Cây cà phê bén đất Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đón đầu nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo, gần 4 năm trước, người dân xã Ayun (huyện Chư Sê) đã đưa những cây cà phê đầu tiên về trồng trên vùng đất pha cát cằn cỗi. Đến nay, diện tích cà phê ở Ayun không ngừng tăng, góp phần đưa cuộc sống người dân nơi đây ngày một khởi sắc.

“Luồng gió mới” trên vùng đất khó

Đến nay, người dân địa phương vẫn luôn nhắc nhớ chuyện anh Đinh Vun (làng Keo) tiên phong đưa cây cà phê về trồng trên đất lúa rẫy kém hiệu quả và vận động dân làng làm theo.

Trước đây, xã Ayun thiếu nguồn nước tưới nên người dân chỉ trồng mì, bắp và lúa rẫy. Do vậy, người dân thường xuyên phải đối mặt với cái đói vào thời điểm giáp hạt. Chứng kiến sự nghèo khó của người dân trong làng, anh Đinh Vun trằn trọc suy tính tìm hướng đi để giúp bà con thoát nghèo. Rồi anh nhận ra rằng, xã được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo, hệ thống kênh dẫn nước lại đi qua khu sản xuất của người dân trong làng thì cớ sao mình lại không thể trồng cà phê. Tháng 10-2019, anh gom hết vốn liếng để đầu tư trồng 600 cây cà phê.

“Cây cà phê trước khi trồng phải làm đất, đào hố. Việc chăm sóc sau này cũng phải đúng kỹ thuật. Trước đây, tôi làm thuê cho một số hộ trồng cà phê ở xã Kông Htok (huyện Chư Sê) nên cũng đã tích lũy được kinh nghiệm. Ngoài ra, để có nguồn nước tưới cho cà phê, tôi đầu tư lắp đặt hệ thống béc và lấy nước từ kênh thủy lợi về”-anh Vun chia sẻ.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và có nguồn nước tưới ổn định, vườn cà phê của gia đình anh Đinh Vun (làng Keo, xã Ayun) cho năng suất cao. Ảnh: P.N

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và có nguồn nước tưới ổn định, vườn cà phê của gia đình anh Đinh Vun (làng Keo, xã Ayun) cho năng suất cao. Ảnh: P.N

Cũng theo anh Vun, khi gia đình đưa cây cà phê về trồng, bà con trong làng ra đứng nhìn và xì xầm bàn tán. Họ không tin cây cà phê sẽ sống được trên vùng đất cằn cỗi này. Để chứng minh cho dân làng thấy hướng đi của mình là đúng, hàng ngày, anh chăm chút cho từng gốc cà phê. Nhờ có nguồn nước tưới ổn định, cộng với nguồn phân bò sẵn có để bón nên vườn cây phát triển xanh tốt.

Thấy được hiệu quả từ nguồn nước công trình thủy lợi Plei Keo, năm 2020, anh tiếp tục đầu tư trồng 200 trụ hồ tiêu. Từ khi trồng đến nay, anh chưa phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh lần nào nhưng vườn hồ tiêu vẫn phát triển xanh tốt. Năm 2023, 200 trụ hồ tiêu cho thu gần 90 kg. Trong khi đó, vườn cà phê thu được 1,6 tấn nhân. Từ 2 loại cây trồng này, gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Thấy được hiệu quả từ việc trồng cây cà phê của gia đình anh Vun, nhiều người dân trong làng cũng bắt đầu học hỏi, làm theo. Anh bỏ công hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con.

Anh Đinh Vít (làng Keo) cho hay: “Nhờ anh Vun hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, vườn cà phê của gia đình tôi phát triển xanh tốt. Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu về hơn 80 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng bắp và mì”. Thấy được hiệu quả từ việc trồng cà phê, năm 2024, anh Vít tiếp tục đầu tư trồng thêm 450 cây nữa để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Việc mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cà phê trên vùng đất Ayun của gia đình anh Vun được xem là hướng đi mới, phù hợp để người dân địa phương nhân rộng mô hình trên địa bàn. Đến nay, 16 hộ dân trong làng đã trồng được gần 7 ha cà phê.

Ông Đinh Nghôch bày tỏ: “Tháng 5-2024, tôi mua 500 cây giống về trồng. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật do anh Vun hướng dẫn nên vườn cà phê phát triển tốt. Hy vọng khi cà phê cho thu hoạch, đời sống gia đình sẽ bớt khó khăn”.

Còn ông Đinh Hnem-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun thì khẳng định: “Làng Keo hiện có 176 hộ với 760 khẩu. Năm 2023, làng có 25 hộ nghèo, chiếm hơn 14%. Mô hình trồng cà phê của anh Đinh Vun rất hiệu quả. Vì vậy, Hội Nông dân xã đang khảo sát chất đất ở làng Keo để vận động người dân trồng cà phê trên những diện tích phù hợp, góp phần cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.

Ông Đinh Hnem (ngoài cùng bên trái)-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun trao đổi với người dân làng Keo về cách trồng và chăm sóc cây cà phê. Ảnh: P.N

Ông Đinh Hnem (ngoài cùng bên trái)-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun trao đổi với người dân làng Keo về cách trồng và chăm sóc cây cà phê. Ảnh: P.N

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun-cho hay: Từ khi có công trình thủy lợi Plei Keo, Đảng ủy, UBND xã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng nguồn nước từ công trình để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cùng với đó, huyện cũng đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước 2 vụ cho người dân. Nhờ đó, đến nay, người dân trên địa bàn đã chuyển đổi hơn 300 ha lúa 1 vụ thường xuyên bị hạn sang sản xuất lúa 2 vụ. Năng suất, sản lượng lúa vượt trội so với trước đây, đời sống của bà con ổn định hơn.

“Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực tưới từ công trình thủy lợi Plei Keo. Ngoài ra, xã cũng mời các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đến khảo sát và liên kết với người dân trồng cà phê, hoa hòe, cây thuốc lá, cây dâu tằm…

Quyết tâm của xã là biến vùng đất khô cằn trước đây thành những cánh đồng xanh tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, sớm đưa Ayun thoát nghèo”-ông Hợp nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.