Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

P.V: Thưa ông, ông cho biết tình hình nhiễm HIV hiện nay trên địa bàn tỉnh?

Ông Bá Tường Đăng Phong: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1993, đến nay số ca nhiễm HIV luỹ tích là 1.430 trường hợp; trong đó 376 trường hợp tử vong. Hiện địa phương đang quản lý 623 trường hợp nhiễm HIV còn sống.

Số người nhiễm HIV phát hiện trên chủ yếu ở TP. Pleiku, các huyện gần thành phố như: Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông. Số người nhiễm HIV phát hiện chủ yếu ở giới tính nam chiếm đến 72,11% trong tổng số người nhiễm. Nhóm tuổi từ 30-39 chiếm 32,64% số người nhiễm HIV phát hiện đang còn sống, nhiều hơn so với các nhóm tuổi còn lại.

Người nhiễm HIV phát hiện vào những năm trước lây nhiễm qua đường máu cao hơn. Tuy nhiên qua theo dõi hàng năm, hiện nguy cơ lây nhiễm có xu hướng tăng ở đường tình dục, đến thời điểm hiện tại lây qua đường tình dục 37,1%.

Đặc biệt cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới ở những nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Đây là nhóm chiếm tỉ lệ lớn trong số người nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm. Tuy nhiên, do những người này lo ngại sự phân biệt kỳ thị từ cộng đồng nên hầu hết không dám công khai. Vì vậy, họ rất khó tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

z6106343486979-4c03ff61c41be1be6e6a08ea813c7e3d.jpg
Tỉnh Gia Lai tăng cường công tác truyền thông phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: Như Nguyện

P.V: Thưa ông, cách tiếp cận cũng như các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay được quan tâm triển khai như thế nào?

Ông Bá Tường Đăng Phong: Cách tiếp cận các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh hiện được triển khai bằng nhiều hình thức, gồm: Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su; trong đó, người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao được cung cấp miễn phí và hướng dẫn sử dụng tại phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch; dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; các biện pháp can thiệp giảm tác hại phù hợp khác.

Hiện tại có 1 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (methadone) đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang điều trị cho 66 người. Ngoài ra, Trung tâm luôn tăng cường hoạt động truyền thông, công tác tư vấn nhóm, tư vấn hỗ trợ cho người bệnh HIV...

Hiện nay, người nhiễm HIV/AIDS được tham gia điều trị thuốc kháng HIV (ARV), được theo dõi quá trình điều trị tại cơ sở điều trị thuốc ARV đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, Trung tâm Y tế thị xã An Khê. Hàng năm, tỉnh đảm bảo nguồn kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV, đảm bảo người nhiễm HIV có thẻ BHYT khi tham gia điều trị ARV và hỗ trợ kinh phí đồng chi trả thuốc ARV.

z6092609618743-3ce43b50035adc3a6f1a1dff6881421f.jpg
Các trường học tăng cường truyền thông đến học sinh và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ. Ảnh: Như Nguyện

P.V: Thưa ông, công tác phòng-chống HIV trên địa bàn tỉnh hiện đang đặt ra những vấn đề gì cần quan tâm?

Ông Bá Tường Đăng Phong: Công tác phòng-chống HIV trên địa bàn tỉnh cần quan tâm các hoạt động như: Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường công tác truyền thông tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, tư vấn xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng-chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.

Ngoài ra, cần tuyên truyền để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng-chống HIV/AIDS.

Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, BHYT và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng-chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

P.V: Chủ đề Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS-Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030"; vậy tỉnh Gia Lai đã đặt ra mục tiêu trọng tâm gì để triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS-thưa ông!

Ông Bá Tường Đăng Phong: Tháng hành động Quốc gia phòng-chống HIV/AIDS năm 2024 triển khai từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng-chống HIV/AIDS-Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Tỉnh Gia Lai đã đặt ra mục tiêu trọng tâm là bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và phải đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ y tế với chi phí hợp lý, đảm bảo chất lượng.

Chúng ta cần hiểu rằng, kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS, mà kết thúc dịch AIDS nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, mỗi người cần nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS, giới tính, sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma tuý, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ cần có sự góp sức của cả cộng đồng trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.

P.V: Xin cám ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.