Chư Prông chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công.

Ông Lê Nhật Trường An-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Toàn huyện có 1.451 người có công và gia đình thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Những năm qua, huyện luôn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm chăm lo các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Từ năm 2022 đến nay, huyện đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị hỗ trợ xây dựng 11 căn nhà với tổng trị giá 860 triệu đồng cho gia đình người có công. Cùng với đó, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và ngân sách địa phương, huyện đã trao tặng 3.016 suất quà với tổng trị giá hơn 775 triệu đồng cho người có công và thân nhân người có công trong các dịp lễ, Tết.

Thiếu tướng Rah Lan Lâm (thứ 2 từ trái sang)-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho gia đình bà Kpuih H’Beng (làng Ó Kly, xã Ia Tôr). Ảnh: N.H

Thiếu tướng Rah Lan Lâm (thứ 2 từ trái sang)-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho gia đình bà Kpuih H’Beng (làng Ó Kly, xã Ia Tôr). Ảnh: N.H

“Với sự hỗ trợ của địa phương, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 46 gia đình người có công vươn lên thoát nghèo”-ông An thông tin.

Tuy đã 84 tuổi nhưng bà Kpuih H’Beng (vợ của liệt sĩ Kpă Thư, làng Ó Kly, xã Ia Tôr) vẫn còn nhanh nhẹn. Lúc chúng tôi tới thăm, bà đang dọn nhà. Năm 2022, được Giám đốc Công an tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, huyện và xã kêu gọi các đơn vị bộ đội, lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ ngày công, gia đình bà H’Beng góp thêm 30 triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang.

“Từ khi có nhà ở kiên cố, gia đình không còn nơm nớp lo bị dột vào mùa mưa nữa. Cuối năm 2022, gia đình đã thoát nghèo”-bà H’Beng bộc bạch.

Bà Kpuih Eng (làng Nẻh Xo, xã Ia Tôr) tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1964. Bà từng bị địch bắt tù đày từ năm 1966 đến năm 1970. Sau khi ra tù, bà tiếp tục hoạt động cách mạng cho tới ngày thống nhất đất nước. Do sức khỏe giảm sút, nhà lại đông con nên cuộc sống của gia đình bà hết sức khó khăn. Năm 2021, UBND xã Ia Tôr đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ gia đình bà xây dựng căn nhà mới.

Chỉ tay vào căn nhà bếp làm bằng tôn, chị Kpuih Em (cháu bà Eng) cho hay: “Trước đây, 9 người trong gia đình sống chung trong căn nhà này nên rất bất tiện. Năm 2021, được Binh đoàn 15 hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình tôi vay thêm 80 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới. Từ đó đến nay, mọi sinh hoạt của gia đình thuận lợi hơn. Đến cuối năm 2022, gia đình đã thoát nghèo”.

Đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình người có công trên địa bàn, bà Lê Thị Nhung-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Tôr-cho hay: Từ năm 2020 đến nay, 40 gia đình người có công được hỗ trợ sửa chữa nhà ở với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 2 tỷ đồng, còn lại do các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, một số hộ được hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế.

Tương tự, từ năm 2022 đến nay, xã Ia Me có 3 gia đình người có công được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng kinh phí 150 triệu đồng; 2 hộ được hỗ trợ 2 con bò trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ cũng được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Đến nay, xã không còn hộ nghèo là người có công.

Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông cho biết thêm: Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 28 hộ nghèo có thành viên là người có công. Ngoài tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, chu đáo và kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, huyện tiếp tục nắm bắt tình hình đời sống để tiếp tục hỗ trợ gia đình chính sách, người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết. Qua đó nhằm động viên các gia đình nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), từ ngày 22 đến 26-7, huyện Chư Prông tổ chức 12 đoàn đến thăm và tặng quà cho 60 gia đình thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn huyện với tổng số tiền 30 triệu đồng được trích từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện (mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng).

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.