(GLO)- Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Chư Pah (Gia Lai) đã chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban, ngành chức năng phối hợp kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép.
Huyện Chư Pah có tiềm năng khoáng sản dồi dào. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 54 điểm mỏ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác. Trong khi đó, nhu cầu cát xây dựng ngày càng lớn khiến công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Một máy hút đặt tại bờ suối để khai thác cát trái phép. Ảnh: Sơn Ca |
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, thông qua hoạt động kiểm tra đột xuất, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn phát hiện, xử lý hành vi mua bán cát không rõ nguồn gốc của ông Đỗ Long Sơn (trú thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) tại khu vực hồ Ia Ly với tang vật là 1 máy đào, 2 máy hút cát, 2 ống dây và 50 m3 cát; phát hiện, xử phạt 6 triệu đồng/2 trường hợp khai thác cát trái phép tại xã Ia Khươl, Ia Nhin với số lượng cát tịch thu 21 m3; kiểm tra đột xuất và xử lý hành vi khai thác cát trái phép của ông Dương Cảnh Đạo (trú tại xã Ia Ka, huyện Chư Pah) tại khu vực hồ thủy điện Ry Ninh (thị trấn Ia Ly). Gần đây nhất, vào giữa tháng 9, UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với ông Rơ Chăm Byir (trú tại xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) vì đã khai thác trái phép 320 m3 cát tại khu vực suối giáp ranh giữa xã Ia Khươl và xã Hòa Bình (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum); đồng thời tịch thu số cát trên và buộc ông Byir chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát xây dựng trái phép, thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tổng hợp các điểm mỏ khoáng sản chưa cấp phép và thường xảy ra khai thác trái phép, tham mưu UBND huyện giao lại cho các xã, thị trấn quản lý, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra liên ngành đột xuất. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, không còn xảy ra các vụ việc ngang nhiên khai thác cát trái phép vào ban ngày. Đối với những vụ việc bị phát hiện qua kiểm tra đột xuất hoặc nguồn tin báo, chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật”-ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah-cho biết.
Bảo vệ, quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung và lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác cát nói riêng hiện là mối quan tâm hàng đầu của huyện Chư Pah. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND về việc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, công tác cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ khoáng sản trên địa bàn năm 2018. Theo đó, UBND huyện giao trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền cấp xã và các cơ quan chức năng của huyện; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động khai thác khoáng sản. “Mặc dù hoạt động khoáng sản trên địa bàn đang từng bước đi vào ổn định nhưng tình trạng khai thác trái phép nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra lén lút vào ban đêm hoặc người dân hút cát bồi lấp để cứu ruộng lúa sau mưa bão. Mặt khác, hiện nay, toàn huyện chỉ có 3 điểm mỏ cát được cấp phép tại xã Ia Khươl và Hà Tây, trong khi đó nhu cầu khai thác, sử dụng cát xây dựng ngày một gia tăng”-ông Nay Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-nhìn nhận.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Pah vẫn còn 54 vị trí điểm mỏ khoáng sản (bao gồm 30 điểm cát xây dựng, 10 điểm đá bazan xây dựng, 9 điểm đá granite, 1 điểm than bùn, 1 điểm diatomit, 3 điểm đất san lấp) chưa được cấp phép khai thác. Đa phần điểm mỏ cát ở vị trí khe suối cạn, mương nước nhỏ gần sông, có trữ lượng nhỏ. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, huyện đã đưa vào kế hoạch kiểm tra, bảo vệ khoáng sản. Ngoài những điểm mỏ trên, huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện những khu vực, điểm mỏ mới để cập nhật, đưa ngay vào theo dõi, quản lý chặt chẽ theo quy định.
Sơn Ca