Cần nhận thức đúng quy định về sử dụng pháo hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 11-1-2020, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó, nội dung được xã hội quan tâm hàng đầu là cho phép sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn mơ hồ, nhầm lẫn về các loại pháo hoa được phép sử dụng. Việc hiểu không rõ bản chất của Nghị định số 137 có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Ngày 31-12-2020, qua công tác tuần tra kiểm soát, Công an thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) đã bắt quả tang 1 thanh niên (SN 1993, trú tại thị trấn Chư Ty) đang có hành vi đốt pháo nổ trái phép. Lực lượng Công an đã lập biên bản phạt hành chính về hành vi sử dụng pháo trái phép.

Khi được hỏi mục đích đốt pháo là gì, có biết đây là loại pháo cấm sử dụng không, thanh niên này hồn nhiên trả lời: “Tết gần đến nên theo bạn bè… đốt cho vui chứ cũng không hiểu pháp luật quy định ra sao”. Thanh niên này còn khai đã mua số pháo nổ nói trên của một người đàn ông không rõ lai lịch ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ).

 Công an huyện Đức Cơ bắt đối tượng tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép. Ảnh: Thúy Trinh
Công an huyện Đức Cơ bắt đối tượng tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép. Ảnh: Thúy Trinh


Trung tá Hà Vĩnh Thiện-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Đức Cơ) thông tin: Năm nay, các vụ vận chuyển, mua bán trái phép qua hướng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tăng đột biến. Chỉ tính riêng từ ngày 15-11-2020 đến nay, qua công tác phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát đường biên, Công an phát hiện trên 10 vụ với gần 600 kg pháo nổ các đối tượng vận chuyển trái phép qua tuyến biên giới.

“Hiện chúng tôi đang tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát tại các tuyến đường, khu vực biên giới, giáp ranh, các cơ sở kinh doanh… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về pháo trên địa bàn”-Trung tá Thiện cho hay.

Theo thống kê, từ đầu tháng 12-2020 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 15 vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép, thu giữ hơn 1.100 kg pháo nổ các loại và nhiều tang vật khác có liên quan (tăng 8 vụ, 500 kg tang vật so với cùng kỳ năm 2019). Lực lượng Công an đã khởi tố điều tra 4 vụ với 3 bị can về hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ trái phép. Trong đó, số vụ phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia chiếm trên 50%. Mới đây, lúc 19 giờ 30 phút ngày 4-1, Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự (Công an huyện Đức Cơ) phát hiện, xử lý 1 đối tượng tàng trữ, vận chuyển 5 hộp, 10 bì pháo trên 1 xe taxi tại địa bàn thị trấn Chư Ty.

Cần phân biệt rõ các loại pháo hoa

Nghị định số 137 của Chính phủ quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ. Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc, không gian, không gây ra tiếng nổ. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Còn pháo hoa nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Loại pháo này chỉ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng trong các trường hợp cụ thể như: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc khánh..., người dân không được sử dụng.

Nghị định số 137 của Chính phủ quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Nghị định số 137 của Chính phủ quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Để người dân hiểu rõ nội dung của Nghị định số 137, tránh xảy ra các trường hợp vi phạm đáng tiếc do thiếu hiểu biết pháp luật, các đơn vị, Công an địa phương đang tích cực tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân với nhiều hình thức sáng tạo, dễ hiểu. Đơn cử như Công an TP. Pleiku phát hàng chục ngàn tờ rơi với nội dung ngắn gọn, chính xác về Nghị định số 137 bao hàm nhiều thông tin như: khái niệm các loại pháo hoa, pháo nổ; ai được phép sử dụng; sử dụng vào dịp nào; chế tài xử lý vi phạm… Các nội dung này cũng được đơn vị tuyên truyền rộng rãi trên mạng xã hội để người dân dễ tiếp cận, nắm bắt, thu hút nhiều lượt chia sẻ của cộng đồng mạng.

Ngoài ra, lực lượng Công an chú trọng tuyên truyền tập trung ở các khu dân cư, tổ chức ký cam kết với từng xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân không thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Trong 2 tuần qua, Công an huyện Đức Cơ tổ chức tuyên truyền chuyên đề về Nghị định số 137 ở 3 điểm tại 2 xã với hơn 300 người dân tham gia.

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao. Vì vậy, người dân hãy tìm hiểu, phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.

 

 THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Vụ phóng hỏa quán cà phê khiến 11 người tử vong: Nhiều thi thể bị cháy biến dạng

Theo đại diện cơ quan chức năng, đến nay đã có 3 nạn nhân xác định được danh tính, nhiều người còn lại vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Một nhân viên phụ trách nhà tang lễ cho hay, nhiều thi thể bị cháy biến dạng, cơ quan chức năng đang khám nghiệm để xác định thêm danh tính.

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Chi tiết vụ án liên quan Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị

Liên quan đến vụ Tổng biên tập Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam cùng đồng phạm bị bắt, ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018 đến 2024, Tạp chí này đã ký kết gần 3.200 hợp đồng tài trợ và quảng cáo với các tổ chức, doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.