Cậu bé tật nguyền giàu nghị lực ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh ra đã chịu cảnh tật nguyền nhưng cậu bé Đức (SN 2009, trú tại làng Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống và theo đuổi đam mê của mình.

Em Đức có niềm đam mê với bóng đá. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Em Đức có niềm đam mê với bóng đá. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Sân bóng mi ni Hai Hòa (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) ngày cuối tuần rộn ràng bởi tiếng nô đùa của lũ trẻ quanh vùng. Giữa hàng chục đứa trẻ đang đuổi theo trái bóng có một cậu bé người Jrai vô cùng đặc biệt. Đó là Đức. Từ khi sinh ra, Đức đã không có đôi tay và 1 chân. Phần xương tay của Đức chỉ kéo dài đến khuỷu tay còn phần chân trái cũng chỉ kéo dài đến đầu gối.

Bà Khước vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc ngắm nhìn cậu con trai vừa lọt lòng. Lúc ấy, bà đã ngất xỉu khiến mọi người hoảng hốt. Tất cả đều sững sờ bởi thân hình khiếm khuyết của đứa bé.

Đức là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Người anh cả của Đức bị câm điếc bẩm sinh, 2 anh chị kế sinh đôi may mắn lành lặn, đến lượt Đức thì bi kịch lại ập đến. Khi Đức vừa tròn 1 tháng tuổi thì cha đã bỏ đi biệt tích.

Từ đó, bà Khước ở vậy nuôi con. Để kiếm tiền lo cho gia đình với 5 miệng ăn, bà Khước làm tất cả mọi việc từ làm cỏ cà phê, gặt lúa, phục vụ nhà hàng hay thậm chí đi… nhặt phân bò. 2 đứa con sinh đôi lành lặn, khỏe mạnh vì nhà nghèo nên đành sớm nghỉ học.

Lao động lam lũ nhưng cũng chẳng đủ ăn, bà Khước may mắn có sự đỡ đần, san sẻ phần nào của những người thân trong gia đình để vượt qua khoảng thời gian sóng gió. Một số nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh biết hoàn cảnh của gia đình đã liên hệ để xin nhận nuôi Đức nhưng bà Khước từ chối vì không nỡ xa con. Bà muốn mình sẽ đồng hành cùng con trên chặng đường gian khó phía trước.

Bà Khước đã quyết tâm nuôi nấng cậu con trai dù trải qua bao vất vả. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Bà Khước quyết tâm nuôi nấng cậu con trai dù trải qua bao vất vả. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Khi các bạn cùng trang lứa đến tuổi cắp sách đến trường, Đức cũng nài nỉ mẹ được đi học. Bà Khước đã từng tới một số nơi xin cho con được đi học nhưng bị từ chối vì lo ngại Đức sẽ không theo kịp. Không chùn bước, Đức vẫn xin mẹ mua bút, mua vở để tập viết bằng những ngón chân. Sau khoảng thời gian vật lộn với chiếc bút, cậu đã có thể viết những nét chữ nguệch ngoạc bằng ngón chân của mình.

Không những vậy, Đức còn có đam mê bất tận với trái bóng tròn. Chiều chiều, cậu lại ra sân bóng quần thảo với lũ trẻ làng đến khi trời nhá nhem, áo quần lấm lem đất mới trở về nhà. “Em thích Ronaldo, em muốn mình chạy và sút được như anh ấy”-Đức hồ hởi chia sẻ.

Bà Khước giãi bày, vì đam mê bóng đá mà nhiều lần cậu ngỏ ý mẹ mua cho 1 chiếc giày bên phải để giống lũ bạn. Tuy nhiên, bà vẫn chưa có điều kiện và cũng bởi không ai bán giày chỉ 1 chiếc cả… Nhà nghèo, Đức cũng chỉ dám nhìn chúng bạn xúng xính trong bộ quần áo thể thao với ánh mắt đầy ao ước.

Bị khiếm khuyết tay chân, nhưng Đức vẫn chứng tỏ một khả năng đi bóng và dứt điểm không hề thua kém các bạn. Anh Phan Đức Vinh-quản lý sân bóng mi ni Hai Hòa-chia sẻ: “Nhìn thấy Đức đá bóng ai cũng ngỡ ngàng không tin được vì em có thể chơi được như vậy. Có người tặng cho em những bộ quần áo đá bóng, em thích lắm. Tôi đang mở lớp bóng đá cộng đồng cho các em nhỏ trong vùng. Tôi cũng đã nói với mẹ của Đức về việc đưa em đến lớp học. Chúng tôi sẽ dạy miễn phí để Đức được chơi bóng, hòa nhập vui vẻ với các bạn và sẽ bớt mặc cảm, tự ti về mình”.

Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ em Đức xin liên hệ bà Khước theo địa chỉ làng Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku hoặc gửi về Báo Gia Lai, số 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu, số ĐT: 0943064095).

LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cẩn thận đóng hũ từng suất ăn sáng trước khi phát cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

“Bữa sáng yêu thương” ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa

(GLO)- 7 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (Phòng Điều dưỡng-Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã nấu hàng ngàn suất ăn sáng cho bệnh nhân nghèo với mong muốn tiếp thêm động lực để người bệnh vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.