Chợ đêm, nhọc nhằn những cảnh đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trời về đêm, Pleiku thường se lạnh. Khi mọi người đang ngon giấc trong những ngôi nhà ấm áp thì ở chợ đêm những cửu vạn thức trắng  gò lưng kéo từng xe hàng nặng trĩu, tất cả cũng chỉ vì bát cơm, manh áo.

Không ai biết chợ đêm ở Pleiku (Gia Lai) có tự khi nào, kể cả anh Lê Việt Thành- người có “thâm niên” 7 năm nay sống bằng nghề bốc vác ở đây. Đang ngồi chờ việc trên chiếc xe ba gác, anh cho biết: “Cứ đêm đến là tôi lại ra chợ kiếm việc làm, ai thuê gì làm nấy, trung bình mỗi tháng chi tiêu tằn tiện cũng còn hơn 1 triệu đồng gửi về cho đứa con đang học ở TP. Quy Nhơn. 7 năm qua, tôi chưa có một đêm thẳng giấc. Tôi cũng định gắng làm, kiếm được ít tiền về quê mua cái xe máy đi thồ đỡ vất vả hơn”...

Một góc chợ đêm Pleiku. Ảnh: Triệu An
Một góc chợ đêm Pleiku. Ảnh: Triệu An

Có lẽ lâu năm nhất trong nghề bốc vác và chở hàng thuê ở chợ đêm Phố núi là anh Trần Văn Chớ. Mới 32 tuổi, nhưng anh đã có 15 năm trong nghề.  Ban đầu ra phụ giúp cha mẹ, nhưng khi cha mẹ già yếu và bệnh tật... anh đã làm thay để có tiền trang trải nợ nần. Anh tâm sự: “Những đêm không mưa, tui phải làm từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng, nhưng cũng chỉ được từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng, còn mấy ngày mưa thì hẻo lắm. Đêm đi bốc vác, ngày chạy xe ôm, nhiều lúc muốn ngủ nhưng lại sợ mất khách, không có tiền nuôi cha mẹ. Làm ở chợ đêm, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và bản lĩnh. Nếu không có hai thứ đó, dễ rơi vào rượu chè, cờ bạc bê tha”.

Đêm tàn, nhưng cơn mưa chưa dứt, ngồi đếm lại những đồng tiền kiếm được trong đêm, chị Mạc Thị Thanh không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt hốc hác sau nhiều đêm mất ngủ. Đã bước qua tuổi 47 nhưng chị vẫn bám lấy nghề bốc vác. Theo chị, những người làm thuê ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt và đa số là nghèo khó. Tằn tiện và sống tạm bợ gần như đã nhiễm vào máu của họ. Bởi họ sống không phải cho mình, mà đa số là vì kiếm tiền cho con đi học, xin việc làm, cha mẹ ốm đau, nợ nần... Chị cũng vậy, đã 2 tháng nay, con chị bị bệnh, uống thuốc nợ tiền, phải cố làm để trả nợ và nuôi con...

…Khoảng 1 giờ sáng, khu chợ phía Khách sạn Tre Xanh Plaza bỗng nhốn nháo. Hỏi ra mới biết đã có hai chiếc xe chở hàng bắt đầu về chợ. Nhiều người tay đẩy xe ba gác, miệng la hét liên tục “tránh, tránh, tránh...” nhanh chóng tiếp cận “mục tiêu” và tranh giành hàng hóa để đẩy được nhiều chuyến... Tôi đi về hướng đó, định bụng chụp tấm ảnh cho bài viết. Khi tới gần, tôi thấy một chị chừng 30 tuổi đã đẩy một xe đầy bí đỏ lại cho sạp hàng, chị quay lại rồi đi đến bên hiên vắng của một ngôi nhà cạnh chợ, đứa trẻ chừng 2-3 tuổi đang ngồi khóc trong chiếc mền cũ quấn tạm. Đưa cho bé trái cà chua còn xanh, chị dỗ: “Nín đi con, mai mẹ mua cho một chiếc xe ô tô màu đỏ đẹp lắm...”. Chị tên là Tâm, từ huyện Ia Pa về đây đã hơn 3 tháng. Để tiện cho công việc, chị đã thuê nhà để ở, ngày thì đi bán vé số, đêm về ra chợ làm nghề bốc vác. Đi đâu chị cũng ẵm con đi cùng. Cúi mặt như giấu đi những giọt nước mắt buồn, chị cho biết: Lấy chồng từ năm 22 tuổi, đến nay chị có hai đứa con. Kinh tế gia đình ngày một xuống dốc do ông chồng nghiện ngập. Chị đành đưa thằng lớn đang học lớp 1 về gửi ông bà ngoại, còn đứa nhỏ chị ẵm đi cùng, cuộc sống ba mẹ con đều phụ thuộc vào sức khỏe và công việc của chị. Cũng theo chị Tâm, thời gian đầu mắt cứ nhắm nghiền lại, đi đâu, ngồi đâu cũng ngủ gà ngủ gật, sức khỏe giảm sút, đã vậy còn bị “bắt nạt”, tranh giành... Nhưng không làm thì lấy gì mà nuôi con đi học và một đứa đang theo chị... Nói rồi chị lại khóc.

Chợ đêm Pleiku đâu đó vẫn còn những thân phận nghèo khổ, những cảnh đời éo le và cả tệ nạn xã hội...

Triệu An

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.