(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo các thôn, làng ở huyện Chư Pưh ngày càng khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Làng Thơ Nhueng (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Tấn |
Thơ Ga A (xã Chư Don) là 1 trong 5 làng được UBND huyện Chư Pưh chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, diện mạo làng Thơ Ga A đã đổi thay nhanh chóng. Năm 2020, làng Thơ Ga A đã được UBND huyện công nhận đạt chuẩn NTM. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ với 100% đường trục thôn, liên thôn đã nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận lợi; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân; không có nhà ở dột nát… Đặc biệt, người dân đã tiếp cận và đầu tư các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của làng chỉ còn 6,84%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng…
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Kpă Bir phấn khởi nói: “Được Nhà nước đầu tư xây dựng NTM, dân làng rất đồng tình, nhiều hộ tự dời hàng rào để mở đường. Riêng gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 50 m2 đất và ngày công để làm đường. Đồng thời, tôi cũng tự nguyện cùng với các hộ dân trong làng kéo điện thắp sáng hơn 1 km đường làng góp phần tạo cảnh quan và đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhờ được cán bộ hướng dẫn cách làm ăn, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất nên đời sống của gia đình ngày một ổn định hơn và có điều kiện lo cho con cái đi học”.
Tại xã Ia Phang, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận cao của người dân, cuối năm 2019, làng Thơ Nhueng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng được xây dựng bài bản, tất cả hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch; hơn 84,6% số hộ dân trong làng có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh... Người dân đã tiên phong trong việc liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ-Sản xuất-Kinh doanh nông lâm nghiệp Long Hưng canh tác giống lúa J02. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của làng giảm còn 2,79%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng/năm. Ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã Ia Phang-cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12, người dân hiểu rõ xây dựng làng NTM là quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên tích cực tham gia thể hiện qua các việc làm cụ thể như: hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn… Đồng thời, bà con đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập.
Diện mạo làng Thơ Ga A thay đổi nhanh chóng từ khi triển khai xây dựng làng NTM. Ảnh: Quang Tấn |
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Thùy-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-thông tin: Đến nay, toàn huyện có 7 làng đạt chuẩn NTM. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm; 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; làng có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn theo quy định; nhà ở, khuôn viên hộ gia đình được chỉnh trang. Người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt; cảnh quan môi trường sống xanh-sạch-đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
“Năm 2021, huyện phấn đấu xây dựng thêm 3 làng đạt chuẩn NTM gồm: Tung Neng (xã Ia Dreng), Tao Klăh (xã Ia Rong) và Plei Đung (xã Ia Hrú). Để đạt mục tiêu đề ra, huyện huy động nhiều nguồn lực để triển khai xây dựng; trong đó, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án cũng như sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tạo ra nguồn lực tổng hợp. Đặc biệt, tích cực huy động nguồn lực trong dân để xây dựng làng NTM theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội cùng chung tay xây dựng NTM. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm… góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm.
QUANG TẤN