Sức sống mới ở vùng Đông sông Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từ khi triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, phụ nữ DTTS các xã phía Đông sông Ayun (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã vượt qua rào cản, định kiến về giới để vươn lên khẳng định mình.

Nguồn sáng mới

Ông Blưk (già làng Roh, xã Lơ Pang) đi dọc tuyến đường liên thôn ngắm nghía công trình “Thắp sáng đường quê” với vẻ hài lòng. Công trình gồm 20 bóng đèn điện vừa hoàn thành từ sự đóng góp của hội viên phụ nữ làng Roh.

Vị già làng 55 năm tuổi Đảng cho hay: “Đây là sự đổi thay rất lớn trong nếp nghĩ, cách làm của bà con Bahnar nơi này. Đời sống còn nhiều khó khăn nên trước đây, nhiều người vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Nhưng nay suy nghĩ đó đã dần thay đổi. Chị em phụ nữ tự đóng góp làm công trình “Thắp sáng đường quê” để việc đi lại vào ban đêm an toàn hơn”.

Công trình thắp sáng đường quê của phụ nữ làng Roh, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang. Ảnh: M.C

Công trình thắp sáng đường quê của phụ nữ làng Roh, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang. Ảnh: M.C

Già làng Blưk cũng là thành viên Tổ truyền thông cộng đồng-một mô hình hoạt động thuộc Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Ông cho rằng: Đây là mô hình làm thay đổi suy nghĩ của chị em phụ nữ người DTTS theo hướng tích cực, xóa bỏ tập tục lạc hậu, phát huy vai trò của phụ nữ.

Là 1 trong 20 hội viên phụ nữ tự nguyện đóng góp kinh phí cho công trình “Thắp sáng đường quê”, chị Neng bày tỏ: “Được những người uy tín trong làng tuyên truyền, vận động, mình thấy việc thắp sáng đường làng rất hợp lý, không chỉ giúp việc đi lại của mọi người được an toàn mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Các thành viên tham gia mô hình tự mua bóng đèn và dây để kéo điện từ nhà ra đến trụ gỗ sát đường. Mình rất vui vì đã đóng góp chút ít cho cộng đồng”.

Không dừng lại ở đó, chị Neng còn tham gia Câu lạc bộ xoang làng Roh. “Mình sinh ra lớn lên ở làng, rất tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc. Nhưng cũng có một số hủ tục đến nay vẫn chưa xóa bỏ được, nhiều đám cưới, đám tang còn kéo dài ngày, gây tốn kém. Có trường hợp sau đám cưới, các bạn trẻ trả mãi không hết nợ. Mình hy vọng những hủ tục này sớm được xóa bỏ thông qua công tác truyền thông cộng đồng”-chị Neng tâm sự.

Chị Lê Thị Toàn-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lơ Pang-cho biết: “Sau 3 năm triển khai, Dự án 8 đã tác động rất lớn đến đời sống của hội viên phụ nữ lẫn nam giới. Phụ nữ Bahnar không còn nhút nhát, thiếu tự tin như trước đây mà mạnh dạn tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhờ đó mà suy nghĩ cũng cởi mở hơn, đón nhận những thứ mới mẻ hơn. Từ đó cũng gieo mầm những khát vọng lớn hơn trong cuộc sống”.

Trao cơ hội phát triển

Đê Ar là một trong những xã của huyện Mang Yang hưởng lợi từ Dự án 8. Hiện nay, đời sống của nhiều phụ nữ DTTS có nhiều khởi sắc. Chị Dêt (làng Đê Ktu) kể: “Phụ nữ Bahnar trước đây thường sinh con tại nhà. Hồi nhỏ, mình nghe chuyện có người sinh con khó. Khi chuẩn bị làm mẹ, mình khá lo lắng. Nhưng thông qua các hoạt động truyền thông của phụ nữ, nhất là từ khi có Dự án 8 được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, chị em phụ nữ trong làng đã nâng cao nhận thức, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn. Những người có hoàn cảnh khó khăn còn được nhận hỗ trợ khi sinh con tại cơ sở y tế”.

Chị Dêt (thứ 2 từ trái sang, làng Đê Ktu, xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cho biết, Dự án 8 tác động tới nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số về làm mẹ an toàn. Ảnh: M.C

Chị Dêt (thứ 2 từ trái sang, làng Đê Ktu, xã Đê Ar, huyện Mang Yang) cho biết, Dự án 8 tác động tới nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số về làm mẹ an toàn. Ảnh: M.C

Bà Phạm Thị Bẩy-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mang Yang: “Dự án 8 được triển khai tại 10 xã với 43 thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Thành công bước đầu của dự án chính là việc xóa bỏ những rào cản, định kiến giới, thu hút đông đảo nam giới tham gia các mô hình để thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS”.

“Thủ lĩnh” phong trào phụ nữ của xã Đê Ar là chị Mru. Là người Bahnar nên chị hiểu rõ phong tục, tập quán cùng những rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ, trong đó có những quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng.

Chị Mru cho biết: Sau 3 năm triển khai, Dự án 8 đã giúp hội viên phụ nữ thay đổi nhận thức rõ rệt. Các mô hình đặc thù như: tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy… thu hút thành viên không chỉ phụ nữ mà còn có trưởng thôn, già làng, người uy tín. Sự nhận thức hành động từ cả 2 giới đã thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng DTTS, tạo cơ hội cho phụ nữ vươn lên.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đê Ar nhìn nhận: “Bà con DTTS đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống thường ngày. Nam giới đã tham gia làm việc nhà, chăm sóc con cái. Nạn nhân bị bạo lực gia đình đã biết tìm đến địa chỉ an toàn. Từ gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn tại cơ sở y tế và chăm sóc trẻ em, nhiều trường hợp sinh đẻ an toàn, từ đó giảm tỷ lệ sinh con tại nhà. Cùng nhiều sự tác động to lớn, Dự án 8 đã mang đến sức sống mới cho đời sống phụ nữ DTTS, nhất là những địa bàn khó khăn như Đê Ar”.

Có thể bạn quan tâm

Trải nghiệm với Hà Đông

Trải nghiệm với Hà Đông

(GLO)- Tôi là người thích lãng du, tìm đến những vùng đất mới, được gặp những người dân hồn hậu, mến thương. Lần này, tôi về thăm lại Hà Đông (huyện Đak Đoa tỉnh Gia Lai) vào một ngày nắng, vùng đất ngỡ quen mà thấy bao điều mới lạ.
Chư Pưh tập huấn kỹ năng điều hành cho 6 Tổ truyền thông cộng đồng

Chư Pưh tập huấn kỹ năng điều hành cho 6 Tổ truyền thông cộng đồng

(GLO)- Ngày 13-9, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) tổ chức tập huấn kỹ năng điều hành cho các Tổ truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai

Khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 9-9, tại phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai.