Chim Bitta hót ở rừng Kon Ka Kinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm công tác tại Báo Gia Lai-Kon Tum (cũ) và sau này là Báo Gia Lai, tôi thường liên hệ làm việc với Liên hiệp Xí nghiệp Lâm-nông-công nghiệp Kon Hà Nừng và kết thân với anh Nguyễn Vỹ, người Quảng Ngãi, bấy giờ là Phó Tổng Giám đốc của đơn vị kinh tế này. Hai anh em thường gặp gỡ, chuyện trò.

Một lần, ngoài việc trao đổi về công việc chung của đơn vị, anh Vỹ còn hứng thú kể cho tôi nghe về những sản vật rừng ở phía Đông Trường Sơn này, đặc biệt là ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, trong đó có chuyện về chim Bitta.

Tôi còn nhớ câu chuyện anh Vỹ kể lại lần gặp gỡ đoàn nghiên cứu chim của Hoàng gia Anh. Chẳng là, được sự cho phép của Bộ Lâm nghiệp, đoàn nghiên cứu chim của Hoàng gia Anh đi tìm hiểu về các loài chim ở Tây Nguyên mà trọng điểm là vùng rừng Đông Trường Sơn ở Gia Lai. Trong đó, họ đặc biệt lưu ý đến một loài chim đã được cho là tuyệt chủng trên thế giới-chim Bitta. Trước đó, đoàn dành nhiều thời gian đến các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan… để tìm kiếm loài chim này nhưng vẫn bặt vô âm tín. Họ hy vọng sẽ tìm thấy ở các khu rừng của Gia Lai. Đoàn nghiên cứu gồm các nhà điểu học mang theo máy móc các loại, có máy thu tiếng chim Bitta để thu hút “đồng đội” và máy quay tự động cùng các công cụ đi rừng chuyên nghiệp… Họ đã đi xuyên các khu rừng Kon Ka Kinh, Kon Chư Răng để tìm hiểu, nghiên cứu các loài chim đặc hữu trong khu vực và cố gắng tìm cho ra loài chim Bitta quý hiếm trên thế giới.

Anh Vỹ kể, theo cách mà đoàn nghiên cứu mô tả thì Bitta là loài chim thuộc họ Đuôi cụt, có nhiều chi khác nhau với nhiều màu sắc trên thân nhỏ nhắn, bụng đỏ, chân vàng. Chúng hót vào buổi sáng sớm và khi hoàng hôn buông xuống. Trước đây, loài chim này thường sinh sống ở vùng Himalaya, rồi di cư nhiều nơi trên thế giới. Sau đó thì chim Bitta được đưa vào diện có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ.

Sau nhiều ngày lùng sục từ vùng đồi cao đến thung lũng ven suối nhưng đoàn nghiên cứu chim của Hoàng gia Anh vẫn chưa tìm ra bóng dáng loài chim Bitta ở Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng. Họ công nhận hệ động vật rừng đặc hữu nơi đây khá phong phú, trong đó có những loài chim quý như: khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu đầu xám. Đặc biệt, họ phát hiện một loài khướu lạ (chưa có tên), tạm gọi là khướu Kon Ka Kinh. Ngày chia tay với anh em cán bộ địa phương, họ hứa sẽ tiếp tục trở lại vùng Tây Nguyên Việt Nam để nghiên cứu và tìm cho được loài chim này.

Một thời gian sau, tôi tình cờ đọc được truyện ngắn “Chim Bit-ta vẫn hót” của nhà văn Khuất Quang Thụy. Đọc hết truyện, tôi nhận thấy các chi tiết, bối cảnh mà nhà văn mô tả mang đậm chất ký sự. Các nhân vật trong truyện, có chàng kỹ sư lâm sinh tên Dũng, người đã từng sống, chiến đấu ở chiến trường vùng Đông Trường Sơn thời chống Mỹ, được phân công đưa vợ chồng người Hà Lan: ông Vây-mơ và vợ là bà En-sơ đến Tây Nguyên Việt Nam để tìm chim Bit-ta. Tiến sĩ Vây-mơ là nhà điểu học, có nhiều công trình nghiên cứu về các loài chim trên thế giới.

Tác giả vào đề: “Hoàng hôn xuống đúng vào lúc chiếc xe du lịch của chúng tôi tới chân đèo An Khê. Nhìn thấy núi non trùng điệp như thành quách trước mặt, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ thường. Mười năm nay tôi mới lại có dịp trở lại Tây Nguyên, vùng đất đã chứng kiến biết bao buồn vui, của một thời trẻ trai, trận mạc”. Và, tác giả kết truyện bằng lời tâm sự của bà En-sơ với người chồng: “Em cần phải luôn ở bên anh. Khí hậu vùng này thật khủng khiếp, em biết rõ là phải như vậy mà. Vả lại… chim Bit-ta cũng là tình yêu của em. Ta cần phải tìm ra chúng, dẫu có phải lộn trái cả vỏ trái đất này lên. Nhưng em tin rằng, những con chim bé nhỏ ấy vẫn chờ đợi chúng ta ở đâu đó!”.

Như vậy có thể thấy, chất liệu mà nhà văn Khuất Quang Thụy đưa vào truyện của mình là câu chuyện có thật về cuộc hành trình của những nhà điểu học đi tìm chim Bitta ở Đông Trường Sơn những năm sau giải phóng như những gì anh Vỹ đã kể với tôi. Còn việc có tìm được loài chim quý hiếm này trong vùng Kon Ka Kinh, Kon Chư Răng hay không, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn luôn tin rằng, chim Bitta đã từng hót ở rừng Kon Ka Kinh hay Kon Chư Răng mỗi khi bình minh lên và hoàng hôn khuất núi.

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.