(GLO)- Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã vạch ra chiến lược dài hơi để đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá trong thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực này.
Giàu tiềm năng du lịch
Huyện Chư Păh là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, nằm giữa TP. Pleiku và TP. Kon Tum; có quốc lộ 14 chạy qua. Toàn huyện có 12 xã, 2 thị trấn với 109 thôn, làng, tổ dân phố, dân số khoảng 78.500 người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 56%) thuộc 26 dân tộc anh em. Nơi đây có nhiều thắng cảnh, điểm di tích lịch sử như: núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông cổ thụ, núi Chư Nâm, thác Công Chúa, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, tịnh xá Ngọc Như, Nhà máy Thủy điện Ia Ly, suối đá cổ và các lễ hội, làng nghề truyền thống đặc trưng của người Jrai, Bahnar. Có thể nói, Chư Păh hội tụ đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển du lịch.
|
Chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng) nhìn từ trên cao. Ảnh: C.T.V |
Ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Huyện đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp tuyến đường đến các điểm du lịch tiềm năng như: đường vào thác Công Chúa, đường lên đỉnh núi Chư Đang Ya, ngăn đập hồ nước và đường xung quanh hồ cầu treo thị trấn Phú Hòa, đường lên núi Chư Nâm. Đồng thời, huyện vận động người dân đầu tư phát triển nhà nghỉ, homestay và các cơ sở dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm; xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về con người, thiên nhiên và văn hóa đặc trưng của địa phương. Hàng năm, huyện cân đối bố trí ít nhất 1 tỷ đồng để thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện: Nói đến Chư Păh không thể không nhắc đến điểm du lịch núi lửa Chư Đang Ya (làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya). Núi lửa Chư Đang Ya cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku) 20 km. Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ. Đặc biệt, vào khoảng tháng 10 hàng năm, nơi đây được bao phủ bởi sắc vàng của hoa dã quỳ. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, nơi này có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang dấu ấn riêng. Đến với xã Chư Đang Ya, du khách còn có thể săn mây ở đỉnh núi Chư Nâm. Ngọn núi này có độ cao 1.472 m so với mực nước biển và được xem là đỉnh núi cao nhất khu vực phía Tây của vùng cao nguyên Gia Lai.
|
Núi lửa Chư Đang Ya nhìn từ trên cao. Ảnh: C.T.V |
Gần đó, du khách có thể ghé thăm khu Biển Hồ chè (xã Nghĩa Hưng). Trước kia, nơi này gọi là “đồn điền chè”, nằm ven Biển Hồ, do người Pháp trồng. Đồi chè hấp dẫn du khách bởi màu xanh bạt ngàn, hương thơm thoang thoảng. Xen kẽ giữa màu xanh của đồi chè là những cây hoa muồng vàng khoe sắc. Dọc theo con đường vào vườn chè là hàng thông cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc. Nhiều bạn trẻ yêu mến vẻ đẹp lãng mạn của hàng thông trăm tuổi này với cái tên “con đường Hàn Quốc”.
Tại làng Vân (thị trấn Ya Ly), du khách có thể tham quan suối đá cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi. Hai bên dòng suối là các thanh đá hình lục lăng được sắp đặt sát nhau thành những khối đá rộng lớn, rắn chắc, tương đồng với những khối đá tại gành Đá Đĩa-di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Phú Yên.
|
Suối đá cổ (làng Vân, thị trấn Ya Ly) là địa điểm du lịch hấp dẫn của huyện Chư Păh. Ảnh: C.T.V |
Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh:“Chúng tôi đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến địa phương đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện mọi mặt để các doanh nghiệp khai thác tiềm năng, thế mạnh, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện về công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, thuế, vốn, cho thuê đất... nhằm tạo môi trường thông thoáng thu hút doanh nghiệp đầu tư”. |
Đến Chư Păh, du khách còn được chiêm ngưỡng thác Công Chúa (làng Kép, xã Ia Mơ Nông) thơ mộng. Thác có vẻ đẹp riêng, hiền hòa và lãng mạn đúng như tên gọi với dòng nước chảy như mái tóc người thiếu nữ, mềm mại, nhẹ nhàng len qua từng khe đá xếp tầng tầng, lớp lớp trước khi đổ xuống chân thác. Ngoài ra, tới Chư Păh, du khách có thể thưởng ngoạn những điểm đến hấp dẫn khác như: hồ Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng), thủy điện Ia Ly-công trình thủy điện lớn nhất Tây Nguyên…
Không chỉ có nhiều thắng cảnh, Chư Păh còn có các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội truyền thống đặc sắc như: làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông) với nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ; nhà rông (xã Hà Tây) mang nét cổ kính, nguyên sơ, yên bình, là biểu tượng sức mạnh, tinh thần cộng đồng của đồng bào dân tộc Bahnar; chùa cổ Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng) với kiến trúc hài hòa, độc đáo; tịnh xá Ngọc Như (thị trấn Phú Hòa) có thiết kế hòa hợp thiên nhiên với những hòn non bộ, cây cối bao quanh và điểm nhấn là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được làm bằng đá vôi cao sừng sững giữa bầu trời; nhà thờ H’Bâu (dưới chân núi lửa Chư Đang Ya). Ngoài ra, du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm với nghề truyền thống như: đan lát, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm; được hòa mình vào các lễ hội của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar với những nét văn hóa đặc sắc như: cúng nhà rông, mừng chiến thắng, cúng giọt nước, lễ bỏ mả...
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Chư Păh hiện có 8.400 ha cà phê, 5.100 ha cao su, 2.750 ha bời lời, 145 ha hồ tiêu, 48 ha sầu riêng, 670 ha rau các loại, 200 ha chanh dây, 4.160 ha lúa... Toàn huyện có 14 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với năng lực tưới hơn 7.250 ha cây trồng các loại. Huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh như: cao su, cà phê, bời lời, dong riềng, chuối... tạo ra những sản phẩm hàng hóa giá trị. Mạng lưới giao thông các xã, liên xã trong huyện và kết nối với các địa phương lân cận đã được bê tông hóa, nhựa hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa đi lại thuận lợi và xuyên suốt. Hệ thống điện lưới đảm bảo, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt khoảng 99%.
|
Trung tâm huyện Chư Păh nhìn từ trên cao. Ảnh: C.T.V |
Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Huyện đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hình thành liên kết vùng, liên kết lĩnh vực; ứng dụng công nghệ số, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện đạt 2.600,4 tỷ đồng (gấp 1,55 lần so với năm 2015), tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,12%. Sản xuất nông-lâm-thủy sản theo quy trình VietGAP, 4C, UTZ, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến giúp tiết kiệm nguồn nước ngày càng được mở rộng. Đồng thời, huyện đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và tham gia Chương trình OCOP. Huyện cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản như: đầu tư chuồng lạnh để chăn nuôi heo, hình thành các vùng nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện ở xã Ia Phí, Hà Tây, Ia Kreng và thị trấn Ia Ly với các loại cá thác lác cườm, lăng nha... mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến nay, huyện đang triển khai Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí thực hiện hơn 32,4 tỷ đồng. Đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, hình thành các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, hướng đến xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, góp phần tạo sinh kế và gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương; khai thác hiệu quả và bền vững điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở, văn hóa truyền thống, hướng đến hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.
|
Ngưởi dân huyện Chư Păh sản xuất rau xanh theo phương pháp thủy canh, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Nam |
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ năm 2008, huyện đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Ia Khươl với quy mô hơn 53 ha. Huyện đã tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách thông thoáng như hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, xin chủ trương của tỉnh để doanh nghiệp đến khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong quá trình đầu tư, huyện đã tạo điều kiện để doanh nghiệp được cấp phép đầu tư và nhanh chóng giao mặt bằng sạch. Đồng thời, huyện đã thực hiện đầy đủ các mức ưu đãi đầu tư do UBND tỉnh ban hành, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đất đai để dự án sớm được triển khai. Đến nay, Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Ia Khươl đã có các nhà đầu tư triển khai thực hiện xây dựng nhà máy hoạt động ổn định với tổng diện tích đất cho thuê là 18,5 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 35%.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, trong điều kiện hiện nay, xu hướng hội nhập, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, hiệu quả. Đi đôi với việc này cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các mô hình liên kết cùng nhau phát triển, tạo ra những sản phẩm có giá trị.
LÊ NAM - HẠ VY