Chư Pưh phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

 Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất kinh doanh nông-lâm nghiệp Long Hưng liên kết với các hộ dân trồng lúa J02 tại cánh đồng Ia Sái, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Ảnh: Phạm Ngọc
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất kinh doanh nông-lâm nghiệp Long Hưng liên kết với các hộ dân trồng lúa J02 tại cánh đồng Ia Sái, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Ảnh: Phạm Ngọc

Từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất kinh doanh nông-lâm nghiệp Long Hưng đã liên kết với gần 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ia Phang để canh tác gần 150 ha lúa chất lượng cao tại cánh đồng Ia Zô và Ia Sái. Ông Võ Ngọc Giàu-Phó Giám đốc HTX-cho hay: Dự án liên kết sản xuất lúa J02 của HTX đã từng bước tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, giúp người dân nâng cao thu nhập. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, góp phần cùng với địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng theo ông Giàu, xã Ia Phang có 356 ha đất trồng lúa nhưng do người dân thiếu kỹ thuật canh tác, sử dụng nguồn giống không đảm bảo nên năng suất và sản lượng không cao, sản phẩm làm ra chỉ đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho gia đình. Để giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, HTX chọn giống lúa J02 để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Giống lúa này không chỉ cho năng suất 7 tấn/ha mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm lúa gạo khác trên thị trường. Hiện lúa J02 có giá 9 triệu đồng/tấn, trong khi các giống lúa khác được người dân trồng trước đây chỉ 6 triệu đồng/tấn.

Là hộ tham gia liên kết sản xuất lúa, bà Rơ Mah H'Đa (làng Thơ Nhueng) phấn khởi nói: “Gia đình tôi trồng 8 sào lúa J02 do HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh nông-lâm nghiệp Long Hưng cung cấp giống, mỗi vụ thu hoạch được 5,6 tấn. So với các giống lúa được trồng trước đây thì giống J02 có năng suất và giá bán cao hơn”.


Thời gian qua, bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước, các mô hình của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Điển hình như: Hội Cựu chiến binh với mô hình “10 cán bộ, hội viên giúp đỡ 1 hộ thoát nghèo”, Hội Phụ nữ với mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”, Đoàn Thanh niên với mô hình chăn nuôi dê, Hội Nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo Đề án 61... được triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cùng với tặng cây-con giống, giúp nhau ngày công đã tạo động lực cho các gia đình khó khăn từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 29,05% (đầu năm 2016) xuống còn 3,78% (cuối năm 2021), bình quân mỗi năm giảm 4,21%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 51,75% (đầu năm 2016) xuống còn 6,4% vào cuối năm 2021.

Chị Rơ Mah H’Líu (làng Luh Yố, xã Ia Hrú) chăm sóc đàn heo rừng lai. Ảnh: Phạm Ngọc
Chị Rơ Mah H’Líu (làng Luh Yố, xã Ia Hrú) chăm sóc đàn heo rừng lai. Ảnh: Phạm Ngọc


Nhờ được các hội, đoàn thể hỗ trợ bò sinh sản, cấp cây giống và hướng dẫn chuyển đổi sang trồng điều nên gia đình anh Phan Văn Hành (làng Ia Brel, xã Ia Le) đã có thu nhập ổn định. Hiện gia đình anh có 3 ha điều, nuôi 3 con bò. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu về trên 40 triệu đồng/năm. Anh Hành cho biết: “Nhờ các hội, đoàn thể hỗ trợ cây giống, vật nuôi và tín chấp vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất mà gia đình tôi đã thoát nghèo”. Còn chị Rơ Mah H'Líu (làng Luh Yố, xã Ia Hrú) thì cho hay: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Hàng ngày, tôi phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Được Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ 1 con heo rừng lai sinh sản, đến nay, đàn heo của gia đình đã tăng lên 6 con. Tôi dự định bán bớt 2 con để mở rộng diện tích chuồng trại chăn nuôi. Giờ gia đình đỡ khó khăn hơn trước nhiều”.

Theo ông Nguyễn Văn Anh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp theo dõi tình hình phát triển của các mô hình hỗ trợ giảm nghèo cho người dân. Cùng với đó, phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, các mô hình đã góp phần tạo sinh kế, giúp người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, các hộ nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Ông Siu Y Bé-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 14,47%, hộ cận nghèo 12,99%. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo. Trong đó, tập trung phân tích rõ nguyên nhân cũng như khả năng thoát nghèo của các hộ để xác định chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể với HTX, tập trung vào các mô hình có khả năng nhân rộng cao giúp người dân phát triển sản xuất. Khuyến khích các HTX nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng uy tín, thương hiệu, tạo đà thúc đẩy giá trị sản xuất theo hướng chuyên sâu và cải thiện thu nhập cho người dân.

 

 PHẠM NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.