cầu được gia cố bằng những miếng ván gỗ, hỏng đâu thay đó. Tại cây cầu này từng xảy ra trường hợp xe ô tô, xe máy lao xuống suối nhưng may mắn là chưa có trường hợp nào tử vong”.
Trao đổi với P.V, ông Hồ Minh Hậu-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Sê-cho biết: Cầu Ia Blin và cầu Ia Hlốp nằm trên tuyến đường liên xã dẫn từ thị trấn Chư Sê đi 3 xã của huyện Chư Sê (Ia Glai, Ia Hlốp, Ia Ko) và 2 xã của huyện Chư Prông (Ia Vê và Ia Pia). Theo thiết kế, 2 cây cầu này có tải trọng từ 15 tấn trở xuống. Hiện nay, cả 2 cây cầu này đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi cầu xây dựng đã lâu, mật độ lưu thông khá lớn, trong đó nhiều phương tiện vượt tải trọng cho phép. Theo lộ trình, đến năm 2019, địa phương mới thực hiện việc nâng cấp cầu. Tuy nhiên, trước tình trạng cầu xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, huyện đang có chủ trương ứng vốn để nâng cấp ngay trong năm 2018. Theo thiết kế, cầu Ia Blin và Ia Hlốp sau khi nâng cấp sẽ có tải trọng khoảng 25 tấn trở lên, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn.
Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.