Chờ đón Giải Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo riêng của địa phương và góp phần phát triển du lịch, huyện Ia Grai (Gia Lai) sẽ lần đầu tổ chức Giải Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. 
Huyện Ia Grai là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có những giá trị văn hóa riêng và giàu tiềm năng về du lịch sinh thái. Đặc biệt, tại 3 xã khu vực biên giới của huyện là Ia Khai, Ia Krai và Ia O-nơi dòng sông Pô Cô chảy qua-từng có một loại phương tiện vận tải đặc biệt được người dân sử dụng nhiều để đi rừng, làm rẫy, đánh cá và vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho các chiến trường trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó là thuyền độc mộc-một loại thuyền được đục từ một thân cây rừng có đường kính lớn, gắn liền với huyền thoại của vùng đất này là Anh hùng A Sanh.
 Thuyền độc mộc của người dân xã Ia Khai. Ảnh: N.T
Thuyền độc mộc của người dân xã Ia Khai. Ảnh: N.T
Tuy nhiên, những năm gần đây, thuyền độc mộc đứng trước nguy cơ mai một. Người dân ít sử dụng thuyền làm phương tiện vận tải. Những người biết làm loại thuyền này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những cây rừng có đường kính lớn để đục, đẽo thuyền cũng không còn là bao.
 Theo ông Lưu Văn Biên-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai, sau khi lấy ý kiến từ các xã và ban, ngành cùng các tầng lớp nhân dân về việc sẽ tổ chức một hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao trong nhân dân và góp phần phát triển du lịch, UBND huyện thống nhất tổ chức Giải Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Theo kế hoạch, giải sẽ diễn ra vào sáng 1-5, địa điểm tổ chức là tại bãi bồi ven hồ Sê San 4 thuộc địa phận làng Dăng, xã Ia O. Ba xã khu vực biên giới là Ia Khai, Ia Krai và Ia O sẽ cử 12 đội tham gia. Cụ thể: xã Ia O có 5 đội, xã Ia Khai có 5 đội và xã Ia Krai 2 đội. Mỗi đội đua có 2 vận động viên, chiều dài chặng đua là 500 m. Trong khuôn khổ giải đua thuyền, tối 30-4 và sáng 1-5, tại nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc giải sẽ diễn ra chương trình trình diễn cồng chiêng và các tiết mục văn hóa-văn nghệ do nghệ nhân đến từ các xã trong huyện biểu diễn. 
Để Giải Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần đầu tiên diễn ra thành công và tạo ấn tượng sâu sắc với du khách, UBND huyện Ia Grai đã ban hành nhiều kế hoạch và chỉ đạo địa phương, ngành cùng vào cuộc. Đối với xã Ia O-nơi có địa điểm diễn ra giải đấu, UBND huyện chỉ đạo Đảng ủy và UBND xã vận động người dân tích cực chuẩn bị cho giải đấu; dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch-đẹp; có thái độ thân thiện nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách đến tham quan, xem đua thuyền. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai cho biết thêm: “Một số trường học, công ty và Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện đã liên lạc với mong muốn cử đội đua tham dự giải; chúng tôi sẽ trình Ban tổ chức giải quyết định. Trung tâm cũng đã thuê san ủi mặt bằng tại địa điểm diễn ra lễ khai mạc và bế mạc giải; đồng thời liên lạc với Thủy điện Sê San 4 để đảm bảo nguồn nước tại thời điểm diễn ra buổi đua thuyền”.
Là một trong 3 xã tham gia giải đua lần này, xã Ia Khai có 5 đội đua thuộc 5 làng gồm: Tung, Ếch, Dom, Krái, Nú và đội công chức UBND xã. Ông Puih Dinh-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-chia sẻ: “Sau khi gửi cho huyện danh sách các hộ có thuyền độc mộc, chúng tôi đã đến các làng vận động người dân tham gia giải. Hiện nay, các đội đang tập luyện để dự giải với mục tiêu giành được thành tích cao nhất”. 
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.