Chiếc tủ "Chia sẻ yêu thương"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với thông điệp “Ai cần mời lấy-Ai dư mang cho”, thời gian qua, chiếc tủ “Chia sẻ yêu thương” đặt trước nhà số 326 Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) đã đem đến niềm vui cho những người khốn khó.
Sáng nào, bà Cao Thị Mỹ Dung cũng dành một khoảng thời gian nhất định để chăm chút cho chiếc tủ nhỏ. Những bộ quần áo cũ sau khi giặt hấp thơm tho được bà cẩn thận treo lên móc hoặc xếp vào tủ cho thật gọn gàng để chờ người cần đến nhận. Ngoài trang phục, chiếc tủ của bà Dung đôi khi còn có thêm cả giày, dép, mũ, chăn, màn… do các Mạnh Thường Quân ủng hộ.
Tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, bà Dung không khỏi trăn trở. “Gia đình tôi có nhiều món đồ không dùng tới, bỏ đó thấy rất lãng phí. Tôi mới chợt nghĩ, biết đâu mình không cần nữa nhưng với người khác chúng lại hữu ích? Tại sao mình không chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc trong cộng đồng? Thế là tôi mang cây sào inox ra vỉa hè trước nhà và treo những món đồ cũ lên, đồng thời in thêm tấm băng rôn đặt bên cạnh với dòng chữ “Áo quần miễn phí: Ai cần mời lấy-Ai dư mang cho”. Chỉ sau nửa ngày đã có nhiều người đến xem và chọn cho mình vài bộ đồ phù hợp. Họ chủ yếu là lao động nghèo, buôn bán vé số hoặc đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng ven đô. Nhìn thấy nụ cười nở trên môi họ lúc thử đồ, lòng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng”-bà Dung chia sẻ.
Bà Cao Thị Mỹ Dung cẩn thận treo quần áo vào tủ để mọi người dễ chọn lựa. Ảnh: M.T
Bà Cao Thị Mỹ Dung cẩn thận treo quần áo vào tủ để mọi người dễ chọn lựa. Ảnh: M.T
Sau ngày hôm ấy, bà Dung tiếp tục vận động người thân, bạn bè để duy trì mô hình; đồng thời đăng tải thông tin trên mạng xã hội nhằm lan tỏa thông điệp sẻ chia yêu thương một cách rộng rãi hơn. Cũng nhờ cách làm này, lượng hàng hóa chuyển đến tay bà ngày càng dồi dào, số đối tượng được giúp đỡ không ngừng tăng lên. Mỗi tuần, có hàng chục người lao động nghèo tìm đến đây để lựa chọn những bộ quần áo, giày dép về sử dụng. Tuy là hàng miễn phí song mọi thứ luôn được bà Dung chọn lựa kỹ càng. Tất cả đều còn sử dụng tốt, thậm chí nhiều mặt hàng còn mới 100%. Thời điểm hàng tập kết về nhiều, bà Dung tiến hành phân loại rồi đóng bao chuyển xuống các thôn, làng, trường học ở vùng khó.
Chị Vũ Thị Mùi-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho hay: “Việc làm của chị Dung tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Vì thế, tôi thường xuyên theo dõi và đồng hành cùng chị. Vừa qua, chị còn giúp các em học sinh khó khăn ở trường tôi có thêm quần áo để tới lớp. Tấm lòng của chị rất đáng trân quý”.
Còn với chị Trần Thị Xuân (thôn 3, xã Biển Hồ, TP. Pleiku), kể từ khi chiếc tủ “Chia sẻ yêu thương” ra đời, các thành viên trong gia đình chị đã có nhiều đồ đẹp để mặc, thay cho những bộ quần áo sờn cũ lâu năm. “Chúng tôi bán vé số để trang trải cuộc sống qua ngày nên việc mua trang phục mới trở nên quá xa xỉ. Khi có tủ quần áo miễn phí này, tôi rất vui. Lâu lâu đi bán ngang qua, tôi ghé vào lựa cho gia đình, mẫu nào không vừa sẽ để lại cho người khác. Tôi rất biết ơn và cảm động trước tình cảm mà mọi người dành cho những người lao động nghèo như mình”-chị Xuân bày tỏ.
Các em học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (huyện Ia Grai) phấn khởi khi nhận được những bộ đồ do bà Dung và các Mạnh Thường Quân gửi tặng. Ảnh: M.T
Các em học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (huyện Ia Grai) phấn khởi khi nhận được những bộ đồ do bà Dung và các Mạnh Thường Quân gửi tặng. Ảnh: M.T
Mô hình của bà Dung không những là địa chỉ nhân đạo của người nghèo mà còn là nơi khơi dậy, kết nối những tấm lòng thiện nguyện. Trường hợp của anh Võ Văn Công (hẻm 466 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) là một điển hình. Cũng như bà Dung, anh Công từng ấp ủ ý định sẽ đặt những chiếc tủ đồ cho-nhận miễn phí trên địa bàn để giúp những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Thế nhưng, vì chưa tìm được địa điểm nên tâm nguyện của anh vẫn chưa thể thực hiện. Bởi vậy, khi biết đến việc làm của bà Dung, anh Công đã không ngần ngại tìm đến và đề xuất hỗ trợ 1 chiếc tủ đồ.
“Từ năm 2015, tôi đã đứng ra làm cầu nối để mọi người quyên góp quần áo, đồ dùng dành tặng người nghèo, nhất là trẻ em ở vùng cao Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên. Trò chuyện với chị Dung, chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung. Theo đó, chị chấp thuận cho tôi tài trợ tủ đựng và quần áo cũ với vai trò là thành viên của Coson Charity. Đây là một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội và cũng đã phát triển hiệu quả mô hình tủ Chia sẻ yêu thương” này tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó góp phần hỗ trợ nhiều mảnh đời còn khó khổ”-anh Công cho biết.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gia cảnh éo le của em Rah Lan Thư

Gia cảnh éo le của em Rah Lan Thư

(GLO)- Bố bị hoại tử xương đùi nhưng phải dừng việc điều trị để dành tiền cho con gái Rah Lan Thư chữa căn bệnh hiểm nghèo Lupus ban đỏ. Tình cảnh éo le của gia đình em đang rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Tặng 250 suất quà cho người nghèo, khó khăn xã Trang

Tặng 250 suất quà cho người nghèo, khó khăn xã Trang

(GLO)- Ngày 9-3, Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Đoa phối hợp với Đoàn từ thiện Chùa Vạn Thông (TP.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và UBND xã Trang tổ chức chương trình tặng quà cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tại địa phương.

Tặng 800 suất quà cho hộ nghèo, người khuyết tật các huyện Ia Pa, Chư Prông, Ia Grai và Chư Păh

Tặng 800 suất quà cho hộ nghèo, người khuyết tật các huyện Ia Pa, Chư Prông, Ia Grai và Chư Păh

(GLO)- Trong 2 ngày (ngày 6 và 7-3), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, Hội Chữ thập đỏ các huyện: Ia Pa, Chư Prông, Ia Grai và Chư Păh phối hợp với Đoàn từ thiện Phước Huệ (TP. Hồ Chí Minh) cùng chính quyền địa phương tổ chức tặng quà cho hộ nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật.

Anh Lê Văn Bài được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: Đ.Y

Lê Văn Bài, gương sáng hiến máu cứu người

(GLO)- Từ năm 2008 đến nay, anh Lê Văn Bài-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Pết (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã 25 lần hiến máu tình nguyện (HMTN). Năm 2024, anh được tôn vinh là 1 trong 17 người hiến máu tiêu biểu toàn tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

(GLO)- Sau hơn 5 tháng hoạt động, mô hình “Thu gom phế liệu làm từ thiện” do 8 hội viên phụ nữ ở tổ 4 (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) triển khai đã trao 23 phần quà cho các hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trên địa bàn.