Cần xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm 2022, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở Gia Lai còn tồn tại một số bất cập, trong đó có nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT). Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT nhằm kéo giảm TNGT trên địa bàn.
Nhiều điểm tiềm ẩn TNGT
Đánh giá về tình hình TNGT trên địa bàn, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026), Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh-thông tin: Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 310 vụ TNGT, làm 220 người chết, 241 người bị thương. So với năm 2021, TNGT tăng cả 3 chỉ số. Cụ thể, tăng 16,1% số vụ, tăng 17,02% số người chết và tăng 12,62% số người bị thương. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra trên tuyến quốc lộ và chủ yếu liên quan đến người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân TNGT tăng cao so với năm 2021 là do năm 2021, chúng ta liên tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng-chống dịch Covid-19 nên hạn chế lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông, dẫn đến TNGT giảm sâu. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, hạ tầng giao thông một số nơi chưa đảm bảo, còn nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT cũng khiến tình hình TNGT trên địa bàn diễn biến phức tạp.
Từ năm 2019 đến nay, đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh thị trấn Chư Sê xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, tại 4 nút giao thông giao đường Hồ Chí Minh với đường: Trần Nhân Tông (Km 1+870), Cách Mạng (Km 6+462), Phan Đình Phùng (Km 6+989) và quốc lộ 25 (Km 8+875) đã xảy ra 10 vụ TNGT, khiến 2 người chết, 14 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát khi qua các nút giao thông. Bà Lê Thị Tuyết (làng Dun Bêu, thị trấn Chư Sê) cho biết: “Trước đây, khi chưa có tuyến đường tránh chạy qua, đoạn đường này rất ít xảy ra tai nạn giao thông. Nhưng từ khi mở đường tránh, người dân chúng tôi nơm nớp lo sợ vì thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Do đoạn đường này không có hệ thống biển báo bài bản nên người dân không biết cách lưu thông sao cho đúng luật. Chúng tôi mong cơ quan chức năng lắp đặt hệ thống biển báo đầy đủ, rõ ràng để giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường này”.
Nút giao thông đoạn tránh Đông đường Hồ Chí Minh giao với đường Cách Mạng (km6+462) không có biển báo, đèn tín hiệu giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Ảnh: Quang Tấn
Nút giao đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh thị trấn Chư Sê với đường Cách Mạng (km6+462) không có biển báo, đèn tín hiệu giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Ảnh: Quang Tấn
Tình hình TNGT trên quốc lộ 25-đoạn qua địa bàn huyện Phú Thiện thời gian qua cũng diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, đoạn qua thị trấn Phú Thiện (Km 143 đến Km 146+900), xã Ia Ake (Km 147 đến Km 148), xã Ia Hiao (Km 129+900 đến Km 130) thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng do không có dải phân cách, biển báo giao thông. Điển hình như vào ngày 21-7, anh Nguyễn Kim Cương (tổ 7, thị trấn Phú Thiện) điều khiển xe lưu thông trên quốc lộ 25 theo hướng Chư Sê đi Phú Thiện. Khi đến Km 148+200, do trời mưa, tầm nhìn hạn chế, mặt đường trơn trượt, anh Cương không làm chủ được tốc độ nên đã tự tông vào phần đuôi xe máy kéo nhỏ đang đậu sát bên lề đường bên phải phía trước theo chiều đi. Vụ tai nạn khiến anh Cương tử vong tại chỗ, 2 xe bị hư hỏng, thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Khoảng 1 tháng sau, cũng tại đoạn đường này đã xảy ra vụ TNGT giữa 2 xe mô tô khiến 1 người bị thương nặng.
Rà soát và có biện pháp xử lý
Theo ông Trần Quốc Sĩ-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Sê, trong năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 30 vụ TNGT, làm 24 người chết, 24 người bị thương. So với năm 2021, TNGT tăng cả 3 tiêu chí: tăng 9 vụ, tăng 2 người chết và tăng 12 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, đi ngược chiều, đi không đúng làn đường quy định, chuyển hướng qua đường không đảm bảo an toàn… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông tuy được đầu tư nâng cấp nhưng chưa đáp ứng với mật độ gia tăng của phương tiện. “Để hạn chế, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông, mới đây, Phòng đã phối hợp với Công an huyện tiến hành rà soát, khắc phục những bất cập trong công tác tổ chức giao thông, các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường do địa phương quản lý. Đồng thời, đề xuất các cấp quan tâm xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT trên tuyến quốc lộ 25, đường Hồ Chí Minh, nhất là đường tránh phía Đông qua thị trấn Chư Sê. Trên đoạn đường tránh này thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng. Ban An toàn giao thông huyện đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm lắp biển báo và đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông giao nhau với đường nội thị”-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Sê thông tin.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông thường xuyên phối hợp tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên quốc lộ 25. Ảnh: Quang Tấn
Lực lượng Cảnh sát Giao thông thường xuyên phối hợp tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên quốc lộ 25. Ảnh: Quang Tấn
Đối với những điểm tiềm ẩn TNGT trên tuyến quốc lộ 25, Công an huyện Phú Thiện cũng đề nghị lắp đặt dải phân cách mềm, gờ giảm tốc độ, đèn chiếu sáng, camera giám sát… tại các vị trí thường xuyên xảy ra TNGT. Nhưng đến nay, việc lắp đặt vẫn chưa được thực hiện.
Theo Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), tháng 6-2022, Sở đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát, phân loại chi tiết các điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường do địa phương quản lý. Sở GT-VT cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát 4 tuyến quốc lộ và 10 tuyến tỉnh lộ do Sở quản lý; đồng thời, phối hợp Khu Quản lý đường bộ III rà soát các điểm trên quốc lộ 19 và đường Hồ Chí Minh. Qua rà soát, các tuyến do Sở GT-VT quản lý có 25 vị trí tiềm ẩn TNGT; các tuyến do Khu Quản lý đường bộ III có 27 vị trí; các tuyến do địa phương quản lý có 43 vị trí (có 4 địa phương chưa báo cáo gồm: Đức Cơ, Ia Pa, Đak Đoa, Krông Pa).
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở GT-VT-cho hay: Ngành GT-VT rất quan tâm đến các điểm mất an toàn giao thông. Qua phản ánh của một số địa phương và Công an tỉnh, Sở đã thành lập đoàn cùng các đơn vị liên quan kiểm tra toàn bộ các điểm tiềm ẩn TNGT và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh đề nghị cấp huyện có các biện pháp khắc phục, xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn. Đối với các tuyến do Sở quản lý đã tiến hành bổ sung hệ thống an toàn giao thông tại 103 vị trí. Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã kiến nghị Khu Quản lý đường bộ III xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT cũng như bổ sung, hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường quản lý.
Để hạn chế TNGT, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị: “Thời gian tới, các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm trong việc giảm thiểu TNGT. Đặc biệt, ngành GT-VT tiếp tục phối hợp cùng ngành Công an rà soát kỹ lại tất cả các điểm tiềm ẩn TNGT và có biện pháp xử lý; tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm các loại biển báo giao thông tại một số đoạn đường nguy hiểm và những “điểm đen” TNGT. Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và chung tay cùng hệ thống chính trị để giảm thiểu TNGT”.
QUANG TẤN - TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ksor Nai (thứ 2 từ phải sang) cùng người dân xã Chư Mố trao đổi về công tác hòa giải ở địa phương. Ảnh: H.M

Ksor Nai nhiệt tình với công tác hòa giải

(GLO)- Ngoài đảm nhận vai trò hòa giải viên tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ia Pa, từ năm 1978 đến nay, ông Ksor Nai (SN 1956, thôn Plơi Apa Ama H’lắk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

Người dân làng Kmông phấn khởi khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.H

Nước sạch về làng

(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở làng Kmông và De Lung 1 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi công trình nước sạch do Hội Liên hiệp phụ nữ xã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.