(GLO)- Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, hàng năm, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) huy động các nguồn vốn để duy tu, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi và kênh mương nội đồng.
Cùng với hệ thống công trình thủy lợi hồ chứa nước Tân Sơn do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, huyện Chư Păh hiện có 12 công trình thủy lợi nhỏ và đập dâng với năng lực tưới đạt 822,5 ha. Toàn huyện có khoảng 33 km kênh mương nội đồng, trong đó có khoảng 26,67 km kênh bê tông xi măng hoặc ống thép. Riêng công trình thủy lợi làng Om (xã Đak Tơ Ve) và Đak Tơ (xã Hà Tây) có năng lực tưới dưới 10 ha không nằm trong quy định được hỗ trợ thủy lợi phí. Hệ thống công trình thủy lợi và kênh mương được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện quản lý, khai thác.
Kênh Ia Rưng II (đoạn thị trấn Phú Hòa) đã được kiên cố hóa. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho hay: Theo phân cấp, đơn vị đang quản lý, vận hành 12 công trình thủy lợi. Hàng năm, ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện đều dành một phần kinh phí để duy tu, sửa chữa hệ thống kênh mương và các công trình thủy lợi sau mùa mưa bão để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Năm 2020, huyện xuất ngân sách 110 triệu đồng sửa chữa công trình thủy lợi Ia Bơh (xã Chư Đang Ya). Năm 2021, huyện tiếp tục đầu tư 250 triệu đồng duy tu, sửa chữa hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Ia Rưng II (xã Ia Ka) và 490 triệu đồng kiên cố hóa kênh chính thủy lợi Ia Rưng I (thị trấn Phú Hòa và xã Nghĩa Hòa). Đặc biệt, huyện đã xuất ngân sách dự phòng 29 triệu đồng sửa chữa kịp thời đoạn kênh mương thủy lợi Ia Naih bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 5.
Chư Păh là một trong những địa phương còn duy trì 11 thủy nông viên ở các xã, thị trấn để kiểm tra hệ thống kênh mương và điều tiết nước. Ông Rơ Châm Gương (làng Roih, xã Ia Phí) cho biết: Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra nguồn nước, hệ thống kênh mương nội đồng, vận động bà con phát quang bụi rậm và nạo vét kênh mương trước vụ sản xuất Đông Xuân. Giai đoạn vất vả nhất là vào mùa khô khi nhu cầu nước tưới tăng cao nên dễ dẫn đến tranh chấp nguồn nước tưới. Vì vậy, mình phải điều tiết nước tưới hợp lý và đứng ra hòa giải để bà con hiểu cây trồng nào được ưu tiên tưới trước. Còn ông Nguyễn Hữu Trịnh (làng Nhiên, xã Nghĩa Hưng) thì cho hay: “Nhờ đội ngũ thủy nông viên của xã thường xuyên kiểm tra, điều tiết nước hợp lý nên hạn chế tình trạng tranh chấp nước tưới giữa cây lúa và cà phê”.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm đã ảnh hưởng đến việc tích nước tưới tiêu. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng mỗi vụ sản xuất, công tác duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi và kênh mương được huyện quan tâm và chỉ đạo sát sao. Các công trình thủy lợi được duy tu, sửa chữa trong năm nay đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng. Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền để người dân chuyển đổi cây trồng ở những chân ruộng thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác phù hợp như bắp sinh khối, rau màu các loại; vận động bà con nạo vét kênh mương nội đồng được 3 km. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra”.
NGUYỄN HỒNG