Chư Prông đột phá để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, năm 2020, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 
Nhiều kết quả phấn khởi
Ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Tính đến cuối năm 2020, các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt trên 7.000 tỷ đồng, đạt hơn 100% kế hoạch, tăng 7,56% so với năm 2019; ngành công nghiệp xây dựng trên 1.382 tỷ đồng, đạt 100,11% kế hoạch; ngành dịch vụ trên 1.671 tỷ đồng, đạt 100,07% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 42,5 triệu đồng/năm.
Kết quả trên phản ánh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông là một trong những đơn vị hoạt động đạt hiệu quả cao trên địa bàn.
Ông Lê Văn Cảm-thành viên Hợp tác xã-chia sẻ: “Hợp tác xã chủ yếu trồng măng tây, chanh dây… hoàn toàn canh tác hữu cơ. Chúng tôi xác định đây là hướng đi bền vững nhất. Nhờ vậy, riêng măng tây, với sản lượng trung bình 40 kg/ngày, chúng tôi đã ký hợp đồng với 1 công ty ở Hà Nội, bao tiêu 50% sản lượng với giá thị trường trong vòng 10 năm, đảm bảo thu nhập ổn định cho các thành viên”. 
Thị trấn Chư Prông hôm nay. Ảnh: Hà Duy
Một góc thị trấn Chư Prông hôm nay. Ảnh: Hà Duy
Thời gian qua, huyện đã phối hợp các sở, ngành của tỉnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp khảo sát xây dựng các dự án điện năng lượng tái tạo. Đến nay, trên địa bàn huyện có 21 dự án điện mặt trời mái nhà đã được Công ty Điện lực Gia Lai chấp thuận cho phép đấu nối, vận hành thương mại, với tổng công suất 19,134 MWp.
Ngoài ra, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho 139 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã và trên 2.780 hộ kinh doanh hoạt động đúng pháp luật. Trong năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh cơ bản ổn định, khai thác tốt tiềm năng tại địa phương, giải quyết việc làm cho trên 12.500 lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/lao động/tháng.
Ông Vũ Đình Hạnh cũng cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ mà huyện rất quan tâm. Cho tới thời điểm này, bình quân mỗi xã đạt được 13,15 tiêu chí nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đáng mừng là chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành bước đệm để đưa phong trào làm kinh tế hộ, cải tạo vườn tạp, áp dụng đa cây, đa con vào sản xuất, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong làm kinh tế ngày càng phát triển, lan tỏa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Không chỉ phát triển kinh tế mà các lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu mới, văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 16,2% năm 2015 giảm còn 8,85% vào cuối năm 2020.
Kỳ vọng vào năm mới  
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Huyện nỗ lực hoàn thành 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở.
“Huyện ủy đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tập trung khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng lĩnh vực, từng địa bàn, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch 5 năm (2021-2025) ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm”-ông Vũ Đình Hạnh khẳng định.
Bộ phận một cửa huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Duy
Bộ phận một cửa huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Duy
Cùng với đó, huyện cố gắng bứt phá trong việc nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường công tác y tế dự phòng, triển khai có hiệu quả các mục tiêu của chương trình quốc gia về y tế. Đồng thời, thực hiện các chính sách giải quyết việc làm, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 48%, giải quyết tạo việc làm cho 2.650 lao động. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2021:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất: 8,48%.

- Thu nhập bình quân đầu người: 45 triệu đồng/năm.

- Tổng thu ngân sách nhà nước: 69,22 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 3.000 tỷ đồng.

- Tỷ lệ hộ nghèo: 7,55%.

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%.

- Diện tích trồng rừng mới: 120 ha.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.