Chỉ trong vài ngày, cán bộ hải quan nhận hối lộ gần 1 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lợi dụng nhiệm vụ ở đội Kiểm soát hải quan, Duy ép buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để hàng hóa không bị kiểm tra. Chỉ trong vài ngày Duy đi nước ngoài không kịp cất giấu, cơ quan chức năng phát hiện các doanh nghiệp đã nhét 64 phong bì trị giá gần 1 tỷ đồng vào nhà Duy.

Doanh nghiệp không chi tiền, lập tức sẽ có lệnh kiểm tra

Ngày 3-8, thông tin từ TAND TP. Hồ Chí Minh cho biết cơ quan này đã hoàn tất hồ sơ chuẩn bị xét xử bị can Nguyễn Trường Duy (sinh năm 1968, nguyên công chức đội Kiểm soát hải quan - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) về tội nhận hối lộ.


 

Vắng nhà có mấy ngày mà số tiền doanh nghiệp hối lộ Duy không kịp cất giấu lên đến gần 1 tỷ đồng
Vắng nhà có mấy ngày mà số tiền doanh nghiệp hối lộ Duy không kịp cất giấu lên đến gần 1 tỷ đồng



Theo cáo trạng, ngày 19-9-2014, Duy được phân công về đội Kiểm soát hải quan. Từ đó, lợi dụng nhiệm vụ được giao là kiểm tra các container hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp trước khi thông quan, Duy đã liên hệ, dọa dẫm, gợi ý, ép buộc các chủ doanh nghiệp và người làm dịch vụ hải quan phải thỏa thuận chi tiền để hàng hóa được hanh thông, không bị kiểm tra.

Do quá bức xúc trước hành vi trắng trợn của vị công chức, một số doanh nghiệp đã quyết vạch trần bộ mặt thật của Duy. Các nội dung tố cáo nêu rõ, tháng 9-2015, khi làm thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái, Duy đã trực tiếp gặp và yêu cầu ông V.V.D phải chi ngoài 500 ngàn đồng/container hàng hóa loại 20 feet; 1 triệu đồng/container hàng hóa loại 40 feet.

Nếu các doanh nghiệp không chi số tiền này, lập tức sẽ có lệnh kiểm tra, mặc dù Duy biết số hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật.

Tuy biết hành vi của Duy đã gây khó khăn cho mình, nhưng các doanh nghiệp vì muốn kinh doanh thuận tiện, hàng hóa về đúng thời gian, nên đã miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu.

Từ những thông tin tố cáo, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ. Ngày 29-9-2015, khi ông này vừa làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất sau chuyến đi Trung Quốc thì bị cục An ninh tiền tệ (A84) thực hiện lệnh bắt khẩn cấp. Sau đó, lực lượng công vụ đã đưa Duy về nhà riêng để thực hiện khám xét đã thu giữ được 64 phong bì và giấy gói tiền chứa tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền hối lộ của các doanh nghiệp trong vài ngày Duy vắng nhà.

Qua xác minh, 40 phong bì, giấy gói tiền với tổng giá trị hơn 541 triệu đồng là tiền mà Duy đã nhận hối lộ của 50 doanh nghiệp và người làm nhiệm vụ khai báo Hải quan. Còn lại 24 phong bì và giấy gói tiền, với tổng số tiền hơn 422 triệu đồng không xác định được danh tính doanh nghiệp, cá nhân đã đưa tiền cho Duy.

Cục hải quan TP. Hồ Chí Minh thiếu trách nhiệm

Theo nhận định của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để xảy ra vụ án, ngoài nguyên nhân do động cơ vụ lợi của Duy, còn có nguyên nhân về trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra giám sát thực thi pháp luật của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và đội Kiểm soát hải quan, nhất là công tác phối hợp kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp và công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Đáng chú ý, đa số hồ sơ vụ việc đã phối hợp kiểm tra không phản ánh đầy đủ quy trình phối hợp, không nêu rõ thông tin nghi vấn làm căn cứ để ra quyết định phối hợp kiểm tra... Qua đó cho thấy hiệu quả phối hợp phát hiện vi phạm để xử lý giữa đội Kiểm soát hải quan với các chi cục thông qua phiếu phối hợp công tác không cao, việc ban hành và thực hiện phiếu phối hợp công tác thiếu căn cứ, đội Kiểm soát hải quan có biểu hiện lạm dụng việc ban hành và thực hiện phiếu phối hợp công tác để phối hợp kiểm tra thực tế hàng hóa của các doanh nghiệp không đúng quy định của ngành. Việc làm trên của đội Kiểm soát hải quan đã vi phạm quy định hoạt động điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan, đã cản trở hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật nhưng vẫn bị phối hợp kiểm tra.

Đây là điều kiện để Duy lợi dụng, nhận hối lộ của doanh nghiệp và người làm dịch vụ hải quan cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã không phát hiện, kiểm tra, chấn chỉnh khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, Duy còn là bị can trong một vụ án buôn lậu phức tạp khác. Do đó, cơ quan công an đã quyết định tách vụ án buôn lậu ra khỏi vụ án này để điều tra, làm rõ sau.

Xuân Duy (Dantri)

Có thể bạn quan tâm

Công an công bố 21 trang web, 7 tài khoản ngân hàng trong đường dây lừa đảo Phó Đức Nam - Mr Pips

Công an công bố 21 trang web, 7 tài khoản ngân hàng trong đường dây lừa đảo Phó Đức Nam - Mr Pips

Công an TP Hà Nội thông tin về 21 trang web, 7 số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng trong đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam - Mr Pips cầm đầu sử dụng. Cơ quan điều tra đề nghị những người bị dụ dỗ đầu tư vào các tài khoản và trang web này liên hệ để phối hợp giải quyết.

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.