Chư Prông đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, từ năm 2015 đến nay, huyện Chư Prông đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, góp phần giúp nông dân trên địa bàn tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Những mô hình hiệu quả

Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Vĩnh Thắng cùng 2 hộ dân ở thị trấn Chư Prông được Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện chọn tham gia dự án nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, với tổng kinh phí trên 69 triệu đồng. Trong đó, gia đình ông được hỗ trợ nuôi 600 con theo hình thức đối ứng 50% số vốn. Ngoài được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, ông Thắng còn được cán bộ Trạm Khuyến nông và Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Prông xuống tận nơi kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đàn gà phát triển khỏe mạnh. Sau 3 tháng chăn nuôi, đàn gà của gia đình ông đã cho xuất bán với tổng số tiền trên 15 triệu đồng. Ông Thắng chia sẻ: Nuôi gà trên đệm lót sinh học có ưu điểm là làm tiêu hết phân, giảm được mùi hôi, giảm tối đa việc vệ sinh chuồng, góp phần cải thiện môi trường sống. Hơn nữa, đàn gà được nuôi trên nệm lót ít bị dịch bệnh. Ngoài ra, với số vốn bỏ ra tương đối ít, các hộ dân ở thị trấn có thể chăn nuôi để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Áp dụng kỹ thuật canh tác mới giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập. Ảnh: H.T
Áp dụng kỹ thuật canh tác mới giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập. Ảnh: H.T

Ngoài mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, từ năm 2015 đến nay, từ nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Prông còn thực hiện 4 mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả như: nuôi dê lai Bách Thảo, nuôi kỳ đà thương phẩm, trồng rau trong nhà lưới và nuôi nai lấy nhung. Bà Bùi Thị Thu Huyền-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Prông cho biết, tất cả các mô hình nói trên được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn, còn lại người dân đối ứng 50% nên những hộ được chọn phải có điều kiện về kinh tế để đối ứng và tiếp tục duy trì mô hình. Đến nay, hầu hết các mô hình nói trên đều được triển khai có hiệu quả và đang tiếp tục được các hộ nhân rộng, góp phần mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân trên địa bàn. Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học sau 3 tháng đã cho xuất bán với giá trung bình 80.000 đồng/kg; mô hình nuôi nai lấy nhung đã cho lấy nhung 2 lần; mô hình nuôi dê lai Bách Thảo đến nay đàn dê phát triển khỏe mạnh. Riêng mô hình trồng rau trong nhà lưới đã giảm đáng kể chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công tưới nước và cho mẫu mã đẹp hơn, năng suất và chất lượng cao hơn so với rau trồng ngoài nhà lưới.

Áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất

Ngoài triển khai các mô hình ứng dụng khoa học, huyện Chư Prông còn tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hội thảo đầu bờ để nông dân được tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật mới, từ đó, áp dụng vào trồng và chăm sóc cây trồng có hiệu quả. Riêng năm 2016, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cà phê và chăm sóc tiêu. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, từ năm 2015 đến nay, huyện đã chuyển giao 70.000 cây cà phê giống mới cho nông dân tái canh nhằm tăng năng suất. Đến nay, hầu hết diện tích cà phê tái canh đều sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh. Ông Nguyễn Quang Vinh (thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn) cho biết: Gia đình tôi bắt đầu tái canh cà phê từ năm 2012 nhưng lúc đó kiến thức trồng và chăm sóc cà phê chủ yếu lượm lặt từ internet nên kết quả đạt chưa tốt. Đến năm 2015, với sự hỗ trợ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, diện tích cà phê tái canh của gia đình được mở rộng trên 1 ha. Nhờ được tiếp cận và áp dụng kỹ thuật mới nên vườn cà phê của gia đình phát triển tốt, năng suất ước đạt 10 tấn/ha.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho biết: Sắp tới, huyện sẽ xây dựng chương trình chuyển giao công nghệ sinh học cho cả giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung vào tái canh cà phê, dự kiến đến năm 2020 sẽ tái canh 2.000 ha. Theo đó, huyện sẽ phối hợp với các ngân hàng và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên hỗ trợ nông dân về vốn, giống và lồng ghép thực hiện Dự án VnSAT của Sở Nông nghiệp và PTNT với diện tích 670 ha. Riêng đối với cây hồ tiêu, mỗi năm huyện phấn đấu mở 20-30 lớp tập huấn và xây dựng một số mô hình trình diễn phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu để nâng cao trình độ canh tác cho nông dân, qua đó, hạn chế dịch bệnh cũng như xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trên cây hồ tiêu. Ngoài ra, Phòng sẽ thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm, ủ phân hữu cơ từ xác động-thực vật để áp dụng phân hữu cơ vào thay phân vô cơ để tránh bị chai đất, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung vào cải tạo vườn tạp bằng hình thức trồng cà phê, trồng cây ăn quả nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Anh Thuế bên vườn cà phê tái canh của gia đình

Kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ tái canh cà phê

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106 ngàn ha cà phê. Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào nhằm giúp nông dân thực hiện chương trình tái canh hiệu quả.

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.