Hai năm kể từ ngày khởi công, công trình "Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa" trên đảo Lý Sơn hướng về phía Hoàng Sa với dòng chữ "Hẹn gặp lại Hoàng Sa", nằm trong chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa" vẫn còn ở giai đoạn khởi công.
"Đó là một trong những việc tôi dành nhiều tâm huyết nhất khi làm việc ở Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Khi nghỉ hưu, tôi đã ghi vào biên bản bàn giao với người kế nhiệm: "Phải cố gắng hoàn thành công trình".
Nâng niu những chiếc bình đựng cát Hoàng Sa đổ vào chân viên đá đầu tiên tại lễ khởi công “Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa” ngày 17-1-2016. |
Những ngày tháng 1 này, nỗi niềm với công trình chưa hoàn thành trong tôi lại cuộn lên" - ông Đặng Ngọc Tùng, cựu Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, giãi bày.
Run tay cầm hạt cát Hoàng Sa
* Nhắc về công trình ấy, điều gì ông nghĩ đến đầu tiên?
- Ông Đặng Ngọc Tùng: Nghĩ đến đầu tiên chính là những hạt cát trắng Hoàng Sa. Chúng tôi ấp ủ, tìm cách để thực hiện công trình: khảo sát Lý Sơn nhiều lần tìm địa điểm, tổ chức cuộc thi toàn quốc tuyển chọn thiết kế dự án, tổ chức triển lãm để lấy ý kiến góp ý, tổ chức quyên góp kinh phí...
Ông Đặng Ngọc Tùng. |
Nhưng tất cả vẫn chưa thể sánh bằng tấm lòng của người dân Lý Sơn. Những ngư dân Lý Sơn đã không màng nguy hiểm, vượt sóng đến tận Hoàng Sa, lặn lội vào đảo để mang về cả tấn cát Hoàng Sa cho ngày khởi công, đặt viên đá đầu tiên của công trình.
* Họ làm thế nào để lấy được cát từ Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm?
- Khi nghe các ngư dân bày tỏ ý định, tôi đã ngăn cản, sợ xảy ra nguy hiểm nhưng họ quả quyết: "Đó là đảo của Việt Nam, là ngư trường mưu sinh của cha ông chúng tôi. Chúng tôi vẫn đến đó, thuộc như lòng bàn tay. Công trình vọng nhớ Hoàng Sa không thể thiếu hạt cát Hoàng Sa".
Tôi không ngăn được quyết tâm của họ. Các ngư dân âm thầm đi. Rồi họ về, mang theo mấy tấn cát.
* Cảm giác của ông hẳn là khó có thể tả bằng lời...
- Nghe báo tin, tôi ngỡ ngàng xúc động, không nói nên lời. Cầm hạt cát Hoàng Sa trên tay mà tôi run run, nghĩ đó là xương máu của cha ông.
Tại lễ khởi công "Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa", chúng tôi đã rất trân trọng bê những chiếc bình đựng hạt cát Hoàng Sa đổ vào chân viên đá đầu tiên. Lòng biết ơn của chúng tôi với bao thế hệ người đã khuất ở đó. Lòng yêu nước, sắt son, kiên trung vì Tổ quốc trường tồn của người dân cũng ở đó.
Chúng tôi đã đóng những hạt cát ấy vào biểu tượng cột chủ quyền Hoàng Sa làm bằng thủy tinh, trao tặng các nhà hảo tâm đã đóng góp vào chương trình "Tấm lưới nghĩa tình", "Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa" theo đúng nguyện vọng của ngư dân.
* Chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" đã trợ giúp ngư dân cụ thể như thế nào?
- Từ năm 2011, 2012, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, lấy đảo Phú Lâm làm trung tâm và họ đẩy mạnh việc kiểm soát ngư trường Hoàng Sa, liên tục bắt bớ, tịch thu ngư cụ và phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam, đẩy ngư dân ra khỏi ngư trường truyền thống...
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình "Tấm lưới nghĩa tình", vận động đoàn viên đóng góp để giúp ngư dân trang bị lại ngư cụ, tiếp tục ra khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống, góp phần giữ chủ quyền biển đảo.
Cờ Việt Nam vẫn tung bay trên ngư trường Hoàng Sa bất chấp sự hăm dọa, xua đuổi, bắt bớ, đánh đập, tịch thu... của phía Trung Quốc.
* Hiện giờ, các chương trình ấy vẫn được duy trì tốt chứ?
- Phải nói thật là từ ngày nghỉ hưu, tôi không còn điều kiện để theo dõi, đốc thúc sát sao, nhưng tôi biết anh em vẫn đang tích cực thực hiện vì ai cũng hiểu đây là việc chung phải làm vì người dân Việt, vì đất nước Việt Nam.
Mỗi khi gặp các anh em ở tổng liên đoàn, tôi đều nhắc đi nhắc lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các công trình "Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa": gắn kết toàn dân tộc, tri ân các thế hệ người Việt đã đứng ngoài đầu sóng ngọn gió, hi sinh bảo vệ Tổ quốc.
Mong ngày xúc cát đàng hoàng, an nhiên
Giọng ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Hội Nghề cá An Hải, Lý Sơn (Quảng Ngãi) - sôi nổi khi kể về hạt cát:
"Cát Hoàng Sa đặc biệt lắm, chỉ nhìn chúng tôi cũng phân biệt được chứ chưa cần cầm trên tay. Ấy là những hạt cát trắng, mịn và đặc biệt là rất nặng, nặng hơn hẳn cát vàng. Ngư dân chúng tôi tin nó chứa hồn cốt cha ông mình nên mới nặng như vậy".
Ông Nguyễn Quốc Chinh. |
* Nghe như thể các ông rất quen thuộc với Hoàng Sa?
- Ông Nguyễn Quốc Chinh: Ngư dân Lý Sơn đều thuộc ngư trường Hoàng Sa, những đảo Hoàng Sa như lòng bàn tay, như vườn cây ao cá nhà mình. Tuy đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm 44 năm nay nhưng đó vẫn là ngư trường truyền thống của chúng tôi, vẫn là nơi chúng tôi neo tàu trú bão, tránh gió.
Hoàng Sa ngoài khơi, ngay trước mặt Lý Sơn. Ngư dân Lý Sơn chưa có ngày nào bỏ Hoàng Sa, cha ông di ngôn luôn nhắc Hoàng Sa.
Lời ca của người Lý Sơn nhắc: "Hoàng Sa trời nước mênh mông / Người đi thì có mà không thấy về / Hoàng Sa mây nước bốn bề / Tháng 2 khao lề thế lính Hoàng Sa"... Bao nhiêu xương máu cha ông chúng tôi đã nằm lại nơi đó.
* Ngoài những ngôi mộ gió, lễ khao lề thế lính đã duy trì hàng trăm năm, Lý Sơn còn tập tục nào liên quan đến Hoàng Sa?
- Mỗi năm tết đến, các gia đình Lý Sơn sửa soạn lại bàn thờ, thay cát trong các lư hương. Cát ấy nhất định phải là cát Hoàng Sa, vì cha ông chúng tôi đã để xương cốt lại Hoàng Sa. Tập tục ấy vật đổi sao dời cũng không thể bỏ.
* Ông nghĩ gì trong những lần lấy cát ở Hoàng Sa?
- Ngư trường là của Việt Nam, đảo là của Việt Nam. Dù đảo đã bị cưỡng chiếm nhưng chúng tôi vẫn bám ngư trường để đánh bắt, tất nhiên cũng vẫn sẽ vào đảo lấy được cát. Nói thật là nguy hiểm.
Ban ngày chúng tôi neo gần các bãi cát không có quân Trung Quốc đóng, ban đêm ngậm ống thở lội vào xúc cát rồi cột dây kéo ra. Khi lấy cát để đưa vào công trình tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa cũng làm như vậy.
Nhiều người ở đất liền nói tụi tôi như thế là dũng cảm, nhưng chúng tôi chỉ mong một ngày được xúc bụm cát đàng hoàng, an nhiên.
* Người dân Lý Sơn nghĩ thế nào về công trình tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa?
- Mỗi người Lý Sơn, nhất là những ngư dân như chúng tôi, đều đã có công trình tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trong lòng mình, nhưng chúng tôi vẫn mong công trình được xây dựng và hoàn thành từng giờ từng phút.
Đó sẽ là điểm tập hợp, sẽ là nơi chúng tôi giới thiệu với du khách đến đảo, với con cháu mình về truyền thống của Lý Sơn và truyền thống của Hoàng Sa. Hai năm qua, thấy công trình chậm trễ, chúng tôi sốt ruột lắm chứ, nhưng cũng biết có nhiều cái khó...
* Việc khai thác ngư trường Hoàng Sa thời gian gần đây đã diễn tiến thế nào?
- Rất khó khăn và nhiều thiệt hại. Nguồn vốn vay của Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức tuy không lớn, không bù đắp lại nổi nhưng là nguồn động lực, động viên rất lớn để chúng tôi bám ngư trường.
Mấy năm nay, nguồn ấy rất hạn hẹp khiến nhiều ngư dân mất tàu phải bỏ nghề. Nghiệp đoàn An Hải giảm mất một nửa số tàu so với cách đây 3 năm, bên An Vĩnh cũng vậy. Chúng tôi rất buồn, nhưng những người còn lại vẫn phải cố giữ nghiệp đi biển, giữ ngư trường Hoàng Sa...
Sẽ cố gắng hơn nữa
Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến người dân Quảng Ngãi và Lý Sơn một lần nữa để điều chỉnh tượng đài cho thật phù hợp: điều chỉnh cây đèn bão thành đèn chai, có nên thêm một em bé bên cạnh người phụ nữ?... Địa điểm đặt tượng cũng làm khảo sát địa chất một lần nữa thật kỹ lưỡng để tính toán về đất nền, gió bão. Kinh phí đang phải tính thêm nguồn. Hồ sơ xây dựng cũng đã được làm hoàn chỉnh cho thật đúng quy định... Sau hai năm như vậy có lẽ là chậm, nhưng chúng tôi vẫn đang tích cực xúc tiến. Biết người dân Lý Sơn và cả nước đang chờ đợi, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa. |
Hoàng Sa - Trường Sa lãnh hải (Trích Văn tế khao lề thế lính Hoàng Sa) |
Phạm Vũ/tuoitre