Chư Pưh chủ động phòng-chống bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu gia tăng, ngành Y tế huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng khoanh vùng dập tắt ổ dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân. 
Sốt xuất huyết gia tăng
Tại Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh) hiện có 3 bệnh nhi (cùng ở thị trấn Nhơn Hòa) điều trị do mắc SXH. Chăm sóc đứa con trai 16 tháng tuổi đang điều trị SXH, chị Kpă Tháp thông tin: “Ở làng mình đang có dịch SXH, khá nhiều người mắc rồi. Vợ chồng mình vừa khỏi thì đến con trai. Cháu vào điều trị được 3 hôm rồi, bệnh cũng đã thuyên giảm”. 
Ở buồng cạnh đó, 2 chị em ruột là Nguyễn Kiều Bảo An và Nguyễn Kiều Bảo Anh đang được bác sĩ thăm khám. Sau 5 ngày điều trị, 2 bệnh nhi không còn bị các cơn sốt hành hạ. Em An chia sẻ: “Ngày 21-5, cả 2 chị em đều thấy đau đầu, nóng sốt nên được bố mẹ chở lên đây khám, bác sĩ chẩn đoán là mắc SXH. Sáng nay, thấy 2 chị em khỏe hơn nên bố mẹ tranh thủ về nhà dọn vệ sinh môi trường, phun hóa chất để ngăn ngừa nguồn lây cho người khác”. 
Bệnh nhân Nguyễn Kiều Bảo An đang điều trị SXH tại Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh. Ảnh: Thiên Di
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi Nguyễn Kiều Bảo An. Ảnh: Thiên Di
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 19 ca mắc SXH. Trong đó, thị trấn Nhơn Hòa, xã Ia Le và Ia Blứ có số ca mắc nhiều nhất với 14 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, 4 xã, thị trấn trong huyện ghi nhận các trường hợp nhiễm SXH. Bệnh có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 5, khi bước vào mùa mưa với 10 ca. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các trạm y tế triển khai hoạt động phòng-chống dịch bệnh, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức tự phòng ngừa dịch bệnh trong các tầng lớp nhân dân”.
Tập trung phòng-chống dịch bệnh
Thị trấn Nhơn Hòa đang có 2 ổ dịch SXH ở làng Hra Dong và Plei Kia với 4 ca mắc bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Đông-Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Nhơn Hòa-thông tin: “Trên thực tế, số bệnh nhân nhiễm SXH có thể nhiều hơn vì có một số trường hợp không đến các cơ sở y tế khám mà tự mua thuốc về điều trị; dẫn đến việc triển khai hoạt động phòng-chống, xử lý nguồn lây bệnh gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều gia đình vào rẫy ở trong nhà đầm cả chục ngày, nhà cửa không ai dọn dẹp, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, gây bệnh. Chúng tôi đang vận động người dân chủ động dọn vệ sinh môi trường quanh nhà, cọ rửa lu chứa nước, lật úp các vật dụng chứa nước đọng quanh vườn và mắc màn khi đi ngủ để phòng tránh bị nhiễm SXH. Chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng của Trung tâm Y tế huyện tiến hành điều tra véc tơ, bắt muỗi tại 2 ổ dịch; còn phun hóa chất thì chưa triển khai được. Nguyên nhân là do không có kinh phí để chi trả”.
Trạm Y tế xã Ia Le phát màn tẩm hóa chất phòng trừ muỗi cho người dân. Ảnh: Thiên Di
Trạm Y tế xã Ia Le phát màn tẩm hóa chất phòng trừ muỗi cho người dân. Ảnh: Thiên Di
Tại xã Ia Le, các hoạt động phòng-chống bệnh truyền nhiễm ở người đang được triển khai tích cực. Bên cạnh việc ra quân dọn vệ sinh môi trường ở các ổ dịch, phun hóa chất tại nhà có người nhiễm SXH, Trạm Y tế xã còn phối hợp tổ chức truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh và cấp màn tẩm hóa chất phòng sốt rét. Y sĩ Nguyễn Thanh Anh-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Le-cho hay: “Hiện nay, Trạm tập trung cho công tác phòng-chống SXH và các bệnh viêm đường hô hấp. Trong tháng, chúng tôi vận động người dân dọn ao tù, nước đọng, khơi thông mương máng. Đồng thời, cấp gần 6.500 chiếc màn tẩm hóa chất phòng trừ muỗi cho các hộ dân. Song song với đó là tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo đúng quy định”.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nguyễn Văn Hữu cho biết: Ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các loại dịch bệnh. Khi bà con tự giác triển khai các biện pháp phòng-chống thì sẽ hạn chế được nguy cơ bùng phát các ổ dịch. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chúng tôi cũng cử đội ngũ y tế tham gia các lớp học để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân. Ngoài ra, Trung tâm cũng kiến nghị tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp 3 trạm y tế gồm Ia Phang, Ia Dreng và Ia Rong nhằm từng bước nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.