Chư Păh: Triển vọng mô hình liên kết nuôi heo địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi và tăng thu nhập cho người dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Hợp tác xã (HTX) Ia Mơ Nông triển khai Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm heo địa phương.

Tham gia Dự án có 100 hộ của 2 xã Ia Ka và Ia Mơ Nông với quy mô 204 con heo (200 con heo cái, 4 con heo đực giống), tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng (nguồn ngân sách nông thôn mới huyện hơn 969 triệu đồng, vốn đối ứng của HTX hơn 169 triệu đồng và người dân đối ứng hơn 1,2 tỷ đồng). Thời gian triển khai Dự án từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2021.

Đặc biệt, các hộ tham gia Dự án đều là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, có kinh nghiệm chăn nuôi heo địa phương, có vườn để bố trí chuồng trại. Sản phẩm của Dự án là heo giống, heo thịt được HTX bao tiêu cao hơn so với giá thị trường 3-5%.  

 Ông Rơ Châm Hyur (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) chăm sóc cặp heo vừa được hỗ trợ. Ảnh: Lê Nam
Ông Rơ Châm Hyur (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) chăm sóc cặp heo vừa được hỗ trợ. Ảnh: Lê Nam


Ông Rơ Chăm Nhil (làng Amơng, xã Ia Mơ Nông) cho biết: Mấy năm trước, dịch tả heo châu Phi làm cho đàn heo của bà con ở đây bị chết nhiều. Giờ hơn 5 triệu đồng 1 cặp heo giống nên bà con cũng không có tiền để đầu tư. “Được Nhà nước hỗ trợ 2 con heo sọc dưa để làm giống, tôi sẽ cố gắng chăm sóc”-ông Nhil nói.

Còn ông Rơ Châm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) thì cho biết: “Tôi được phân công làm tổ trưởng tại xã Ia Mơ Nông. Ngoài được cấp 2 con heo cái, tôi còn được hỗ trợ thêm 2 con heo đực để phối giống. Giống heo này rất dễ nuôi. Có thể tận dụng cây chuối, khoai lang, củ mì, bắp, cám gạo và một số phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho heo. Nhờ có Dự án hỗ trợ mà người dân có nguồn heo giống để tái đàn sau đợt dịch tả heo châu Phi”.

Ông Lê Văn Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông-cho hay: Hợp tác xã ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm đối với các hộ tham gia Dự án và cam kết mức giá cao hơn so với giá thị trường 3-5%. Đặc biệt, trong 2 năm đầu, HTX sẽ thu mua để cấp cho những hộ khác. Các năm tiếp theo HTX mới tính đến cung cấp ra thị trường và phát triển một số sản phẩm như: heo gác bếp, heo một nắng, heo hun khói...

“Heo khi trưởng thành thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 5-10 con. Với giá heo giống khoảng 3 triệu đồng/con thì người dân thu được 60 triệu đồng”-ông Thanh nhẩm tính.

Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-nhận xét: “Dự án rất phù hợp với định hướng phát triển của huyện, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, tạo đầu ra ổn định, gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Trung tâm phối hợp với HTX hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người dân về chăm sóc và cách phòng trị bệnh cho đàn heo”.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.