Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo về tình trạng ngộ độc do ăn thịt cóc nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chế biến không đúng cách dẫn đến ngộ độc, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) thông tin: 100% vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong cóc đều xảy ra ở đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, công tác tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm trong khu vực này được ngành Y tế và các cơ quan truyền thông quan tâm triển khai.

canh-bao-nguy-co-ngo-doc-thit-coc-4325.jpg
Nhiều người dân vẫn bắt cóc và chế biến làm thức ăn hoặc phơi khô thịt cóc để tích trữ làm thực phẩm sử dụng trong thời gian dài. Ảnh: N.N

Trong đó, có nhiều chuyên đề tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn thịt cóc. Tuy nhiên, do thói quen săn bắt, sử dụng động vật, côn trùng, nhất là thịt cóc để làm thức ăn nhưng chế biến, bảo quản không đúng cách dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Thậm chí, nhiều gia đình còn chế biến, phơi khô thịt cóc để tích trữ làm thực phẩm sử dụng trong thời gian dài.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Rơ Mah Hben (làng Ngo Se, thị trấn Chư Sê) cho hay: Tại nơi tôi sinh sống, nhiều người vẫn sử dụng thịt cóc trong các bữa ăn. Thịt cóc có nhiều chất dinh dưỡng nhưng phải biết sơ chế, chỉ ăn phần thịt còn phần da, nội tạng thì không thể ăn được. Tuy nhiên, trong làng thi thoảng cũng có người bị ngộ độc do ăn thịt cóc.

Những trường hợp bị ngộ độc đa phần là trẻ em. Các cháu thấy người lớn bắt cóc làm thịt ăn nên bắt chước làm theo nhưng không biết cách chế biến dẫn đến ngộ độc.

Còn chị Kpă Hoan (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) thì cho biết: “Nhiều người dân trong xã vẫn ăn thịt cóc, thậm chí có người còn phơi khô để tích trữ. Do đã nghe nói đến nhiều vụ ngộ độc thịt cóc nên gia đình tôi không sử dụng. Đồng thời, tôi cũng dặn dò các con không được bắt và chế biến thịt cóc để ăn”.

Mới đây, đoàn khảo sát của Bộ Y tế tổ chức khảo sát, đánh giá về nguy cơ ngộ độc thịt cóc tại các làng vùng dân tộc thiểu số đã từng ghi nhận có các ca ngộ độc.

Qua khảo sát, tại những nơi này, người dân cho biết vẫn sử dụng thịt cóc trong các bữa ăn dù biết nguy cơ xảy ra ngộ độc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số vụ ngộ độc và tử vong do ăn thịt cóc tại Gia Lai không giảm.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang nhìn nhận: Theo quan niệm dân gian, thịt cóc được sử dụng để bồi bổ sức khỏe, đặc biệt là trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn nhờ chứa lượng đạm và kẽm cao.

Thịt cóc không có độc tố, giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên, một số bộ phận trong cơ thể chúng có những độc tố có thể gây chết người.

Nguyên nhân gây ngộ độc là do người dân không biết cách chế biến để loại bỏ hết phần da, nội tạng, làm cho độc tố lẫn vào thịt cóc nên khi ăn bị nhiễm độc tố gây ngộ độc. Vì vậy, việc tìm hiểu, nhận biết được những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong cóc là việc làm cần thiết, giúp tránh tổn hại đến sức khỏe, tính mạng.

Cũng theo bà Trang, chất độc trong cóc là hợp chất bufotoxin có ở nhựa cóc (tiết ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da) và nội tạng (gan, trứng). Trong nhựa cóc và nội tạng (gan, trứng) chứa lượng độc tố rất cao. Độc tố trong cóc không bị nhiệt phân hủy.

Trung bình 1-2 giờ sau khi ăn, người bị ngộ độc sẽ có triệu chứng nôn mửa, chướng bụng trên và đau bụng, hồi hộp, tim đập nhanh sau đó rối loạn nhịp tim, rung thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt nhanh. Nặng hơn có thể gây ảo giác, ảo tưởng, tứ chi tê dại, đổ mồ hôi, khó thở, ngừng thở, ngừng tim và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Người bị ngộ độc bởi độc tố của cóc có tỷ lệ tử vong rất cao, do đó cần phát hiện sớm và đưa đi thực hiện các biện pháp sơ cứu, cấp cứu kịp thời tại cơ sở y tế gần nhất.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ năm 2023 đến tháng 9-2024, Gia Lai ghi nhận 7 vụ và 1 ca ngộ độc khi ăn thịt cóc với 23 người mắc. Trong đó, 5 người tử vong, 18 người nhập viện cấp cứu.

Có thể bạn quan tâm

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.