Cho đi là còn mãi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với tâm niệm “Cho đi là còn mãi”, trong đại dịch Covid-19, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực hỗ trợ những trường hợp khó khăn, ngặt nghèo. Nhiều cách giúp đỡ khác nhau nhưng tất cả đều làm sáng lên ý nghĩa nhân văn của hoạt động thiện nguyện, đó là không để ai bị bỏ lại phía sau.

 
Đại diện lãnh đạo tỉnh tiếp nhận 5 tỷ đồng của Tập đoàn FLC ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Anh
Đại diện lãnh đạo tỉnh tiếp nhận 5 tỷ đồng của Tập đoàn FLC ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Anh


Những thùng rau củ nghĩa tình

Nhỏ lẻ so với những chuyến xe chở hàng chục tấn rau củ vào TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ người dân chống dịch, nhưng những thùng rau củ, trái cây của nhóm thiện nguyện Sống Xanh (TP. Pleiku) luôn  khiến người nhận xúc động khi hàng đến tận tay, đúng địa chỉ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh-Trưởng nhóm Sống Xanh-chia sẻ: Trước đó, nhóm gửi chung nhiều bao củ quả cho những chuyến xe tiếp tế vào TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi nắm thông tin hàng không đến được với một bộ phận người dân sống vùng ven, trong hẻm nhỏ, các thành viên đã tự tay lựa chọn những loại rau củ tươi ngon nhất như bầu, bí, mướp, bắp cải, khoai lang, bơ… đóng thùng gửi đến từng địa chỉ cụ thể dù tiền cước vận tải khá đắt đỏ. Đến nay, nhóm đã gửi đi gần 20 thùng quà, mỗi thùng khoảng 20-25 kg kèm hàng trăm khẩu trang tự cắt may.

Hàng chục tấn rau củ được người dân Gia Lai huy động để chở vào TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch. Ảnh: Đức Thụy
Hàng chục tấn rau củ được người dân Gia Lai huy động để chở vào TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch. Ảnh: Đức Thụy


“Dạ em nhận được thùng hàng rồi. Xin đại diện toàn thể khu trọ cảm ơn Mạnh Thường Quân, anh chị, cô chú đã giúp tụi em trong lúc khó khăn. Tụi em chúc nhóm Sống Xanh thật nhiều sức khỏe”-đó là tin nhắn đầy cảm kích của người dân khu trọ ở hẻm 254/98/9L Âu Cơ (Phường 9, quận Tân Bình) gửi đến cả nhóm. Khu trọ này có khoảng 40 người bị cách ly, trong đó có hai bé 6 tuổi và một bé 3 tuổi. Do ở hẻm cụt, ít người biết đến và giúp đỡ nên họ rơi vào cảnh thiếu lương thực. Nhận được thông tin trên, nhóm Sống Xanh đã kịp thời gửi tặng 1 thùng hàng gồm rau củ, khẩu trang và bánh cho các cháu nhỏ.

Cũng nhận được món quà như trên, bà Nguyễn Thị Liên (304/12/12 Bùi Đình Túy, Phường 12, quận Bình Thạnh) chia thành nhiều phần chia sẻ với một số gia đình xung quanh, đồng thời hỗ trợ thêm mỗi hộ vài ký gạo. Bà Liên cho hay: “Mỗi phần quà tuy nhỏ nhưng đến đúng địa chỉ và kịp thời nên ai cũng thấy ấm áp, xúc động vì được quan tâm, chia sẻ”. Gần đây nhất, từ sự đóng góp của các thành viên, nhóm còn tặng khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai 1 thùng nhu yếu phẩm cùng 400 chiếc khẩu trang. Đặc biệt, khi biết có 27 em nhỏ đang thực hiện cách ly tại đây, nhóm còn rất tâm lý khi gửi tặng 1 thùng bánh kẹo!

“Giải cứu chổi” giúp người mù nghèo

Mấy năm qua, trong hành trình đến với nhiều hoàn cảnh kém may mắn, bà Nguyễn Thị Lan (490 Lê Đại Hành, phường Yên Thế, TP. Pleiku) không quên ghé thăm những người mù nghèo trên địa bàn TP. Pleiku. Gần đây, bà cùng một số người thân quen giúp họ bán những chiếc chổi bị tồn trong mùa dịch. Chỉ trong vòng 1 tuần, gần 550 cây chổi đã bán hết vèo.  

Chúng tôi tìm đến căn phòng trọ nhỏ bé, ẩm thấp của anh Nông Văn Bảy (quê Đak Lak, ở hẻm 245 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) vào một sáng mưa lạnh. Xuống bếp, ai cũng chùng lòng khi thấy chiếc bếp gas mi ni rỉ sét, nồi cá nục kho qua quýt dành ăn vài ngày. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Bảy cho hay, anh sang Gia Lai bán chổi dạo từ năm 2015. Hơn 2 tháng nay, anh phải “cố thủ” ở phòng trọ do lo sợ dịch Covid-19, lại thêm những cơn mưa lê thê trói chân khiến 66 cây chổi phải chất đống trong góc nhà. Khi bà Lan tìm cách bán chổi giùm, anh Bảy không giấu được nỗi vui mừng: “Được cô và các chị bán giùm chổi, mình xúc động quá”. Nói rồi, bằng giọng hát truyền cảm, anh vui vẻ hát tặng chúng tôi ca khúc “Thời thanh xuân sẽ qua” với những ca từ đẹp như chính ước mơ của mình về cuộc sống-một ước mơ được thắp lên bởi lòng nhân ái: “…Anh sẽ xây ta một căn nhà/Trước sân trồng thêm rau cà/Ở đằng sau/Mình nuôi thêm hồ cá/Em tưới hoa/Bên bờ sông nhà/Đom đóm lung linh/Màn đêm yên bình…”.

Bà Nguyễn Thị Lan (490 Lê Đại Hành, phường Yên Thế, TP. Pleiku) sẵn lòng hỗ trợ người mù nghèo bán chổi.
Bà Nguyễn Thị Lan (490 Lê Đại Hành, phường Yên Thế, TP. Pleiku) sẵn lòng hỗ trợ người mù nghèo bán chổi. Ảnh: Phương Duyên


Rời phòng trọ của anh Bảy, bà Lan tiếp tục đến trao tiền bán 87 cây chổi cho anh Lăng Văn Bền (trọ ở nhà số 47/2 Nay Der, TP. Pleiku). Chưa kể, bà còn bán giúp 364 cây chổi cho anh Nông Văn Cường (trọ ở nhà số 53/14 Nay Der). Chẳng nhìn thấy gương mặt ân nhân nhưng những người mù nghèo đã quá quen với giọng nói và sự chân tình thăm hỏi. Niềm hạnh phúc vì được sẻ chia làm rạng rỡ những gương mặt khó khổ.

Kể về lý do gắn bó với họ, bà Lan nhớ lại: Nhiều năm trước, thấy hình ảnh một người mù vác chổi mò mẫm dò đường, trong lòng bà dâng lên nỗi xúc động lạ kỳ. Bà dừng lại hỏi chuyện, mua chổi rồi từ đó tháng nào cũng không quên ghé thăm, tặng quà. Đến nay, đã có tổng cộng 12 người mù làm nghề bán chổi, bán vé số, massage bấm huyệt… được bà Lan vận động các nhóm thiện nguyện hỗ trợ mỗi người hàng tháng 10 kg gạo, 1 thùng mì tôm, nước mắm, bột ngọt… Có hôm đi phát gạo lúc quá trưa, nước mắt bà cứ rơi khi nghe một người mù kể không dám nấu cơm do nhà chỉ còn chút gạo.

Sau hành trình “giải cứu chổi” cho người mù, sáng 10-8, bà Lan còn cùng một số Mạnh Thường Quân quay lại tặng mỗi người 1 bếp gas (hoặc nồi cơm điện) cùng 500 ngàn đồng và 1 suất quà gồm mì tôm, gạo, dầu ăn… “Mình sinh ra lành lặn, cuộc sống bình yên đã là may mắn. Vì vậy, tôi muốn chia bớt sự may mắn đó cho những người khó khăn. Yêu thương lúc này sẽ làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Tất cả rồi sẽ ổn”-bà Lan tâm tình.

“Hoan hỷ giúp người không may”

Đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch còn có những người con Phố núi hiện sinh sống xa quê. Luôn hướng về nơi mình sinh ra và lớn lên bằng những tình cảm tha thiết, họ đã và đang có những hỗ trợ kịp thời cho quê hương. Anh Đỗ Quốc Trung-Giám đốc điều hành một công ty tư nhân tại tiểu bang Washington (Mỹ) chuyên sản xuất, chế tác kim hoàn là một người như thế.


Khởi tâm làm thiện nguyện khoảng 15 năm nay, anh Trung thường xuyên gửi tiền về để chung tay cùng người thân đang sinh sống tại TP. Pleiku giúp đỡ người nghèo khó, nhất là trong mùa dịch này. Mới đây, biết chuyện anh Đặng Văn Luân (23 tuổi, trú tại thôn Mỹ Phú, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) bị tai nạn giao thông ngày 3-8 khi chạy xe máy từ TP. Hồ Chí Minh về quê tránh dịch, gia đình anh Trung đã hỗ trợ 5 triệu đồng. Bà La Thị Lượm-mẹ anh Luân-cho biết: “Tay lái của Luân yếu nên khi chạy xe về đến Đak Nông thì không theo kịp cả đoàn, đêm hôm mưa gió, lại buồn ngủ nên bị ngã xe. Sau 8 ngày nằm viện, con trai tôi đã được xuất viện. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của gia đình anh Trung và các nhà hảo tâm. Luân được hỗ trợ tổng cộng 28 triệu đồng nhưng tôi chỉ giữ lại 20 triệu đồng lo viện phí, thuốc men, còn 8 triệu đồng tôi gửi lại các nhà hảo tâm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác”.
 

1 Đại diện Ủy ban MTTQ Vệt Nam tiếp nhận số tiền ủng hộ phòng-chống Covid-19 từ tập đoàn T&T Group. Ảnh Phương Duyên.jpg
 Đại diện Ủy ban MTTQ Vệt Nam tiếp nhận số tiền ủng hộ phòng-chống Covid-19 từ tập đoàn T&T Group. Ảnh: Phương Duyên
Từ ngày 1-5 đến hết 12-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận hơn 20,9 tỷ đồng do các cá nhân, đơn vị, tổ chức ủng hộ công tác phòng-chống dịch Covid-19. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã tiếp nhận gần 100 triệu đồng và 104,5 tấn lương thực, rau củ, nhu yếu phẩm (trị giá gần 1,2 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ các khu cách ly tập trung trong tỉnh cũng như người dân vùng dịch ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai.

Khoảng 5 năm trước, anh Trung còn chung tay cùng người thân mua 1 chiếc xe cấp cứu để hỗ trợ bệnh nhân nghèo bằng cách “cho mượn” xe, chỉ tính tiền xăng và công cán của tài xế. Đến nay, chiếc xe này đã thực hiện hơn 200 ca chuyển viện trong Nam, ngoài Bắc. “Nhưng mùa dịch này thì chúng tôi sẵn sàng miễn phí toàn bộ cho người dân chuyển viện”-anh Trung rộng lòng cho hay. Hai người cùng góp sức với anh trong chương trình ý nghĩa này là ông Trần Đình Phú (01 Quang Trung, TP. Pleiku)-cậu ruột và ông Nguyễn Mạnh Tường (82-83 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku)-một người bạn của gia đình. Ông Phú cho hay: “Trung rất giàu lòng nhân ái. Khi có chương trình thiện nguyện hay có trường hợp nào cần giúp đỡ, anh em, cậu cháu trong nhà góp trước, còn thiếu bao nhiêu thì Trung bao chót”.

Tới đây, nhằm chia sẻ với người nghèo, ông Phú sẽ đại diện gia đình trao 200 suất quà, mỗi suất gồm 10 kg gạo và 1 thùng mì tôm cho người nghèo ở 2 phường Hội Thương và Tây Sơn (TP. Pleiku). Chưa kể, gặp những người cơ cực, mưu sinh bằng nghề kiếm ve chai, nhặt rác, ông đều tặng mỗi người 10 kg gạo. Theo ông Phú, giá trị thiện nguyện mà gia đình thực hiện riêng trên địa bàn tỉnh từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay là khoảng 150 triệu đồng, trong đó phần lớn là đóng góp của anh Trung.

Đặc biệt, gần đây nhất, đọc được thông tin về em Trần Duy Kha, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương trong bài viết “Hãy tiếp sức cho cậu học trò vượt khó!” đăng trên báo Gia Lai, anh Trung và em gái đang sống tại TP. Hồ Chí Minh đã chuyển khoản hỗ trợ em Kha 10 triệu đồng. Trò chuyện cùng P.V, anh Trung chia sẻ thật giản dị: “Cảm ơn cha mẹ đã cho anh em chúng tôi trái tim rộng lớn để hoan hỷ giúp đỡ những người không may. Những ai cần hỗ trợ, chúng tôi luôn sẵn lòng”.

 

 PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.