Chiêu thức "ru ngủ" nhân viên Alibaba của trùm lừa đảo Nguyễn Thái Luyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) là cái tên “nóng” nhất trên báo đài và mạng xã hội, sau khi Luyện “nhúng chàm” về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hàng nghìn người đã bị lừa đảo vì “bánh vẽ” lợi nhuận quá lớn. Trong đó có nhiều nhân viên của Luyện. Họ bị “ngủ mê” với tâm sự từ đáy lòng về cuộc đời cơ cực và nghị lực làm giàu của Luyện.
Chị P.H, nhân viên Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, bày tỏ: “Từ một người đầu tư đất, tôi đã trở thành nhân viên của công ty này. Sau đó, tôi như người bị ngủ mê bởi tin vào cuộc đời cơ cực vươn lên làm tỷ phú và triết lý làm giàu của Luyện.
Để tạo niềm tin cho các nhân viên, Luyện thường xuyên “chém gió” về cuộc đời cơ cực của mình với 6 lần bị đuổi việc và hành trình 1 năm 6 tháng không bán được hàng. Luyện còn gặp mặt nhân viên để chỉ bí quyết làm giàu có một không hai, cũng như động viên tinh thần tạo sự an tâm về tư tưởng”.
 
Ba anh em Luyện đều bị khởi tố, tạm giam
Cụ thể, “sếp” nói mình tốt nghiệp Đại học Mở TP Hồ Chí Minh năm 2010, chuyên ngành Kinh tế - Luật. Cũng như bao sinh viên mới tốt nghiệp khác, “sếp” khởi đầu với nhiều long đong. Trong sáu lần, Luyện được nhận vào làm việc tại các công ty cũng là 6 lần bị đuổi việc.
Sau khi tốt nghiệp đại học, “sếp” đầu quân cho một công ty chứng khoán nhưng phải nghỉ việc chỉ sau 3 tháng. Sau đó, Luyện xin vào làm việc ở một công ty chuyên làm dịch vụ cho người nước ngoài thuê nhà.
Với vốn tiếng Anh khá tốt, Luyện nhanh chóng bắt nhịp công việc và có ý tưởng phát triển dịch vụ cung ứng người giúp việc nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam với nguồn lao động từ Philippines. Nhận thấy đây là dịch vụ có nhiều tiềm năng phát triển, Luyện cùng một đồng nghiệp tiến hành thành lập công ty riêng.
Theo chị H, “sếp” còn kể rằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Luyện từng suy nghĩ, nếu mình có ý tưởng kinh doanh tốt thì ngân hàng sẽ tài trợ vốn.
Nhưng thực tế không như mong đợi, suốt 3 tháng trời, Luyện ròng rã đến ngân hàng thương mại ở quận 1, TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu vay vốn nhưng không ngân hàng nào đồng ý. Kiên trì tìm hiểu, cuối cùng “sếp” được ngân hàng chính sách xã hội đồng ý tài trợ vốn.
Nhưng khi ngân hàng chuẩn bị giải ngân thì người cùng hùn vốn làm ăn với “sếp” lại có kế hoạch định cư ở nước ngoài. Một mình “sếp” không thể thực hiện nên kế hoạch bị phá sản.
Thất nghiệp, “sếp” phải làm phục vụ quán cà phê và được thực khách nước ngoài “mách nước” ở Diamond Plaza đang tuyển nhân viên. Dù trong lòng nghĩ không dễ để xin vào làm việc tại một trung tâm thương mại lớn như vậy nhưng vì cảm kích lòng tốt của vị khách kia nên “sếp” vẫn nộp hồ sơ.
Qua 5 vòng phỏng vấn với 200 ứng viên, “sếp” là người duy nhất được tuyển dụng với công việc là nhân viên quản lý mặt bằng. Vào thời điểm đó, “sếp” không nghĩ đó là công việc kinh doanh bất động sản. Sau này, “sếp” mới biết đó là những kinh nghiệm bất động sản đầu tiên của mình. Năm đầu tiên kể từ khi thành lập công ty, có một thời gian nhân viên của Luyện là 40 người đúng như câu chuyện "Alibaba và 40 tên cướp". Sau đó, số lượng sale tăng dần là khoảng 2.600 nhân viên, vốn của Luyện hàng nghìn tỷ đồng. Từ đó, mọi người càng “nể” và tin tưởng Luyện hơn.
“Ngoài ra, H. cũng mê vào “bánh vẽ” lợi nhuận của công ty này. H làm việc nông nhàn mà còn có mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. H. và nhiều nhân viên khác còn được công ty “ưu ái” cho mua các suất nội bộ, mà khi bán sang tay cho người khác có thể lãi hàng trăm triệu đồng. Do vậy, H. đã kêu gọi nhiều người thân cùng đầu tư vốn vào Công ty Alibaba.
Đến khi Luyện bị cơ quan Công an “sờ gáy” thì H. đã bị người thân ruồng bỏ, chửi bới xúc phạm vì nghi lừa đảo. Lý do mà H. vẫn phải “gồng mình” cùng Công ty Alibaba vì không muốn mất số tiền hơn 400 triệu đồng tích góp suốt nhiều năm đã đầu tư vào công ty này”, chị H. bức xúc.
Cùng chung tâm trạng với chị H, chị N.T.Y (nhân viên Công ty Alibaba), cho biết thêm: “Em mến Luyện vì cách sống chân thực, không ngại dọn dẹp bồn cầu vệ sinh, nhặt rác để lấy lòng nhân viên. Trước khi công ty đóng cửa, em được lãnh đạo gọi đến công ty để giải thích, khuyên nhủ các khách hàng.
Giải thích, trấn an khách hàng để họ hiểu rõ tình hình hoạt động của công ty sau biến cố. Sau khi vụ 3 anh em Luyện bị bắt, em mới hoàn toàn thức tỉnh bởi chiêu trò huy động vốn, lừa đảo đa cấp của Luyện.
Khách hàng giờ đã đến cơ quan Công an tố cáo sự việc. Họ cũng yêu cầu em phải giải thích và đòi lại hơn 500 triệu đồng đã đầu tư vào công ty, nhưng thực tế em cũng hoàn toàn bất lực”.
Chị Y, chua xót: “Nói thật, em vừa là khách hàng cũng vừa là nhân viên. Bởi lẽ, phần lớn chúng em được mua suất nội bộ với giá rẻ hơn vài triệu đồng vừa hùn vốn với khách hàng đầu tư. Em có 3 khách hàng với 15 lô đất (mỗi lô đầu tư hơn 300 triệu đồng).
Sau khi thất nghiệp, em sang bán hàng cho một công ty khác ở Bình Dương và chỉ được nhận tiền hoa hồng, mà không được nhận lương hậu hĩnh với mức hơn 7 triệu đồng của Công ty Alibaba.
Nghĩ lại, thủ đoạn của sếp Luyện quá tinh vi. Số tiền này không thấm thía so với hàng trăm triệu đồng mình đã góp vào công ty xem như mất trắng. Hiện, em vẫn còn thiếu nợ hơn 200 triệu đồng của người thân, bạn bè mà không biết xoay sở thể nào. Họ vừa chửi bới vừa xúc phạm khiến em không thể làm việc được. Em cũng tính tìm đến vay nóng tín dụng đen với lãi suất cao nhưng sợ con mình cũng bị chúng đe dọa”. 
Một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Bộ Công an, cho biết: Luyện chỉ đạo đồng bọn tự “vẽ” các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó. Đáng buồn, rất nhiều nhân viên cũng không nắm được quy định của pháp luật, nên có thể trở thành “nạn nhân” của Luyện, vì chiêu lừa đảo đa cấp tinh vi này. 
Đến nay, Công an làm rõ, địa ốc Alibaba có 40 dự án “ma” ở nhiều tỉnh thành. Thực tế, Alibaba không có sản phẩm đất nền như quảng cáo, như hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Và tính đến ngày 30/6/2019, địa ốc Alibaba và các công ty trực thuộc đã ký hợp đồng với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt số tiền 2.500 tỷ đồng.
Dân trí (Theo Đức Mừng/Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm